Triển vọng nào cho cổ phiếu dầu khí trong năm 2024?
Tại hội thảo trực tuyến ngày 26/2, Vietcap dự báo giá dầu thô năm 2024 sẽ dao động ở mức 82 USD/thùng, cao hơn so với 2023. Giai đoạn 2025-2026, giá dầu dự kiến ở mức 75 USD/thùng, thận trọng hơn nếu so với dự báo của Bloomberg.
Năm nay, giá khí được dự báo giảm so với nền cao trước đó. Bà Đinh Thị Thùy Hương, Phó Giám đốc Phòng Nghiên cứu và Phân tích của Vietcap, đánh giá điều này tích cực cho Việt Nam khi sắp tới nước ta sẽ nhập khẩu LNG rất nhiều. Mức giảm giá là khoảng 12-13 USD/mmBTU.
Với giá dầu, khí theo dự báo như trên, hoạt động thăm dò và khai thác (E&P) toàn cầu được đánh giá sáng cửa.
S&P Global dự báo chi tiêu toàn cầu cho lĩnh vực dầu khí thường nguồn sẽ phục hồi, với CAGR đạt 4% trong giai đoạn 2023-2027. Khu vực Trung Đông dẫn đầu sự phục hồi toàn cầu. Trong khi đó, Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam, có triển vọng E&P khả quan.
Hoạt động E&P dầu khí bước vào chu kỳ tăng trưởng mới
Chia sẻ góc nhìn đầu tư cổ phiếu ngành dầu khí, các chuyên gia đánh giá hoạt động E&P dầu khí trong nước sẽ bước vào chu kỳ tăng trưởng mới từ 2024. Điều này sẽ có lợi cho các công ty PV Drillings (Mã: PVD), PTSC (Mã: PVS) hay PV Gas (Mã: GAS).
Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ của PV Drilling dự báo tăng 70% so với cùng kỳ trong cả 2024 và 2025. Theo thông tin từ Vietcap, PV Drilling đã được phê duyệt giàn khoan mới, điều khá bất ngờ trong bối cảnh năm 2023. Giàn khoan mới này được dự báo đóng góp khoản 10% lợi nhuận của PV Drilling kể từ 2025 trở đi. Mặt khác, rủi ro tiềm ẩn đối với PV Drilling là lỗ tỷ giá chưa thực hiện đối với khoản nợ bằng USD.
Với PTSC, dự báo lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ năm 2024 sẽ tăng 27%. Điều này đến từ dự báo doanh thu M&C tăng 69% so với năm trước, sự phục hồi của E&P trong nước, đóng góp từ các dự án điện gió mới ngoài khơi và giả định biên lợi nhuận gộp tăng lên 3,5% so với 1,4% vào 2023. Rủi ro đối với PTSC có thể đến từ trường hợp trì hoãn tại dự án Lô B.
Các chuyên gia cũng có đánh giá khả quan đối với PVTrans (Mã: PVT) và Petrolimex (Mã: PLX). Theo các chuyên gia, PVT là cổ phiếu có định giá rẻ nhất trong danh sách theo dõi.
Góp mặt tại buổi hội thảo, bà Bùi Lan Anh, Trưởng Phòng Quan hệ nhà đầu tư của PVTrans, cho biết doanh thu năm 2023 của doanh nghiệp vận tải dầu khí đạt khoảng 429 triệu USD; tỷ lệ ROE bình quân giai đoạn 2018-2023 đạt 15%.
PVTrans đang nhắm đến mở rộng ra thị trường vận tải quốc tế. Hiện đội tàu (cả công ty mẹ và thành viên) bao gồm 51 tàu các loại và có kế hoạch đầu tư nâng lên thành 82 tàu vào 2024-2025. Tổng giá trị đầu tư ước tính 819,4 triệu USD.
Một khía cánh khác, năm nay nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ tiến hành bảo dưỡng, kéo theo giảm nhu cầu đối với các tàu trong nước thuộc PVTrans chuyên chở phục vụ nhà máy này. Ba Lan Anh cho biết PVTrans sẽ tranh thu đem một số tàu đi sửa chữa hay đưa ra thị trường quốc tế để khai thác.
Đối với lĩnh vực phân bón, chuyên gia của Vietcap chỉ ra Đạm Cà Mau (Mã: DCM) và Đạm Phú Mỹ (Mã: DPM) là cơ hội đầu tư nhận cổ tức hấp dẫn (lợi suất Vietcap dự báo 6% - 10% trong 3 năm tới).
Điểm tên các doanh nghiệp hưởng lợi đáng kể từ dự án Lô B
Tâm điểm ngành dầu khí trong dài hạn vẫn tại dự án Lô B – Ô Môn. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đặt mục tiêu vốn đầu tư năm 2024 là 49.200 tỷ đồng, tăng 57% so với năm trước, gấp 2 lần mức đầu tư đỉnh điểm vào 2025, chủ yếu dành cho dự án. Điều này cho thấy cam kết của PVN về việc được ra quyết định đầu tư cuối cùng vào tháng 4/2024.
Các công ty con của PVN cũng có kế hoạch vốn đầu tư đáng kể, như PVEP, PVTrans (Mã: PVT), PV Drilling, PTSC.
PVN có năng lực tài chính mạnh, được Fitch xếp hạng “BB+” và triển vọng ổn định. Vào cuối 2022, PVN sở hữu số dư tiền mặt và các khoản tương đương tiền đạt 236.000 tỷ đồng so với tổng nợ 61.000 tỷ đồng. Tiền mặt ròng là khoảng 7 tỷ USD. Do đó, các chuyên gia Vietcap đánh PVN không gặp trở ngại gì về vấn đề nguồn lực tài chính trong việc triển khai dự án Lô B, kể cả trường hợp đối tác nước ngoài không góp vốn.
Việc dự án Lô B nhận quyết định đầu tư cuối cùng sẽ có một số ưu điểm như: PVN và tổ chức nước ngoài đã ký kết thỏa thuận khung mua bán khí để khai thác dòng khí đầu tiên vào năm 2027; UBND TP Cần Thơ đã chấp thuận cho EVN chuyển quyền sở hữu 2 nhà máy điện Ô Môn III và IV cho PVN; năm 2022, đối tác nước ngoài đồng ý không có bảo lãnh của Chính phủ; nhu cầu khí đốt lớn; Chính phủ có thể thu thuế ước tính 22 tỷ USD từ dự án.