4 chuyên gia kỳ cựu dự đoán chứng khoán Mỹ có thể sập, suy thoái sẽ sớm xuất hiện
Tuần trước, S&P 500 đã lần đầu tiên vượt mốc 5.000 điểm khi các nhà đầu tư ăn mừng lợi nhuận khả quan của doanh nghiệp, lạm phát hạ nhiệt, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất và nguy cơ suy thoái dần biến mất.
Tuy nhiên, một số nhà đầu tư và nhà kinh tế nổi tiếng vẫn tin rằng thị trường chứng khoán Mỹ sẽ lao dốc và suy thoái kinh tế sẽ tấn công nước Mỹ. Dưới đây là những lời cảnh báo của họ, theo tổng hợp của Markets Insider:
1. Jeremy Grantham
Chia sẻ trong cuộc phỏng vấn gần đây cùng ThinkAdvisor, ông Jeremy Grantham dự đoán: “Thị trường chứng khoán Mỹ sẽ có một năm khó khăn”. Nhà đồng sáng lập công ty quản lý quỹ GMO lưu ý định giá cổ phiếu tại Mỹ đang “cao một cách lố bịch” so với các nước khác.
Ông Grantham từng gióng lên hồi chuông cảnh báo về một “siêu bong bóng” bao trùm thị trường cổ phiếu, bất động sản và các tài sản khác vào đầu năm 2022.
Bây giờ, vị chuyên gia cho rằng giá cổ phiếu có thể sẽ bị ảnh hưởng khi định giá sụt giảm và lợi nhuận doanh nghiệp thu hẹp vì chi tiêu tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế chững lại.
“Nền kinh tế Mỹ sẽ yếu đi. Ít nhất, chúng ta sẽ có một cuộc suy thoái nhẹ”, ông nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn.
Grantham nói thêm rằng chiến sự ở Ukraine và Trung Đông đã tạo ra một môi trường địa chính trị “rất đáng sợ”, có thể gây rắc rối cho nhà đầu tư khi giá tài sản ở mức cao kỷ lục.
“Hiện tại, thị trường đang phải chịu nhiều yếu tố tiêu cực cùng lúc”, ông cho hay.
2. David Rosenberg
Trên LinkedIn vào tháng trước, ông David Rosenberg - hiện là Giám đốc cấp cao của hãng nghiên cứu Rosenberg Research - dự đoán thị trường chứng khoán sẽ gánh chịu hậu quả nặng nề khi cuộc suy thoái mà rất ít người nhìn thấy cuối cùng cũng xuất hiện.
Ông Rosenberg nhận định đợt giảm mạnh của thị trường vào năm 2022 là “món khai vị” cho những gì có thể xảy ra khi các nhà đầu tư phản ánh cuộc suy thoái vào giá cổ phiếu.
Theo ông, Mỹ tránh được suy thoái vào năm 2023 là nhờ người tiêu dùng đã đốt tiền tiết kiệm và dùng tới thẻ tín dụng để chi tiêu, doanh nghiệp hạn chế sa thải nhân viên sau khi trải qua tình trạng thiếu hụt lao động trong đại dịch. Ngoài ra, việc chính phủ liên bang tiếp tục rót tiền vào nền kinh tế cũng giúp ích.
Trong bài viết, ông Rosenberg đã nêu ra một số dấu hiệu đáng ngại, đơn cử như việc nhiều nhà bán lẻ và công ty xây dựng đang cố gắng kích cầu bằng các chương trình khuyến mãi và giảm giá. Việc chính phủ vẫn ra sức chi tiêu khi tăng trưởng kinh tế và thị trường lao động vẫn vững mạnh là một dấu hiệu đáng lo khác.
3. Jeffrey Gundlach
Trong số gần đây của chương trình X Spaces, ông Jeffrey Gundlach - CEO của công ty quản lý đầu tư DoubleLine Capital - nói cổ phiếu và các tài sản khác đang “tăng giá điên cuồng” ở thời điểm ngày càng nhiều người Mỹ gặp rắc rối với hoá đơn thẻ tín dụng và lĩnh vực bất động sản thương mại suy yếu.
Vị tỷ phú cho rằng thị trường đang “lười biếng” và “tự mãn”. Ông so sánh giai đoạn hiện nay với thời kỳ bong bóng dot-com và bong bóng nhà đất, nhấn mạnh rằng nhiều nhà đầu tư đang thiếu sự sáng suốt.
CEO của DoubleLine Capital cho biết S&P 500 đang được định giá quá cao và có khả năng sẽ giảm điểm vào một thời điểm nào đó, nhưng không nhất thiết trong tương lai gần.
Ông nhắc đến hai dấu hiệu suy thoái, bao gồm đường cong lợi suất đảo ngược và việc các chỉ báo kinh tế sớm sụt giảm. “Tôi nghĩ chúng ta sẽ gặp suy thoái vào giữa năm nay”, ông nói.
4. Gary Shilling
Chia sẻ với Business Insider, ông Shilling lưu ý: “Giá cổ phiếu đang rất đắt đỏ...” Nhà kinh tế trưởng đầu tiên của hãng đầu tư Merrill Lynch dự đoán S&P 500 có thể giảm 30% xuống dưới 3.500 điểm, mức thấp nhất kể từ cuối năm 2020.
Ông Gary Shilling nổi tiếng vì từng dự đoán đúng nhiều diễn biến của thị trường trong 4 thập kỷ qua.
Dựa trên “các dấu hiệu kinh điển” như đường cong lợi suất đảo ngược, sự sụt giảm kéo dài của các chỉ báo kinh tế sớm và dữ liệu việc làm yếu hơn của các doanh nghiệp nhỏ, ông đoán nền kinh tế Mỹ sẽ suy thoái trong năm nay.
Ông Shilling cũng lưu ý rằng người tiêu dùng Mỹ hầu như đã cạn kiệt tiền tiết kiệm thời đại dịch. Việc chính phủ khôi phục chương trình thanh toán nợ vay sinh viên càng khiến thu nhập bị thu hẹp hơn nữa.
Ngoài ra, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng rất hiếm khi hạ cánh mềm nền kinh tế. Suy thoái lại có thể xảy ra nếu Fed quyết tâm không hạ lãi suất cho đến khi lạm phát quay về mức mục tiêu 2%.