|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

J.P. Morgan: Kênh chứng khoán đang hấp dẫn NĐT, VN-Index hướng lên 1.450 điểm

15:34 | 04/03/2024
Chia sẻ
J.P. Morgan đánh giá đợt tăng điểm 2 tháng đầu năm không làm ảnh hưởng định giá thị trường chứng khoán. Ở mức P/E dự kiến năm 2024 là 11,8 lần, tỷ suất sinh lời vẫn hấp dẫn so với các kênh đầu tư khác.

Theo báo cáo chiến lược thị trường mới đây của J.P. Morgan, VN-Index tăng 9,5% trong 2 tháng đầu năm (theo USD), cao thứ hai khu vực châu Á (sau Nhật Bản). Sự phục hồi được thúc đẩy bởi nhà đầu tư trong nước, trong khi khối ngoại bán ròng nhẹ.

Bối cảnh vĩ mô được cải thiện khi môi trường lãi suất thấp kỷ lục và Chính phủ cam kết kế hoạch phát triển thị trường vốn đã lấy lại niềm tin của nhà đầu tư trong nước.

J.P. Morgan cho rằng thị trường có khả năng tiếp tục tăng giá, VN-Index hướng lên 1.450 điểm theo kịch bản của tổ chức này (kịch bản cơ sở là 1.300 điểm). Những yếu tố cần có để bước vào thị trường tăng (bull market) gồm: thực hiện cải cách pháp lý, hưởng tới nâng hạng thị trường mới nổi; đà phục hồi sản xuất/GDP được duy trì; tăng trưởng đầu tư công, giải ngân cơ sở hạ tầng và FDI.

Định giá thị trường không bị ảnh hưởng sau đợt tăng giá vừa qua, P/E dự báo cho 2024 ở mức 11,8 lần. Các lĩnh vực ưa thích của J.P Morgan vẫn là ngân hàng, công nghệ thông tin và hàng tiêu dùng, với các lựa chọn điển hình là TCB, ACB, FPT và MSN.

Chính phủ vừa tổ chức hội nghị ngày 28/2 bàn về phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam. Những nội dung chính rút ra từ cuộc họp này bao gồm: (1) những thay đổi chính trong thời gian tới sẽ là việc triển khai KRX, các quy định cấp vốn trước (pre-funding) và cải thiện việc công bố thông tin; (2) khuyến khích nhiều hoạt động IPO và niêm yết hơn, bao gồm cả các công ty FDI và công ty cổ phần hóa Nhà nước (SOE), đồng thời xem xét những thay đổi về quy định để hợp lý hóa quy trình; và (3) tìm cách cải thiện sự tham gia của các nhà đầu tư tổ chức.

Tổng quan, Chính phủ đặt mục tiêu nâng hạng thị trường mới nổi và tổng cộng vốn hóa thị trường đạt 100% GDP vào năm 2025 (so với 62% hiện nay).

Nếu các cải cách quy định liên quan đến pre-funding được thực hiện trong nửa đầu năm, khả năng cao FTSE sẽ nâng hạng thị trường Việt Nam vào tháng 9/2024. Các chuyên gia ước tính dòng vốn thụ động trị giá 0,5 tỷ USD chảy vào thị trường. Trong phạm vi nghiên cứu J.P. Morgan, Vietcombank (Mã: VCB) và Vinhomes (Mã: VHM) là 2 cổ phiếu có thể nhận được nhiều dòng tiền vào lớn nhất nhờ tỷ trọng cao trong FTSE Vietnam Index.

 Nguồn: Báo cáo chiến lược thị trường cập nhật tháng 2 của J.P. Morgan.

Khi lãi suất tiền gửi tiếp tục giảm, thị trường đang chứng kiến các nhà đầu tư cá nhân chuyển sang đầu tư cổ phiếu. Số lượng tài khoản mới tăng lên vào đầu năm 2024 và khối lượng giao dịch đã phục hồi mạnh mẽ bất chấp dòng vốn nước ngoài chảy ra.

Ở mức P/E dự kiến 2024 là 11,8 lần, tỷ suất sinh lợi vẫn hấp dẫn so với các kênh đầu tư khác. Tuy nhiên, dòng vốn nhà đầu tư cá nhân cũng đi kèm với sự gia tăng trở lại của các khoản cho vay ký quỹ, với tăng 45% so với cùng kỳ, lên 88.000 tỷ đồng. Điều này cần được theo dõi chặt chẽ, vì áp lực giảm đòn bẩy thường dẫn đến sự điều chỉnh mạnh, như đã xảy ra nhiều lần trong ba năm qua.

Quá trình nâng hạng đang dần đến đích?

Nói rõ hơn câu chuyên nâng hạng, Chính phủ hiện đang hoàn tất việc loại bỏ các yêu cầu pre-funding khi hệ thống KRX đi vào hoạt động. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam cho biết việc nâng cấp hệ thống đang ở giai đoạn thử nghiệm cuối cùng trước khi triển khai vào quý I. Ngoài ra, Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam đang đệ trình đề xuất dỡ bỏ các yêu cầu pre-funding và triển khai mô hình CCP với hệ thống mới.

Theo J.P Morgan, đây là một trong những tiêu chí quan trọng cuối cùng mà thị trường chứng khoán đang thiếu, như FTSE đã nhấn mạnh. Nếu điều này được xóa, FTSE có thể phân loại lại Việt Nam là thị trường mới nổi thứ cấp trong đánh giá thường niên vào tháng 9/2024.

Nâng hạng FTSE có thể thu hút dòng vốn đáng kể vào Việt Nam từ cả quỹ thụ động và quỹ chủ động tập trung vào các thị trường mới nổi và toàn cầu. FTSE Vietnam Index có vốn hóa thị trường khoảng 24 tỷ USD, chiếm khoảng 0,4% FTSE Emerging Index và 0,03% FTSE All World Index.

Việt Nam đã đáp ứng hầu hết các yêu cầu định lượng của MSCI để đưa vào chỉ số thị trường mới nổi, bao gồm quy mô thị trường và số lượng cổ phiếu vốn hóa lớn có đủ thanh khoản giao dịch hàng ngày. Tuy nhiên, việc MSCI nâng hạng vẫn là một dấu hỏi, do tổ chức xếp hạng này: (1) công bố thông tin bằng tiếng Anh; và (2) ít tác động hơn đến FOL, trong điều kiện loại bỏ pre-fundding.

Xuân Nghĩa

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.