|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Các tỉnh giàu nhất Trung Quốc hứa sẽ đi đầu thúc đẩy tăng trưởng năm 2024

10:02 | 29/12/2023
Chia sẻ
Các quan chức địa phương tại Trung Quốc đã tiết lộ những ưu tiên chính sách cho năm 2024. Một số tỉnh giàu cam kết sẽ đi đầu trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia.

 

Người đi bộ dọc một con phố ở Bắc Kinh. (Ảnh: EPA - EFE).

Tại hội nghị công tác kinh tế trung ương diễn ra ở thủ đô Bắc Kinh hồi đầu tháng 12, các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc đã cam kết sẽ tăng cường kích thích kinh tế và phát triển các lĩnh vực mới nổi trong năm 2024.

Sau sự kiện nói trên, gần như toàn bộ 31 tỉnh tại Trung Quốc đại lục đã tổ chức họp để thảo luận các ưu tiên chính sách cho năm tới.

Theo Bloomberg, các tỉnh giàu hơn đã cam kết sẽ tăng tốc đầu tư cơ sở hạ tầng và vạch ra kế hoạch phát triển những ngành có giá trị gia tăng cao.

Mặc dù cũng hứa hẹn sẽ hỗ trợ nền kinh tế địa phương, các tỉnh kém phát triển hoặc đang nặng gánh nợ nần không phát đi nhiều tín hiệu cho thấy họ sẽ đẩy mạnh kích thích.

Các địa phương này nhấn mạnh họ sẽ cố ngắn ngăn chặn rủi ro vượt khỏi tầm kiểm soát. Quý Châu và Vân Nam cho biết họ sẽ thực hiện các bước để giải quyết rủi ro trong năm 2024.

Thiên Tân, Liêu Ninh, Hắc Long Giang và một số địa phương khác không lặp lại cụm từ “củng cố sự ổn định thông qua tiến bộ” mà các nhà lãnh đạo hàng đầu đã sử dụng. Khẩu hiệu mới này từng khiến giới chuyên gia kỳ vọng Trung Quốc sẽ đặt mục tiêu tăng trưởng tham vọng hơn cho năm tới.

 

Đây không phải là lần đầu tiên Bắc Kinh kêu gọi các tỉnh giàu có thúc đẩy tăng trưởng quốc gia. Tháng 7 năm ngoái, Thủ tướng khi đó là ông Lý Khắc Cường đã gặp lãnh đạo 5 tỉnh vùng ven biển để thúc giục họ đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ hơn khi nền kinh tế lao đao vì đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, quá trình phục hồi hậu đại dịch của Trung Quốc vẫn đang gặp khó khăn do cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài, nhu cầu tiêu dùng chững lại và căng thẳng địa chính trị gia tăng.

Bắc Kinh đã thực hiện một số biện pháp kích thích để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 5% trong năm nay. Các chuyên gia dự đoán Trung Quốc sẽ đề ra mục tiêu tương tự cho năm 2024.

Thúc đẩy mục tiêu quốc gia

Giới chức địa phương hiện đang cân nhắc các mục tiêu của riêng họ và dự kiến sẽ công bố chúng tại các phiên họp thường kỳ bắt đầu từ giữa tháng 1.

Mục tiêu của từng tỉnh sẽ cung cấp thêm dữ kiện về mục tiêu quốc gia mà Bắc Kinh sẽ công bố tại cuộc họp cấp cao vào đầu tháng 3. Kế hoạch của các tỉnh cũng sẽ tiết lộ phần nào mức độ hỗ trợ mà chính phủ cần tung ra.

Ông Ding Shuang, nhà kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc và Bắc Á tại Standard Chartered, dự đoán rằng hầu hết các tỉnh giàu sẽ “tránh đặt ra mục tiêu thấp hơn năm 2023”.

Song, vị chuyên gia lưu ý rằng hoàn thành các mục tiêu đó không phải dễ dàng vì mức nền năm 2023 có thể cao hơn năm 2022, dẫn đến kết quả năm 2024 bị ảnh hưởng xấu.

Các tỉnh Chiết Giang và Quảng Đông đã hưởng ứng lời kêu gọi của Bắc Kinh rằng các khu vực có nền kinh tế lớn mạnh nên đóng vai trò then chốt trong việc hỗ trợ nền kinh tế quốc gia.

Chính quyền tỉnh Giang Tô, Thượng Hải, Tứ Xuyên và An Huy cũng hứa hẹn sẽ đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng kinh tế quốc gia. 4 tỉnh này cùng với Chiết Giang và Quảng Đông chiếm khoảng 40% GDP Trung Quốc.

Hai tỉnh ven biển cũng có nền kinh tế phát triển là Phúc Kiến và Sơn Đông không nhắc đến lời kêu gọi của Bắc Kinh. Sơn Đông là nền kinh tế địa phương lớn thứ ba tại Trung Quốc.

Chính quyền một số địa phương cũng cam kết sẽ giải quyết các rủi ro trong lĩnh vực bất động sản, mối đe doạ lớn nhất với sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc. Phúc Kiến cho biết họ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư bất động sản và ngăn chặn rủi ro mới xuất hiện.

Tỉnh Vân Nam tuyên bố sẽ ổn định thị trường nhà đất, đồng thời cho biết thêm rằng nền kinh tế địa phương đang “ở thời điểm quan trọng nhất” để chuyển đổi và nâng cấp.

Các tỉnh lớn tại Trung Quốc đã cam kết những gì?

- Quảng Đông - quê hương của gã khổng lồ công nghệ Huawei Technologies và nhà sản xuất xe điện BYD - đang tìm kiếm những đột phá trong các công nghệ cốt lõi.

- Chiết Giang đặt mục tiêu đầu tư hơn 1.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 141 tỷ USD) mỗi năm cho các dự án thuộc 9 ngành công nghiệp, trong đó có sản xuất tiên tiến, đổi mới công nghệ, năng lượng sạch và nâng cấp đô thị.

- Thượng Hải sẽ tập trung phát triển ba ngành công nghiệp hàng đầu là bán dẫn, dược phẩm sinh học và trí tuệ nhân tạo.

- Giang Tô hứa hẹn sẽ tham gia sâu hơn vào Sáng kiến Vành đai và Con đường để thúc đẩy ngoại thương, thu hút vốn nước ngoài và hội nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Khả Nhân