|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trung Quốc dư thừa thịt heo, áp lực giảm phát vẫn còn

15:48 | 13/12/2023
Chia sẻ
Tình trạng giảm phát tại Trung Quốc đang xấu đi khi giá thịt heo tiếp tục lao dốc. Các nhà phân tích nhận định đây có thể là một trở ngại khác đối với nền kinh tế tỷ dân.

 

Tình trạng giảm phát tại Trung Quốc đang xấu đi khi giá thịt heo tiếp tục lao dốc. Các nhà phân tích nhận định đây có thể là một trở ngại khác đối với nền kinh tế tỷ dân. (Ảnh minh hoạ: VCG).

Theo báo cáo do Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố vào cuối tuần trước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này đã sụt 0,5% so với cùng kỳ vào tháng 11. Tình trạng thừa cung khiến giá thịt heo bán lẻ tại đất nước tỷ dân giảm 31,8% so với một năm trước.

Giá thịt heo vốn chiếm tỷ trọng lớn trong CPI. Do đó, việc giá loại protein này lao dốc có thể làm tăng thêm rủi ro giảm phát tại Trung Quốc, CNBC dẫn lời các nhà phân tích nhận định.

Giảm phát là một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang suy yếu. Hiện tượng này trở nên đáng ngại vì người tiêu dùng có thể trì hoãn đầu tư hoặc mua sắm do kỳ vọng giá sẽ tiếp tục đi xuống.

Ông Shaun Rein, Giám đốc cấp cao của hãng tư vấn China Market Research Group, cho hay: “Bên cạnh đà giảm của bất động sản và giá hàng hoá tiêu dùng nói chung, lý do lớn khiến Trung Quốc dễ giảm phát là giá thịt heo sụt giảm”.

 

Dư thừa thịt heo

Theo chiến lược Jun Rong Yeap của công ty tài chính IG, ngành công nghiệp chăn nuôi heo của Trung Quốc đã phải chứng kiến tình trạng dư cung kéo dài và nhu cầu nội địa yếu.

Dữ liệu chính thức cho thấy sản lượng thịt heo năm 2022 đạt 55,4 triệu tấn, mức cao nhất trong 8 năm. Gần đây, sản lượng thịt heo trong quý III đã tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong giai đoạn 2018 - 2021, dịch tả heo châu Phi từng kéo giá thịt heo đi lên hơn 100%. Giá thịt tăng nóng đã thúc đẩy nhiều doanh nghiệp và hộ dân đẩy mạnh chăn nuôi, dẫn đến tình trạng dư cung như hiện nay.

Ngoài ra, dù Trung Quốc là nước sản xuất và tiêu thụ thịt heo lớn, nhu cầu của người dân địa phương đang giảm dần vì ngày càng nhiều người lựa chọn các sản phẩm thay thế lành mạnh hơn.

Nhà quản lý danh mục Ben Emons của Newedge Wealth lưu ý: “Người tiêu dùng Trung Quốc đang thay đổi sở thích ăn uống, họ chú ý hơn tới sức khoẻ... Những người trẻ tuổi đang chuyển sang ăn thịt gia cầm và các thực phẩm khác”.

Một nghiên cứu do McKinsey công bố vào tháng 2 cho thấy những người Trung Quốc giàu có đang ngày càng coi thịt bò là lựa chọn lành mạnh hơn thịt heo. 28% người tiêu dùng được khảo sát cho biết họ dự tính sẽ giảm tiêu thụ thịt heo.

Chính phủ Trung Quốc đã cố gắng ngăn đà lao dốc của giá thịt heo bằng cách triển khai hai đợt mua dự trữ trong năm nay. Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc dự tính sẽ tổ chức đợt mua thứ ba trong khoảng cuối năm.

 

Tình trạng giảm phát

Chặng đường phục hồi kinh tế hậu COVID của Trung Quốc khá gập ghềnh, bị cản trở bởi sự suy yếu của lĩnh vực bất động sản và loạt dữ liệu kinh tế khác.

Giá thịt heo là yếu tố cốt lõi khiến Trung Quốc rơi vào tình trạng giảm phát. Song, các nhà phân tích nói vẫn còn một vài yếu tố khác góp phần khiến giá cả sụt giảm.

Chẳng hạn, việc các sàn thương mại điện tử mạnh tay khuyến mãi trong ngày độc thân (11/11) cũng khiến giá hàng tiêu dùng đi xuống trong tháng vừa qua, theo chia sẻ từ bà Erica Tay, Giám đốc bộ phận chiến lược vĩ mô của Maybank.

Vị giám đốc cho biết thêm rằng xu hướng “đi du lịch bù” sau đại dịch cũng đã yếu hơn, khiến giá vé máy bay đảo chiều so với các tháng trước.

Khả Nhân

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.