|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chủ tịch Dragon Capital: ‘Cơ hội vàng’ đến với chứng khoán Việt Nam

15:29 | 28/02/2024
Chia sẻ
Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital kiến nghị TTCK Việt Nam cần tiếp tục phát triển hạ tầng, nền tảng, hệ sinh thái của thị trường vốn; thúc đẩy nâng hạng; nghiên cứu, thúc đẩy phát triển trung tâm tài chính Việt Nam.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2024, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần quản lý Quỹ đầu tư Dragon Capital Việt Nam nhìn nhận hai năm vừa rồi (2022-2023) là thời gian khá thách thức. Lợi nhuận bình quân của các doanh nghiệp niêm yết giảm trong 2022 và không tăng trưởng trong 2023.

Tuy nhiên, dần dần thị trường cũng phục hồi, VN-Index năm 2023 tăng 12%. Các thành viên thị trường, các nhà đầu tư, các công ty niêm yết bắt đầu có sự phấn khởi.

Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital Việt Nam tham luận về "Phát huy sức mạnh kinh tế quốc gia: Giải pháp phát triển thị trường chứng khoán". Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Ông Dominic Scriven nêu 3 vấn đề, một là quy mô, hai là chức năng, ba là kiến nghị.

Về quy mô, nhìn về tổng GDP thế giới năm 2023 khoảng 100.000 tỷ USD, giá trị vốn hóa của các thị trường cổ phiếu thế giới là 100.000 tỷ USD, bằng 100% GDP. Tổng số vốn được huy động thông qua thị trường này là trên 10.000 tỷ USD.

Nếu quy ra cho Việt Nam, mục đích như trong kế hoạch của Thủ tướng là phát triển giá trị vốn hóa đến 100% GDP, thị trường nợ đến 100%, khả năng huy động bằng 5% GDP chắc chắn khả thi. Có nghĩa là huy động mỗi năm khoảng 25 tỷ USD vốn cho sự phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam, ngang bằng đầu tư trực tiếp FDI.

Về chức năng, TTCK có 3 chức năng lớn về cung cấp vốn. Thứ nhất là nguồn cung cấp vốn huyết mạch thông suốt giữa tài chính và doanh nghiệp. Đối với Chính phủ, Chính phủ không chỉ phát hành trái phiếu Chính phủ mà còn mua lại để điều tiết nguồn vốn của ngân sách nhà nước. Thị trường vốn cung cấp nguồn vốn dài hạn, trung hạn mà các ngân hàng thương mại có khi nguồn vốn của họ chỉ có thể ngắn hạn, và hơn hết là cung cấp nguồn vốn cho thành phần tư nhân.

TTCK còn đóng vai trò đánh giá chất lượng doanh nghiệp, đánh giá chất lượng của hoạt động kinh doanh thương mại bằng cách điều chỉnh giá trị vốn, đồng hành với các doanh nghiệp có tài chính minh bạch và có xác nhận lãi suất phi rủi ro là chìa khóa của giá trị vốn dài hạn của Việt Nam.

Cuối cùng là tăng khả năng đầu tư cho các nhà đầu tư Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài.

“Chúng tôi (DragonCapital) may mắn được tham gia 30 năm nghiên cứu thị trường vốn của Việt Nam, khách hàng lâu đời nhất của chúng tôi chính là mẹ của tôi. Bà đưa ra khoản đầu tư đầu tiên năm 1995 đến bây giờ đã tăng 9 lần. Nếu chúng ta quy ra hơn 20 năm thì hằng năm tỷ lệ mang về cho bà bằng USD sau khi tính lạm phát, lãi suất... là 10-12%. Nếu thị trường vốn có thể tạo ra được đãi ngộ như thế cho các nhà đầu tư Việt Nam thì tuyệt vời. Và cuối cùng, nó bớt cái gánh nặng cho an sinh xã hội của Việt Nam.”, ông Dominic Scriven chia sẻ.

Về kiến nghị, đại diện Dragon Capital cho biết, thứ nhất là không ngừng phát triển hạ tầng, nền tảng, hệ sinh thái của thị trường vốn. Đặc biệt ở đây là mạng lưới các nhà đầu tư có tổ chức ở Việt Nam, chắc chắn phải mở rộng. Nguyên do thị trường vốn ở Việt Nam là thị trường biến động nhất trong khu vực và không chỉ dừng lại ở đấy.

Thứ hai là cần củng cố niềm tin trên TTCK, đặc biệt là niềm tin của các nhà đầu tư.

Thứ ba là yếu tố cụ thể hóa. Một chủ đề được nhắc rất nhiều trong hội nghị là nâng hạng TTCK Việt Nam. Dragon Capital rất ủng hộ và mong sớm ra đời đối sách bù trừ trung tâm của Việt Nam (CCP). Nếu chưa triển khai được, chắc chắn phải tính đến vấn đề cơ cấu lại khi xác minh đối với nhà đầu tư nước ngoài. Còn nếu được thì cần sớm nghiên cứu và chọn thí điểm các chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết.

Kiến nghị cuối cùng là nghiên cứu, thúc đẩy phát triển trung tâm tài chính của Việt Nam.

“Đây là cơ hội bằng vàng đối với Việt Nam.”, ông Dominic Scriven nói.

Xuân Nghĩa

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.