Hoạt động sản xuất của Trung Quốc giảm tháng thứ ba liên tiếp
Theo Cơ quan thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS), chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) chính thức của ngành sản xuất - thước đo sản xuất chủ chốt của các nhà máy - ở mức 49,0 trong tháng 12/2023, dưới mốc 50 điểm (ngưỡng phân định giữa tăng trưởng và thu hẹp).
Trung Quốc bắt đầu dỡ bỏ các hạn chế chặt chẽ về phòng chống đại dịch COVID-19 vào tháng 12/2022 sau gần ba năm để giúp nền kinh tế phục hồi. Tuy nhiên, sự phục hồi đã gặp khó khăn trong bối cảnh niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp yếu đi, cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài và tỷ lệ thất nghiệp đạt kỷ lục trong giới trẻ, trong khi suy thoái toàn cầu đã đè nặng lên nhu cầu đối với hàng hóa Trung Quốc.
Nhu cầu bên ngoài yếu vẫn là lực cản lớn đối với hoạt động sản xuất của các nhà máy ở Trung Quốc, với chỉ số đơn đặt hàng xuất khẩu mới đạt 45,8 trong tháng 12/2023, giảm tháng thứ 9 liên tiếp.
Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã công bố một loạt các biện pháp, cũng như phát hành trái phiếu chính phủ với quy mô lớn để thúc đẩy chi tiêu cơ sở hạ tầng và thúc đẩy các hoạt động kinh tế.
Nhà kinh tế Nie Wen, tại Hwabao Trust, cho biết, cần phải tăng cường hỗ trợ chính sách, nếu không xu hướng tăng trưởng sẽ tiếp tục chậm lại. Chuyên gia Nie kỳ vọng rằng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) sẽ cắt giảm lãi suất và hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) của các ngân hàng trong những tuần tới.
PBoC vừa cho biết sẽ đẩy mạnh điều chỉnh chính sách để hỗ trợ nền kinh tế và thúc đẩy sự phục hồi giá cả, trong bối cảnh có dấu hiệu áp lực giảm phát gia tăng.
Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc được đánh giá đang trên đà đạt mục tiêu chính thức khoảng 5% trong năm nay và Trung Quốc dự kiến sẽ duy trì mục tiêu này trong năm 2024.