Tiền nhàn rỗi đổ về ngân hàng, tín dụng tăng chậm - những điểm tương đồng giữa Việt Nam và Trung Quốc
Người dân tăng gửi tiền vào ngân hàng
Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), vào tháng 9, tổng tiền gửi của dân cư và tổ chức kinh tế (TCKT) đạt 12,68 triệu tỷ đồng (520 tỷ USD), tăng 7,3% so với đầu năm. Trong đó, số dư tiền gửi của dân cư ở mức 6,45 triệu tỷ dồng, tăng 9,95%. Tiền gửi của tổ chức kinh tế đạt 6,23 triệu tỷ đồng, tăng 4,65%.
Vào tháng 10, theo số liệu từ Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC), tổng tiền gửi của trong hệ thống tài chính Trung Quốc đạt 287.278 tỷ nhân dân tệ (CNY), hay 40.576 tỷ USD. So với thời điểm cuối năm 2022, tiền gửi đã tăng 8,6%.
Trong đó, số dư liền gửi của hộ gia đình đạt 134.983 tỷ CNY, tăng 11,4% so với cuối năm ngoái. Số dư tiền gửi của doanh nghiệp phi tài chính là 81.239 tỷ CNY, tăng 4,2%.
Tương tự như Việt Nam, số dư tiền gửi của hộ gia đình Trung Quốc đang tăng nhanh hơn tổng tiền gửi cũng như tiền gửi của doanh nghiệp. Một điểm tương đồng khác giữa Việt Nam và Trung Quốc là tiền gửi tiếp tục đi lên bất chấp lãi suất huy động liên tục giảm.
Trong năm 2022, Trung Quốc vẫn trong giai đoạn phong tỏa chống dịch COVID, trong khi Việt Nam gần như đã mở cửa hoàn toàn kể từ cuối quý I/2022. Do đó, trong hai quý II và III, tổng tiền gửi của người dân và doanh nghiệp Việt Nam gần như đi ngang, trong khi Trung Quốc duy trì đà tăng.
Tuy nhiên, bước sang năm 2023, diễn biến về số dư tiền gửi của hai nước đã có cùng tăng mặc dù lãi suất tiền gửi đi xuống. Ngoài giai đoạn tăng đột biến đầu năm, lãi suất tiền gửi của Việt Nam và Trung Quốc đều giảm trong năm 2023.
Tính từ đầu 2023, PBoC đã hai lần hạ lãi suất cơ bản kỳ hạn 1 năm (LPR), từ 3,65% xuống 3,45%. Trong khi đó, NHNN đã 4 lần điều chỉnh các lãi suất điều hành.
Trong năm 2023, các ngân hàng chủ chốt của Trung Quốc đã hạ lãi suất tiền gửi bằng CNY từ 1,65%/năm xuống còn 1,55%/năm. Trước đó, vào năm 2022, lãi suất cũng được giảm 10 điểm cơ bản từ 1,75%/năm. Mức lãi suất 1,75%/năm đã được các ngân hàng lớn duy trì kể từ giữa năm 2015.
Ở Việt Nam, theo dữ liệu từ WiChart, lãi suất huy động nhóm ngân hàng TMCP nhà nước đã giảm từ 7,4%/năm xuống 5,5% vào cuối tháng 9 và tiếp tục xuống còn 5,23% vào cuối tháng 11.
Kênh đầu tư an toàn sau khủng hoảng của thị trường BĐS
Tiền gửi giữa Việt Nam và Trung Quốc tăng trưởng đồng pha trong năm 2023 khi hai nước cùng trải qua cuộc khủng hoảng bất động sản và những khó khăn chung trong nền kinh tế.
Theo Reuters, vào đầu năm 2023, các nhà kinh tế từng kỳ vọng tiền gửi tăng vọt trong giai đoạn COVID tại Trung Quốc sẽ được đổ vào cổ phiếu và tiêu dùng khi các biện pháp kiểm soát phòng dịch được dỡ bỏ. Tuy nhiên, tiền gửi tại Trung Quốc lại tiếp tục tăng khi niềm tin của hộ gia đình và tốc độ phục hồi của nền kinh tế chậm lại.
Ông Ting Lu, Kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Nomura, nhận định: "Rào cản thực sự cho quá trình phục hồi của Trung Quốc sau đại dịch không phải là chi phí vốn hay thiếu thanh khoản. Theo chúng tôi, thách thức là sự suy giảm niềm tin của khu vực tư nhân và hộ gia đình, cũng như vận tốc của tiền tệ thấp".
Tại Trung Quốc, các khoản vay của hộ gia đình vào tháng 10 chỉ tăng trưởng 6,2% so với cuối năm 2022, chủ yếu tập trung vào các khoản vay ngắn hạn. Trong khi đó, các khoản vay trung dài hạn chỉ tăng trưởng 4,4%, cho thấy nhu cầu của người dân về về mua nhà ở, mua xe hay những khoản đầu tư lớn hơn vẫn yếu.
Tính đến cuối tháng 10, tăng trưởng dư nợ của doanh nghiệp Trung Quốc cũng tập trung vào các khoản vay ngắn hạn, trong khi các khoản vay dài hạn sụt giảm khoảng 0,1% so với cuối năm 2022.
- TIN LIÊN QUAN
-
Lo sợ rủi ro khi đầu tư BĐS, chứng khoán, người dân tiếp tục tăng gửi tiền vào ngân hàng dù lãi suất giảm mạnh 14/07/2023 - 08:15
Tương tự, tại Việt Nam, tiền gửi được người dân lựa chọn để đầu tư trong bối cảnh thị trường bất động sản rơi vào trạng thái đóng băng. Những kênh đầu tư khác có tỷ suất sinh lời cao hơn tiền gửi như chứng khoán, trái phiếu đang gặp khó khăn vì sự sụt giảm niềm tin.
Đồng pha cả trong tăng trưởng tín dụng
Trong năm 2023, ngoài tăng trưởng tiền gửi, tăng trưởng tín dụng của hai nước cũng có sự tương đồng. Vào năm ngoái, tăng trưởng tín dụng của Việt Nam đạt 14,2%, trong khi Trung Quốc chỉ ghi nhận mức tăng 7,6%. Sự khác biệt này là do nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn phục hồi nhanh sau COVID, còn Trung Quốc vẫn đang đóng cửa phòng dịch.
Tuy nhiên, sang đến năm 2023, khi cả hai nền kinh tế đều đang chậm lại đáng kể, số liệu tăng trưởng tín dụng đang cho thấy nhiều sự tương đồng. Tính đến cuối tháng 10, tăng trưởng tín dụng so với cuối năm 2022 của Việt Nam đạt 7,39%, trong khi Trung Quốc là 8,7%.
Tuy Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng cao hơn, nhưng một phần lớn trong số này đến từ việc chính phủ phát hành trái phiếu.