|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chính quyền địa phương Trung Quốc thêm nợ để bơm vốn cho các ngân hàng nhỏ

11:35 | 30/11/2023
Chia sẻ
Khối nợ của chính quyền địa phương hiện tương đương 76% sản lượng kinh tế năm 2022 của Trung Quốc. Tuy các nhà chức trách lo ngại về vấn đề nợ nần, họ vẫn phải hỗ trợ những ngân hàng nhỏ để đề phòng khủng hoảng tài chính.

Trong bối cảnh ngành bất động sản chìm sâu vào khủng hoảng, ngày càng nhiều ngân hàng nhỏ tại Trung Quốc phải dựa vào sự hỗ trợ của chính phủ. (Ảnh minh hoạ: Nikkei Asia). 

Còn quá ít

Trong năm nay, chính quyền các địa phương ở Trung Quốc đã bán ra lượng trái phiếu đặc biệt cao kỷ lục để rót vốn vào các ngân hàng nhỏ gặp khó khăn. Giới chức trách đang tìm cách ngăn chặn rủi ro từ khủng hoảng bất động sản và sự sa sút của nền kinh tế.

Trái phiếu có mục đích đặc biệt là một hình thức vay nợ ngoài ngân sách được chính quyền địa phương sử dụng. Số tiền thu được thường dành cho các mục tiêu chính sách cụ thể, chẳng hạn như chi tiêu cho cơ sở hạ tầng.

Theo bản cáo bạch chào bán trái phiếu, các chính quyền dự định sẽ sử dụng tiền từ đợt phát hành mới để mua cổ phần hoặc trái phiếu chuyển đổi từ các ngân hàng nhỏ, hầu hết thuộc sở hữu nhà nước. Hay nói cách khác, chính quyền sẽ bơm vốn cho những nhà băng này.

Từ đầu năm đến nay, các chính quyền địa phương đã huy động 152,3 tỷ nhân dân tệ (tương đương khoảng 21,05 tỷ USD) thông qua trái phiếu có mục đích đặc biệt để bổ sung vốn cho các ngân hàng cỡ vừa và nhỏ, theo dữ liệu chính thức của Trung Quốc.

Song, các nhà phân tích cho rằng con số trên vẫn khá khiêm tốn khi so với nhu cầu của các ngân hàng. Trong báo cáo tháng 10, S&P Global Ratings đã vạch ra một kịch bản đáng ngại. Nếu 20% nhà băng khu vực rơi vào tình trạng thiếu hụt vốn, ước tính số tiền họ cần sẽ vào khoảng 2.200 tỷ nhân dân tệ (tương đương 304 tỷ USD).

Giá trị số trái phiếu có mục đích đặc biệt được phát hành trong năm 2022 là 63 tỷ nhân dân tệ, chưa bằng một nửa năm nay. Điều này cho thấy Bắc Kinh đang dồn sức để tránh một cuộc khủng hoảng tài chính như năm 2008.

Đồng thời, xu hướng trên cho thấy ngày càng nhiều nhà băng nhỏ ở Trung Quốc phải dựa vào sự hỗ trợ của chính phủ giữa lúc ngành bất động sản chìm trong khủng hoảng.

Bắc Kinh đã cố gắng thực hiện biện pháp nhằm trợ giúp ngành bất động sản, bao gồm nới lỏng hạn chế mua nhà và giảm chi phí vay mượn. Tuy nhiên, những giải pháp này vẫn chưa tạo ra cuộc phục hồi mạnh mẽ. 

Lún sâu vào nợ

Chính quyền địa phương Trung Quốc đang ra sức giúp đỡ các ngân hàng nhỏ, nhưng chính họ cũng có khối nợ đáng lo ngại.

Theo dữ liệu mới nhất từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nợ của chính quyền địa phương có quy mô 92.000 tỷ nhân dân tệ (khoảng 12.600 tỷ USD), tương đương 76% sản lượng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2022 và cao hơn hẳn tỷ lệ 62,2% hồi năm 2019.

Theo đánh giá của giới phân tích, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cũng rất lo ngại về việc tỷ lệ nợ gia tăng nhưng Bắc Kinh hầu như không còn lựa chọn nào khác ngoài việc hỗ trợ các ngân hàng nhỏ để khống chế rủi ro lan ra.

Ông Zhang Xiaoxi, nhà nghiên cứu của Gavekal Dragonomics, bình luận: “Dù một tổ chức tài chính có quy mô nhỏ đến đâu thì Trung Quốc cũng không thể để nó sụp đổ, bởi một vụ đổ vỡ có thể gây ra hiệu ứng dây chuyền và lây lan sang các tổ chức tài chính khác”.

Không rõ liệu chính quyền trung ương có đưa ra hướng dẫn nào cho địa phương về việc cấp vốn cho các ngân hàng nhỏ hay không và ai là người mua những trái phiếu có mục đích đặc biệt này.

Ngân hàng và chính quyền địa phương là nền tảng của nền kinh tế Trung Quốc. Bắc Kinh giao nhiệm vụ cho các quan chức tỉnh và thành phố đáp ứng mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng.

Tuy nhiên, sau nhiều năm đầu tư quá mức vào cơ sở hạ tầng, doanh số bất động sản lao dốc và chi phí chống COVID-19 tăng vọt, các chuyên gia nói rằng những địa phương nặng nợ đã trở thành rủi ro lớn tới nền kinh tế thứ hai thế giới.

Việc phát hành thêm trái phiếu để cấp vốn cho ngân hàng diễn ra đúng lúc nợ của các địa phương đang phình to nhanh chóng. Điều này có thể khiến cho việc cân đối tài chính của các chính quyền địa phương càng trở nên khó khăn.

Ngoài số tiền đã huy động được trong năm nay, tuần trước chính quyền tỉnh Hà Nam đã công bố kế hoạch phát hành trái phiếu có mục đích đặc biệt trị giá 28,2 tỷ nhân dân tệ để cấp vốn cho 26 ngân hàng địa phương.

Mắt xích yếu

Các ngân hàng khu vực nhỏ là mắt xích yếu trong ngành tài chính quy mô 61.000 tỷ USD của Trung Quốc. Vấn đề của các ngân hàng này là họ chỉ tập trung vào một số ngành, khu vực địa lý, tình hình quản trị không rõ ràng và thiếu sự giám sát quy định nghiêm ngặt.

Theo dữ liệu từ Cơ quan Quản lý Tài chính Quốc gia Trung Quốc, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng thương mại nông thôn và thành phố lần lượt đạt 3,18% và 1,91% vào cuối tháng 9. Cả hai đều cao hơn tỷ lệ nợ xấu trung bình 1,61% của toàn ngành. Tờ Reuters cho biết nhiều nhà phân tích tin rằng nợ xấu thực tế của các ngân hàng cao hơn nhiều số liệu báo cáo.

Các ngân hàng nhỏ ở Trung Quốc khó huy động vốn để bổ sung bảng cân đối kế toán hơn hẳn các nhà băng lớn vì họ có uy tín thấp hơn, rủi ro cao hơn và phạm vi hoạt động hạn chế.

Trong số các tổ chức phát hành trái phiếu đặc biệt nhiều nhất năm nay có chính quyền các tỉnh Liêu Ninh, Vân Nam và khu vực Nội Mông. Cả ba đều đang chịu áp lực nợ nần lớn. Mục đích phát hành trái phiếu là sử dụng số tiền thu được để cấp vốn cho các ngân hàng địa phương.

Các nhà phân tích S&P viết trong lưu ý nghiên cứu tháng trước: “Nhiều khả năng chính quyền địa phương là lớp phòng thủ đầu tiên mỗi khi ngân hàng khu vực gặp căng thẳng. Dù vậy, chúng tôi vẫn cho rằng các chính quyền địa phương sẽ chọn lọc ngân hàng phù hợp để hỗ trợ". 

Giang