Chuyên gia: Mức tăng trưởng tín dụng 11 - 12% là phù hợp, nếu cao hơn sẽ tạo rủi ro lạm phát cho năm sau
Chia sẻ tại Hội thảo "Tháo van tín dụng - Khơi thông tăng trưởng" do báo Dân trí tổ chức sáng 17/11, PGS.TS. Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Đại học Ngân hàng TP HCM, nguyên Phó Vụ trưởng vụ Dự báo Thống kê Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhận định bối cảnh tăng trưởng tín dụng năm nay là câu chuyện rất quen thuộc của ngành ngân hàng nhiều năm qua.
"Việc tăng trưởng tín dụng 9 tháng mới đạt một nửa hay 2/3 chỉ tiêu tăng trưởng cả năm và liệu 3 tháng cuối cùng có đạt được mục tiêu không là điều quen thuộc suốt 10 năm nay. Đó là câu chuyện thời vụ", ông nói.
Ông cho biết không thể bơm tín dụng quá nhiều hay quá ít. Nếu bơm tín dụng nhiều như năm 2009 - 2010 sẽ dẫn đến tình trạng lạm phát cao và "tất cả sẽ về con số không" còn nếu đưa ra quá ít thì sẽ hạn chế tăng trưởng kinh tế.
Việc tính chỉ tiêu 14% tăng trưởng tín dụng năm nay bắt nguồn từ việc đưa ra chỉ tiêu kế hoạch GDP tăng 6,5%, lạm phát ở mức 4,5% và cân đối xuất nhập khẩu.
Tuy nhiên trong năm nay bối cảnh đang thay đổi, World Bank khá bi quan khi đưa ra mức dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay chỉ khoảng 4,7%. Tăng trưởng tín dụng tới đầu tháng 11 mới đạt khoảng 7,31%, cách xa mục tiêu tín dụng 14%. Do đó, khi thị trường biến động thì mục tiêu cũng phải đổi thay.
"Nếu GDP chỉ tăng 4,7 - 5% thì khả năng hấp thụ tín dụng của nền kinh tế chỉ khoảng 11 - 12%. Nếu như tăng trưởng tín dụng đến 14 - 15% thì vấn đề năm sau sẽ phức tạp về lạm phát", ông cho hay.
Theo kinh nghiệm của mình, ông Trung cho rằng tín dụng tăng 9 tháng vừa rồi là bình thường, theo đúng mùa vụ và đúng chu kỳ. Với con số hơn 7% hiện tại thì chỉ cách mốc mục tiêu trên một chút, trong tháng cuối năm mức tăng tín dụng 2 - 3% là bình thường. Tuy nhiên, điều không may mắn cho năm nay là Tết vào tháng 2, do đó có thể sẽ gặp nhiều khó khăn cần ngân hàng và doanh nghiệp nỗ lực hơn.
Mặc dù vậy, vị chuyên gia này cũng cho rằng nên tính đến điều xấu nhất có thể xảy ra để đưa giải pháp tốt nhất. Do vậy cần lưu ý về mức dự báo tăng trưởng GDP 4,7% của World Bank để tính toán lại mức mục tiêu tăng trưởng tín dụng, để tránh mục tiêu quá cao, khổ cho cả ngân hàng và doanh nghiệp.
"Để phù hợp với nền kinh tế thì và phù hợp với khả năng hấp thụ của nền kinh tế thì mức tăng trưởng tín dụng 11 - 12% là phù hợp, đừng nên nhắc đến 14 - 15% nữa", ông ước tính.