|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chuyên gia HSC: Vốn ngoại chưa thể sớm trở lại

15:14 | 23/02/2024
Chia sẻ
Tại hội thảo kết nối nhà đầu tư (C2C) tổ chức ngày 22/2, các chuyên gia của Chứng khoán TP HCM (HSC - Mã: HCM) dự báo thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục thu hút nhà đầu tư cá nhân trong 2024, tuy nhiên dòng vốn ngoại chưa thể sớm trở lại mạnh mẽ. Một số nhóm ngành đáng chú ý kể đến như cảng biển, bất động sản, dệt may, thủy sản…

NĐT cá nhân vẫn ảnh hưởng nhất đến giao dịch thị trường

Theo ông Nguyễn Văn Quý, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn Khối Khách hàng cá nhân của HSC, tham gia thị trường chứng khoán (TTCK) có nhiều thành phần, nhà đầu tư (NĐT) cá nhân, nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức trong nước, tự doanh… Bản chất của thị trường Việt Nam tương đồng với các thị trường cận biên và mới nổi, với 80-90% giao dịch thuộc về NĐT cá nhân.

Thanh khoản trong thời gian gần đây đạt xấp xỉ 20.000 tỷ đồng mỗi phiên, cải thiện so với năm trước. trong khi khối ngoại vẫn duy trì bán ròng, cho thấy mức ảnh hưởng của NĐT cá nhân đối với thị trường. Đây cũng là nhóm có nhiều NĐT ưa thích đầu cơ.

Đồng thời, nhiều người dân có xu hướng chuyển sang các kênh đầu tư có tính rủi ro hơn khi lãi suất huy động hạ thấp. Dù lãi suất huy động thấp, một bộ phận người dân vẫn gửi đáng kể tiền vào ngân hàng khi chưa tin lắm vào kênh chứng khoán. Tuy nhiên, đây cũng là dư địa cho thị trường trong bối cảnh sắp tới khi chính sách mang tính hỗ trợ được đưa ra, kinh tế hồi phục hơn, NĐT quay lại mua ròng…

Ông Quý chỉ ra giai đoạn tháng 7 đến tháng 9/2023 là sóng lớn nhất của thị trường năm qua. Hiện tại, thị trường đã hạ nhiệt hơn và phù hợp với thực trạng. Bên cạnh đó, thời gian gần đây thị trường không có thêm nhiều sản phẩm mới, ví dụ như cổ phiếu vốn hóa lớn có thể thu hút dòng tiền lớn.

Nhóm cổ phiếu bất động sản chưa nổi sóng, trong khi đây là nhóm chiếm khoảng 30% vốn hóa thị trường. Do đó, nếu có dòng tiền rót vào nhóm này sẽ thúc đẩy đáng kể thị trường chung trong 2024.

Một yếu tố ảnh hưởng đến dòng tiền nữa là lượng vay ký quỹ (margin). Dư địa cho vay margin của các công ty chứng khoán vẫn còn rất đáng kể, sẵn sàng đáp ứng cho nhu cầu của NĐT. Hơn nữa, các công ty chứng khoán vẫn đang tiếp tục làn sóng tăng vốn.

Theo bà Vũ Thị Thu Thủy, Giám đốc Thông tin và nhận định thị trường, Khối Khách hàng cá nhân, nhóm NĐT cá trong nước và tự doanh công ty chứng khoán có nhiều nét tương đồng trong đầu tư, khi có một danh mục nắm giữ dài hạn và một danh mục dùng để trading.

Trong khi đó, bà Thủy nhận thấy một NĐT tổ chức trong nước với tiềm lực vốn lớn tay vì rót tiền vào đáng kể chứng khoán thì đang chủ yếu thực hiện M&A để đón đầu sự hồi phục nền kinh tế giai đoạn 2024-2025.

Vị Giám đốc kỳ vọng khi VN-Index xác định xu hướng tăng trong dài hạn hoặc giảm về mức được đánh giá rẻ, nhóm NĐT tổ chức trong nước sẽ giải ngân mạnh tay vào thị trường năm 2024.

Dòng tiền khối ngoại chưa thể sớm quay lại thị trường Việt Nam

Đánh giá về nhóm NĐT ngoại, bà Bùi Hoàng Minh, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn Khối Khách hàng cá nhân của HSC, cho biết đầu tiên cần nhìn tổng quan nền kinh tế Việt Nam. Trong 3 năm gần đây, kể cả trong giai đoạn COVID-19, điểm nhấn là dòng vốn FDI vẫn đổ vào Việt Nam, nhất là các lĩnh vực chế biến chế tạo, bất động sản…

Dù đầu tư trên toàn cầu nói chung giảm trong giai đoạn vừa qua, Việt Nam vẫn nằm trong số ít quốc gia hưởng lợi từ dòng vốn FDI ổn định. Trong năm 2023, FDI chảy vào Việt Nam đứng thứ hai trong khu vực, chỉ thấp hơn Indonesia. Theo dữ liệu tháng 1, vốn FDI đăng ký và vốn FDI thực hiện tăng lần lượt 40% và 10% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy Việt Nam vẫn là mắc xích quan trọng trong xu hướng chuyển dịch khỏi Trung Quốc.

Tuy nhiên, diễn biến trên TTCK lại trái ngược khi khối ngoại đã bán ròng xuyên suốt năm 2023. Việc NĐT ngoại giao dịch đáng kể tại các phiên bùng nổ thanh khoản cũng tạo tâm lý bất ổn đối với NĐT cá nhân trong nước. Theo số liệu, Việt Nam là quốc gia bị các ETF rút ròng mạnh nhất trong khu vực, và hiện vẫn chưa xuất hiện dòng vốn mới đổ vào.

Trong khi đó, nếu xét hiệu suất, các ETF đầu tư vào Việt Nam đa phần vẫn có kết quả khá tốt. Giải thích diễn biến này, bà Minh chỉ ra nguyên nhân đến từ sự mạnh lên của USD, với biểu hiện là DXY lên 105, khi kinh tế Mỹ vẫn vượt trội so với mặt bằng chung của thế giới.

Quan sát cuối 2023 đến đầu 2024, các quỹ đầu tư lớn trên thế giới tiếp tục tăng tỷ trọng tại các thị trường phát triển (như Mỹ).

Các quỹ đầu tư vào trái phiếu tại Mỹ vẫn đang hưởng lợi khi mặt bằng lãi suất đạt đỉnh khoảng 5% vào 2023. Do đó, chuyên gia dự báo dòng tiền của các quỹ trên thế giới sẽ tiếp tục ưu tiên thị trường Mỹ, bao gồm thị trường trái phiếu, thay vì sớm vào các thị trường mới nổi và cận biên như Việt Nam.

Mặt khác, VND có thể mất giá trong 6 tháng đầu năm, đến từ nhiều nguyên nhân như chênh lệch lãi suất, DXY lên cao…

Về TTCK Việt Nam, xét nhóm doanh nghiệp chiếm 70% vốn hóa mà HSC theo dõi, tăng trưởng EPS dự báo cho năm 2024 ở mức 15%. Các doanh nghiệp trọng yếu đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất vào 2023, tạo đà cho năm 2024. Từ đó, NĐT có thể lạc quan hơn khi đầu tư vào TTCK Việt Nam, khi các chỉ số định giá như P/E vẫn đang ở mức hấp dẫn.

Tổng quan, NĐT cần theo dõi các yếu tố DXY, xu hướng lãi suất của các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc… để dự báo về khả năng quay lại của dòng vốn ngoại trong thời gian tới.

Cơ hội giải ngân mở ra ở nhiều nhóm ngành

Bàn về cơ hội cụ thể năm 2024, bà Bùi Hoàng Minh cho biết theo cách tiếp cận từ trên xuống (Top-Down), các ngành sẽ hưởng lợi từ nền kinh tế hồi phục kể đến cảng biển – logistics, thủy sản, dệt may, bất động sản công nghiệp, công nghiệp…

Giải ngân đầu tư công sẽ tiếp tục cải thiện, tạo ra diện mạo mới giúp nhóm ngành sản xuất giảm chi phí để duy trì vị thế của Việt Nam trong khu vực. Bán lẻ cũng đang hồi phục.

Sức hấp thụ tín dụng kỳ vọng cải thiện. Nhiều ngân hàng chia sẻ mức tăng trưởng tín dụng 15% năm nay là khả thi, thậm chí có thể đạt cao hơn.

Ngoài ra, xu hướng lớn đang vào đà tăng tốc là cuộc đua về chip bán dẫn, công nghệ thông tin. Các doanh nghiệp nắm bắt được sẽ hưởng lợi, có thể bứt phá.

Cuối cùng khi nền kinh tế hồi phục cũng hỗ trợ cho lĩnh vực tiêu dùng.

Chiến lược đầu tư trong 2024, bà Minh cho rằng cơ hội sẽ nhiều hơn. Khi đa dạng hóa danh mục, NĐT cá nhân sẽ giảm trạng thái FOMO, chạy theo sự luân chuyển của từng nhóm ngành. 

Nhóm ngành và cổ phiếu quan tâm năm 2024. Nguồn: HSC.

Ở góc độ tiếp cận ngược lại từ dưới lên (Bottom-Up), bà Vũ Thị Thu Thủy chỉ ra phương pháp này NĐT đặt ra một số tiêu chí và tìm kiếm các doanh nghiệp phù hợp với tiêu chí đó để đầu tư. Ví dụ đầu tiên là chiến lược đầu tư hưởng cổ tức, phù hợp một số NĐT muốn có lãi cao hơn lãi suất gửi tiết kiệm, bảo toàn vốn, tránh rủi ro thị trường.

Trong đó điển hình là ngành phân đạm, như Đạm Phú Mỹ (DPM) và Đạm Cà Mau (DCM) có lịch sử trả cổ tức tốt và hoạt động ổn định.

Ngành bất động sản khu công nghiệp có dòng tiền đều đặn, trả cổ tức cao. Ngoài ra, một tiềm năng khác là đất của nhóm ngành cao su có thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất làm khu công nghiệp, dẫn đến khả năng tăng giá trong tương lại. Một lựa chọn khác là VEAM (VEA) của ngành ô tô cũng có mức trả cổ tức hằng năm cao.

Chiến lược thứ hai là không quá chú trọng dòng tiền, ưu tiên tăng trưởng giá, dành cho NĐT thích rủi ro cao – lợi nhuận cao. Phương pháp này có thể hướng đến sự hồi phục lợi nhuận doanh nghiệp từ đáy, hiện tại đang giảm hoặc lỗ nhưng có dự báo doanh thu lợi nhuận phục hồi trong 2024.

Thậm chí, phương pháp này cũng sẽ bao gồm các cổ phiếu có hệ số beta (tương quan độ nhạy cảm với thị trường) cao trên 2. Bà Thủy lưu ý NĐT thận trọng khi phân bổ vốn theo phương pháp này, kiểm soát margin. Các nhóm ngành có thể kể đến bất động sản, bán lẻ, ngân hàng (một số), sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu…

Thứ ba là chiến lược cân bằng giữa 2 phương pháp trên, tức bao gồm tăng trưởng giá và an toàn. Phương pháp này hướng đến các doanh nghiệp lớn, đã trải qua giai đoạn kinh tế khó khăn nhưng vẫn tăng trưởng ổn định trở lên. Một số gợi ý như hàng tiêu dùng (VNM, PNJ), ngân hàng (ACB, VCB), công nghệ (FPT).

Xuân Nghĩa