|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Góc nhìn của quỹ đầu tư về các nhóm ngành tâm điểm năm 2024

13:59 | 27/02/2024
Chia sẻ
Theo nhận định đưa ra tại báo cáo hoạt động quỹ đầu tư mới đây, loạt “cá mập” đang quan tâm nhiều nhất đối với ngành ngân hàng, bất động sản tiêu dùng - bán lẻ, công nghệ, năng lượng…

Theo phân tích gần nhất, ông Michael Kokalari, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital, cho biết các nhà quản lý quỹ và chuyên viên phân tích của VinaCapital đang tìm kiếm những công ty có triển vọng tăng trưởng lợi nhuận hơn 20% trong 2024. Vị chuyên gia lưu ý rằng rất nhiều đơn vị hiện đang giao dịch ở mức định giá rất thấp.

Tại báo cáo trước đó, VinaCapital bày tỏ các nhóm ngành đang quan tâm cho năm 2024 bao gồm công nghệ thông tin, ngân hàng, phát triển bất động sản, hàng tiêu dùng không thiết yếu và công ty chứng khoán.

Báo cáo tháng 1 của VESAF, một quỹ mở thuộc VinaCapital, đưa ra nhận định tích cực đối với ngành ngân hàng. Cùng với đó, chiến lược năm nay VESAF dự kiến tiếp tục giải ngân đối với các công ty hưởng lợi từ phục hồi xuất khẩu, tiêu dùng trong nước và bất động sản.

Quan điểm đầu tư năm 2024 và hiệu suất đầu tư cập nhật đến 22/2 của một số quỹ. Nguồn: X.N tổng hợp từ các quỹ.

Tổng quan, đa số các quỹ đầu tư có cùng góc nhìn lạc quan đối với ngành ngân hàng trong 2024. VESAF cho biết nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục thu hút dòng tiền và là nhóm đóng góp chính cho tăng trưởng VN-Index trong tháng 1, do định giá hấp dẫn và kỳ vọng xu hướng kinh tế phục hồi.

Quỹ kỳ vọng sự phục hồi nhẹ của NIM và doanh thu từ dịch vụ trong khi chất lượng tài sản của ngân hàng có ít áp lực hơn, sẽ giúp nhóm này có sự tăng trưởng lợi nhuận 18,1% trong 2024 (từ mức 5,9% của 2023). Trong danh mục VESAF, tỷ trọng nắm giữ hai cổ phiếu ngân hàng đã tăng lên 15% vào cuối tháng 1 (MBB: 9,3% và STB: 5,7%).

Với mức lãi suất thấp như hiện nay và kỳ vọng nền kinh tế sẽ phục hồi trong 2024, quỹ DCDS thuộc Dragon Capital lạc quan về triển vọng thị trường chứng khoán sẽ khởi sắc hơn sau những khó khăn trong năm vừa qua.

Trong thời gian tới, DCDS ưu tiên phân bổ vào các ngành có tăng trưởng tốt sau một năm ảnh hưởng từ kinh tế chung như ngân hàng, bất động sản; và phục hồi trên nền lợi nhuận thấp như bán lẻ. Bên cạnh đó, quỹ cũng tập trung vào các ngành hưởng lợi từ chính sách thúc đẩy các dự án hạ tầng như vật liệu và đầu tư công.

Với chiến lược ưu tiên câu chuyện hưởng cổ tức, quỹ DCDE ưa thích ngân hàng khi đây là một trong những ngành chi trả cổ tức đều đặn, cùng với đó là chứng khoán và năng lượng.

Tại cuối tháng 1, ngân hàng là lĩnh vực đang có tỷ trọng lớn nhất, chiếm lần lượt 24% danh mục DCDS và 27% tại DCDE. 

Cơ cấu sở hữu của 5 quỹ đầu tư tại cuối tháng 1. Nguồn: X.N tổng hợp.

Tỷ lệ cổ phiếu ngân hàng trong danh mục The Ballad Fund thuộc SGI Capital tại cuối tháng 1 còn cao hơn, với 40,2%.

Có quan điểm thận trọng, SGI Capital nhận thấy dù bối cảnh chung đang thuận lợi cho thị trường chứng khoán khi lãi suất hạ thấp và phục hồi tăng trưởng đồng pha ở nhiều ngành nghề (do hiệu ứng nền so sánh 2023 thấp), định giá của nhiều cổ phiếu đã tiệm cận thậm chí vượt quá định giá trung bình dài hạn.

Bản thân VN-Index khi vượt qua 1.200 điểm cũng đã về lại gần vùng định giá trung bình lịch sử khi P/E lên 14,x và P/B 1,9 lần. Mức định giá này, theo SGI Capital, đang phản ánh kỳ vọng phục hồi tăng trưởng ở nhiều cổ phiếu. Hiệu quả đầu tư sẽ chỉ tới khi các kỳ vọng này thành hiện thực. Ngược lại khi định giá đã tăng, những câu chuyện kỳ vọng thái quá và sai lệch sẽ trở thành cạm bẫy với nhà đầu tư trong năm nay. Do vậy, thị trường chứng khoán năm 2024 sẽ là một môi trường rất phân hóa.

Trong bối cảnh đó, The Ballad Fund tiếp tục tìm kiếm và tập trung đầu tư vào các cổ phiếu có định giá hợp lý, có nội lực và năng lực cạnh tranh.

Báo cáo hoạt động mới đây của Lumen Vietnam Fund cho biết quan điểm đầu tư sẽ tập trung vào một số nhóm ngành chính. Tại lĩnh vực tài chính, quỹ ưu tiên các công ty có chất lượng tài sản tốt và khả năng phục hồi nhanh chóng bên cạnh sự phục hồi kinh tế.

Lĩnh vực bất động sản, đối với phân khúc khu công nghiệp, Lumen Vietnam Fund hướng đến các công ty sở hữu quỹ đất lớn ở những vị trí có lợi thế chiến lược cho việc vận chuyển hàng hóa trong tương lai. Phân khúc bất động sản nhà ở sẽ ưu tiên các công ty có mục tiêu phát triển sản phẩm nhà ở giá rẻ trong tương lai và có bảng cân đối tài chính vững mạnh.

Lĩnh vực công nghiệp, quỹ tập trung vào các công ty vận tải và logistics hàng đầu, có lợi thế cạnh tranh rõ ràng và sẵn sàng hưởng lợi từ dòng vốn FDI trong tương lai. Lĩnh vực năng lượng sẽ gồm các công ty được hưởng lợi từ những thay đổi gần đây trong chính sách của Chính phủ nhằm phát triển ổn định hơn cho toàn ngành.

Lumen Vietnam Fund cũng quan tâm các công ty hàng tiêu dùng thiết yếu có mức định giá hấp dẫn và chiến lược tái cơ cấu rõ ràng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động.

Tại thư gửi nhà đầu tư quý IV/2023, Pyn Elite Fund đánh giá khả quan đối với các nhóm ngành như ngân hàng, công nghệ, hàng không, bán lẻ, dịch vụ…

Pyn Elite Fund cho biết trong năm 2023 đã dần thoái vốn khỏi Vinhomes (Mã: VHM). Số tiền thu về, quỹ ngoại hướng đến nhóm công nghệ và một số cổ phiếu mới trên sàn.

Đại diện từ Phần Lan đã công bố quyết định nắm 12% vốn của Chứng khoán DNSE. Tại cuối tháng 1, DNSE nằm trong 10 khoản đầu tư lớn nhất danh mục, cùng với STB, HDB, CTG, MBB, TPB, ACV, SHS, VEA và VHC (ngược lại VRE và CMG rời top 10).

 10 khoản đầu tư lớn nhất Pyn Elite Fund tại cuối tháng 1. Nguồn: Pyn Elite Fund.

Xuân Nghĩa