|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chiến lược giao dịch chứng khoán tháng 3: Áp lực điều chỉnh lên cao, NĐT cân nhắc chốt lời

14:55 | 01/03/2024
Chia sẻ
VN-Index đã tăng gần 11% trong 2 tháng đầu năm, phán ảnh mức độ hấp dẫn của kênh chứng khoán. Một số chuyên gia đánh giá triển vọng thị trường tích cực trong dài hạn, song áp lực điều chỉnh hiện hữu trong tháng 3.

Theo ông Huỳnh Hoàng Phương, Giám đốc khối Phân tích Công ty Tư vấn và Quản lý gia sản FIDT thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam khởi động năm 2024 với định giá thị trường được cho là rẻ với mức P/B là 1,68 lần, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 10 năm ở mức 2,2 lần.

Mức định giá rẻ này được kết hợp với triển vọng kinh tế Việt Nam phục hồi với mức tăng trưởng GDP có thể đạt 6,0% đã giúp thị trường chứng khoán trở nên hấp dẫn trong bối cảnh các kênh tài sản khác kém hấp dẫn hơn nhiều.

Do đó, từ đầu năm FIDT và nhiều tổ chức đều đánh giá kênh chứng khoán sẽ là kênh hút tiền trong năm 2024 so với các kênh khác như gửi tiết kiệm với nền lãi suất thấp hay bất động sản cần nhiều thời gian hơn để phục hồi. Ngoài ra, TTCK quốc tế diễn biến tích cực cũng góp phần tạo niềm tin cho thị trường trong nước.

VN-Index đã tăng 10,87% trong 2 tháng vừa qua phán ảnh mức độ hấp dẫn của kênh chứng khoán. Mức tăng dù có nhanh nhưng phù hợp với độ hấp dẫn của chứng khoán trong giai đoạn hiện nay.

Nguồn: Ông Huỳnh Hoàng Phương.

Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TP HCM của Chứng khoán DSC, đồng thuận diễn biến tích cực 2 tháng đầu năm đến từ hưởng ứng các thị trường quốc tế khởi sắc cùng các yếu tố trong nước ủng hộ cho kênh chứng khoán, bao gồm nỗ lực nâng hạng.

Tuy vậy, giám đốc của DSC cho rằng đang hiện hữu nhiều điểm chưa tốt trong vĩ mô. Đây đều là những vấn đề cũ nhưng vẫn phải nỗ lực để tìm hướng giải quyết, gồm nợ xấu hệ thống ngân hàng, đáo hạn trái phiếu và sức mua của người dân (đặc biệt với các mặt hàng tiêu dùng) tiếp tục có dấu hiệu suy giảm.

Ở góc nhìn kỹ thuật, quan điểm ông Huy cho rằng thị trường khả năng sẽ gặp khó khăn quanh vùng 1.280 - 1.300 điểm. Có thể thị trường có khả năng vượt qua vùng này trong năm 2024 nhưng không phải là câu chuyện của nửa đầu năm. Hiện rủi ro đang cao hơn cơ hội, nên nhà đầu tư xem xét cân nhắc chốt lời, giảm tỷ trọng cổ phiếu để tham gia trở lại với vùng giá tốt hơn.

Theo ông Phương, đà tăng trưởng thị trường trong 2 tháng đầu năm có sự phân hóa rõ, trong đó nhóm ngân hàng là nhóm ngành thu hút dòng tiền lớn nhất và cũng tác động lớn nhất trong đà tăng của chỉ số. Trong khi đó, các nhóm được nhà đầu tư cá nhân quan tâm là bất động sản, các nhóm ngành liên quan đầu tư công hay thậm chí dầu khí không đạt được mức tăng trưởng tốt trong 2 tháng vừa qua. Do đó, nhiều nhà đầu tư cá nhân cảm thấy chán nản, bị thị trường bỏ rơi trong các đợt tăng vừa qua.

Chuyên gia FIDT nhận định, thị trường sắp tới sẽ có thể có các đợt điều chỉnh và có thể sẽ được dẫn dắt bởi các dòng cổ phiếu mới sau khi nhiều nhóm cổ phiếu đã có bước tăng dài. Do đó, nhà đầu tư đang giữ các nhóm chưa tăng cần đánh giá lại các nhóm dẫn dắt sắp tới hơn là vội mua các nhóm đã tăng cao.

Ông Huy chỉ ra tính lan tỏa kém trong 2 tháng đầu năm do chưa hút được quá nhiều tiền mới và thanh khoản cũng duy trì ở mức độ tương đương năm 2023. Đà tăng chủ yếu tập trung vào nhóm trụ và các cổ phiếu ngân hàng khiến chỉ số tăng mạnh nhưng không phải nhà đầu tư nào cũng có lời.

Theo thống kê, đến cuối tháng 2, chỉ có chưa đầy 30% cổ phiếu trên HOSE có mức tăng trên 10%, tổng đó có đến 72,2% số cổ phiếu tăng dưới mức này. Cũng có đến hơn 30% số lượng cổ phiếu có mức sinh lợi âm. Do đó nhiều nhà đầu tư không kiếm được lời nhiều, thậm chí lỗ cũng là bình thường.

“Ngắn hạn thì ‘mùa nào thức ấy’ và nhà đầu tư muốn đánh sóng ngắn phải linh hoạt và đi theo thị hiếu thị trường. Trong khi đó nếu đầu tư dài hạn, nhà đầu tư nên phân tích kỹ lưỡng và kiên định với những lựa chọn của mình, không nên bị những diễn biến trong ngắn hạn quá chi phối.”, ông Huy chia sẻ.

Nguồn: Ông Bùi Văn Huy.

Dư địa tăng điểm tháng 3 không nhiều, thanh khoản dự kiến vẫn cao

Về dự báo tháng 3, ông Huy đưa quan điểm thị trường có thể tiếp tục tăng theo quán tính trong nửa đầu tháng 3 lên vùng quanh 1.280 - 1.300 điểm. Tuy nhiên dư địa không còn nhiều và vùng thị trường hiện tại rủi ro đã lớn hơn cơ hội.

Ông khuyến nghị canh bán với những nhóm cổ phiếu đến mục tiêu và đã tăng nhiều, giữ tỷ trọng cổ phiếu vừa phải và có sẵn tiền mặt để canh mua ở vùng hợp lý hơn.

Trong tháng 3, đối với thế giới, tâm điểm có lẽ là cuộc họp của Fed vào 19 - 20/3. Trong những động thái gần đây, khả năng Fed sẽ không cắt giảm lãi suất sớm và nhiều lần như kỳ vọng của thị trường hồi mới bắt đầu năm 2024. Trong nước tâm điểm sẽ là mùa họp đại hội cổ đông và kết quả kinh doanh quý I.

Ông Huy cho rằng cơ hội sẽ đến với những nhóm cổ phiếu chưa tăng giá và chưa được lan tỏa đến trong tháng 3. Các cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, thép… vẫn là tâm điểm khi thị trường sôi động. Tuy nhiên như đã nêu ở trên, các nhóm dẫn dắt này khả năng không còn nhiều dư địa và sẽ điều chỉnh nếu thị trường chững lại.

Với các phân tích của mình, ông Phương dự báo thị trường sắp tới sẽ có sự thay đổi nhóm ngành dẫn dắt và khả năng cao có đợt điều chỉnh đi kèm trong các đợt đổi nhóm ngành. Tuy nhiên, đây là đợt điều chỉnh thông thường sau một giai đoạn thị trường tăng giá kéo dài chứ không phải một đợt điều chỉnh quá mạnh như hồi tháng 9/2023. Đi kèm với đó thì thanh khoản thị trường vẫn sẽ ở mức cao trong tháng 3 khi kênh chứng khoán vẫn nhiều tiềm năng.

Thị trường tăng giá đang phản ánh kỳ vọng phục hồi của kinh tế Việt Nam, do đó việc đi lên tiếp tục của thị trường cần sự phục hồi tiếp tục mạnh mẽ của nền kinh tế thông qua các hoạt động nhập khẩu, sản xuất, bán lẻ tiếp tục phục hồi. Do đó, các số liệu kinh tế này cần phải quan tâm theo dõi và có thể ảnh hưởng đến xu hướng chung của toàn thị trường.

Ngoài ra, thị trường đi lên nhanh dễ phản ứng với yếu tố thông tin và các vấn đề khác như sự biến động mạnh của tỷ giá. Do đó, ngoài các yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến xu hướng lớn cần quan tâm các yếu tố ngắn hạn về thông tin bất lợi và biến động mạnh về tỷ giá nếu có.

Giám đốc của FIDT cho rằng các nhóm ngành, cổ phiếu phản ánh đà phục hồi hoạt động xuất nhập khẩu, bán lẻ tiêu dùng là nhóm cổ phiếu nên quan tâm trong thời gian tới. Với câu chuyện này, nhà đầu tư có thể quan tâm các cổ phiếu lĩnh vực cá tra (ANV), bao bì (DHC), bán lẻ và tiêu dùng (MSN, MWG).

Ngoài ra, dòng tiền tích cực trên thị trường với thanh khoản lớn thường tác động tích cực đến các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, trong đó nhóm bất động sản chưa phản ứng nhiều trong 2 tháng đầu năm có thể có cơ hội hút dòng tiền trong thời gian tới. Với câu chuyện này nhà đầu tư có thể quan tâm đến các cổ phiếu bất động sản có triển vọng như PDR, KDH, DXG hay NLG.

Tiềm năng kênh chứng khoán rõ ràng hơn trong dài hạn

Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển TTCK năm 2024 vừa diễn ra với những định hướng, kiến nghị từ Chính phủ, cơ quan quản lý, và nhiều thành phần thị trường khác.

Qua sự kiện, ông Phương nhận thấy rõ sự quan tâm của Chính phủ, các cơ quan ban ngành đến sự phát triển của TTCK trong đó vấn đề được quan tâm và chia sẻ nhiều nhất liên quan đến việc nâng hạng. Với quyết tâm chính trị cao, quan điểm chuyên gia cho rằng hệ thống KRX có thể sớm đưa vào vận hành chính thức đầu tháng 5 và kế hoạch được FTSE nâng hạng trong kỳ tháng 9/2024 là rất khả thi.

Khi hệ thống mới được đưa vào sử dụng và câu chuyện nâng hạng rõ ràng thì tiềm năng và kỳ vọng cho TTCK Việt Nam là rất lớn không chỉ trong năm 2024 mà có thể kéo dài đến 2025, 2026.

Đồng quan điểm, ông Huy cũng đánh giá chặng đường nâng hạng cũng đã gần đi đến đích. Tuy nhiên, sự quyết tâm này nên được cụ thể hóa hơn bằng những mốc thời gian chi tiết.

Cùng với đó, việc nâng hạng hay phát triển TTCK không nằm ở chỗ thị trường tăng giảm như thế nào mà ở chỗ nâng cao chất lượng, tính minh bạch, cơ chế thuận lợi, tạo niềm tin cho nhà đầu tư cả tỏng và ngoài nước.

Xuân Nghĩa