PBoC bơm ròng 112 tỷ USD vào hệ thống giữa lúc kinh tế Trung Quốc phát tín hiệu trái chiều
Kinh tế chưa ổn định
Số liệu do Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố vào ngày 15/12 cho thấy sản lượng công nghiệp tháng 11 tăng 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kết quả trên cao hơn ước tính trung vị của các nhà kinh tế là 5,7%, nhưng lại bị bóp méo khi so với một năm trước bởi khi đó Trung Quốc vẫn đang áp dụng các lệnh phong toả nghiêm ngặt.
Doanh số bán lẻ đi lên 10,1% so với cùng kỳ, nhưng thấp hơn ước tính 12,5% của các nhà kinh tế. Số liệu này làm dấy lên lo ngại về tác động của nhu cầu tiêu dùng yếu ớt đối với nền kinh tế tỷ dân.
Chia sẻ với Bloomberg, ông Larry Hu, chuyên gia cấp cao tại Macquarie Group, nhận định: “Bỏ qua hiệu ứng cơ sở, rõ ràng là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã chững lại hơn nữa trong tháng 11, đặc biệt là về doanh số bán lẻ và bất động sản”.
Trong bối cảnh hiện nay, chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình có thể sẽ phải tăng cường các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế. Quá trình phục hồi sau đại dịch của Trung Quốc đã bị cuộc khủng hoảng bất động sản cản trở, trong khi áp lực giảm phát là dấu hiệu cho thấy niềm tin của người tiêu dùng vẫn còn yếu.
Trong một tuyên bố, NBS cho hay: “Nền kinh tế vẫn phải đối mặt với nhiều yếu tố bất ổn và khó đoán, và nhu cầu trong nước có vẻ chưa đủ lớn. Nền tảng của quá trình phục hồi cần được củng cố hơn nữa”.
PBoC bơm thêm tiền
Cùng ngày, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã bơm ròng khoảng 800 tỷ nhân dân tệ (tương đương 112 tỷ USD) vào hệ thống dưới dạng các khoản vay kỳ hạn một năm. Con số này cao hơn gấp đôi so với ước tính của các nhà kinh tế mà Bloomberg khảo sát và cũng lớn hơn quy mô bơm ròng của tháng trước.
Động thái này sẽ giúp các ngân hàng thương mại có thêm tiền để mua trái phiếu mà chính phủ phát hành nhằm hỗ trợ chi tiêu cơ sở hạ tầng.
Theo nhận định của các nhà phân tích, một khi PBoC đã bơm tiền vào hệ thống, ngân hàng trung ương Trung Quốc nhiều khả năng sẽ không cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại.
Nhận định về chính sách của PBoC trong thời gian tới, nhà kinh tế Serena Zhou của Mizuho Securities cho hay: "Công chúng thiếu niềm tin vẫn là yếu tố chính cản trở tăng trưởng, nhưng hạ lãi suất sẽ giúp đỡ nền kinh tế".
Bà Zhou vẫn kỳ vọng PBoC sẽ hạ lãi suất 20 điểm cơ bản và tỷ lệ dự trữ bắt buộc 50 điểm cơ bản vào năm tới.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc nối dài đà tăng có được vào đầu phiên sau khi NBS công bố các dữ liệu kinh tế mới. Chỉ số Hang Seng China Enterprises đi lên hơn 3% trong phiên giao dịch buổi sáng.
Tâm lý nhà đầu tư cũng được cải thiện khi chính quyền thành phố Bắc Kinh và Thượng Hải nới lỏng các quy định về mua nhà, PBoC bơm thêm tiền.
Tại một hội nghị quan trọng hồi đầu tuần, các nhà lãnh đạo cấp cao nhấn mạnh Bắc Kinh sẽ tăng cường chính sách tài khoá “một cách thích hợp”.
Theo Bloomberg, thông điệp nói trên làm tăng kỳ vọng rằng Bắc Kinh có thể đặt mục tiêu tăng trưởng GDP tham vọng cho năm 2024 và lần nữa nâng tỷ lệ thâm hụt ngân sách.
Ông Zing Zhaopeng, chiến lược gia cấp cao của ANZ Banking Group, nhận định dữ liệu tháng 11 “có thể” đảm bảo rằng Trung Quốc sẽ hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay (khoảng 5%).
Vị chiến lược gia nói: “Bây giờ, câu hỏi lớn nhất với thị trường sẽ là mục tiêu tăng trưởng của năm tới. Bắc Kinh sẽ công bố mục tiêu này vào tháng 3”. Cũng theo ông Xing, PBoC nên “làm gì đó để chống lại những cơn gió ngược”.