|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Đế chế tài chính được ví như ‘Blackstone của Trung Quốc' có nguy cơ vỡ nợ, bị cảnh sát điều tra hình sự

10:20 | 29/11/2023
Chia sẻ
Tập đoàn tài chính Zhongzhi có thể sẽ trở thành một trong những doanh nghiệp lớn nhất Trung Quốc sụp đổ trong những năm gần đây.

Tình hình của Zhongzhi đã xấu đi đáng kể sau khi nhà sáng lập qua đời. (Ảnh minh hoạ: Zuma Press). 

Từ công ty buôn gỗ thành đế chế tài chính khổng lồ

Zhongzhi Enterprise Group được ông Xie Zhikun thành lập vào năm 1995 ở thị trấn Y Xuân, tỉnh Hắc Long Giang để buôn bán gỗ. Công việc kinh doanh của ông Xie cất cánh sau khi ông lãi đậm từ các đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp niêm yết ở Trung Quốc, theo tờ Beijing News.

Zhongzhi lần đầu tiên dấn chân vào ngành tài chính vào năm 2001. Năm tiếp theo, tập đoàn đầu tư 120 triệu nhân dân tệ (tương đương khoảng 14,5 triệu USD lúc bấy giờ) vào quá trình tái cấu trúc Harbin International Trust and Investment, sau đổi tên thành Zhongrong International Trust.

Zhongzhi trở thành cổ đông lớn của Zhongrong vào năm 2009. Kể từ đó, Zhongzhi đã phát triển từ một công ty nhỏ ở tỉnh lẻ thành một trong những tập đoàn đầu tư uy tín nhất Trung Quốc, theo tờ South China Morning Post. Sau đó, tập đoàn đã mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác như khai khoáng, bất động sản và cơ sở hạ tầng. 

Ở thời kỳ đỉnh cao, tổng tài sản của Zhongzhi vượt quá 1.000 tỷ nhân dân tệ (khoảng 138 tỷ USD). Tập đoàn kín tiếng này được truyền thông địa phương mệnh danh là “Blackstone của Trung Quốc” và là một trong những đế chế tài chính lớn nhất quốc gia.

Ông Xie trở thành tỷ phú, sở hữu khối tài sản ròng 2,1 tỷ USD trong năm 2017. Tuy nhiên, khi hoạt động kinh doanh của Zhongzhi dần xuống dốc, tài sản của ông Xie cũng sụt giảm, xuống 1,5 tỷ USD vào năm 2019.

Ông bị loại khỏi danh sách tỷ phú của Forbes trong năm 2020. Nhà tài phiệt qua đời vì bệnh tim vào năm 2021, giữa lúc các cuộc phong tỏa chống COVID-19 làm tổn thương nền kinh tế Trung Quốc và gây ra biến động lớn trên thị trường.

Chiến lược gặp vấn đề

Kế nhiệm ông Xie là cháu trai Liu Yang, Chủ tịch Zhongrong. Ông Yang Hongxun, nhà phân tích tại công ty tư vấn đầu tư Shandong Shenguang, cho biết từ trước khi ông Liu nhậm chức, Zhongzhi đã phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là từ thị trường nhà đất.

Khi Trung Quốc bắt đầu tăng cường kiểm soát ngành bất động sản, các công ty đối thủ với Zhongzhi nhanh chóng tìm cách giảm bớt rủi ro. Song, Zhongzhi và các công ty liên kết bao gồm Zhongrong vẫn tiếp tục đầu tư vào thị trường nhà đất.

Trong những năm gần đây, Zhongzhi đã mua lại một tòa nhà văn phòng trị giá 3,3 tỷ nhân dân tệ ở Bắc Kinh, một dự án trị giá 1,7 tỷ nhân dân tệ do Shimao Holding Group quản lý và trụ sở cũ của tập đoàn Jia Yueting.

Zhongzhi cũng tiếp tục tài trợ cho những nhà phát triển bất động sản gặp khó khăn. Tập đoàn đã mua tài sản của hàng loạt công ty, bao gồm Kaisa Group Holdings và Shenzhen Wongtee International Enterprise. Trong giai đoạn 2014 - 2016, Zhongrong phát hành hơn 10 sản phẩm ủy thác cho tập đoàn Evergrande.

Nhưng ngành bất động sản Trung Quốc không phục hồi được như kỳ vọng và các khoản đầu tư bất động sản trên đã trở thành gánh nặng cho tập đoàn.

Điều tra hình sự và nguy cơ vỡ nợ

Tuần trước, Zhongzhi thông báo số nợ của tập đoàn ước tính nằm trong khoảng 59 - 64 tỷ USD, trong khi đó tổng tài sản chỉ đạt 28 tỷ USD.

Ông Zerlina Zeng, nhà phân tích cấp cao tại công ty nghiên cứu CreditSights, cho biết khối nợ thực tế của Zhongzhi có thể còn lớn hơn nhiều vì các con số trên không bao gồm nghĩa vụ nợ ngoài bảng cân đối kế toán.

Zhongzhi tuyên bố họ đang ở trong tình trạng “mất khả năng thanh toán trầm trọng”, nói thêm rằng “công tác quản trị nội bộ đã trở nên mất kiểm soát” sau khi “nhiều nhân sự chủ chốt và giám đốc cấp cao” rời đi khi nhà sáng lập Xie qua đời.

Vài ngày sau, các nhà chức trách Trung Quốc thông báo mở cuộc điều tra Zhongzhi. Cảnh sát Bắc Kinh cho biết Zhongzhi bị tình nghi thực hiện các hành vi “bất hợp pháp” và cơ quan điều tra đã áp dụng “các biện pháp hình sự bắt buộc” đối với một số nghi phạm, trong đó có người họ Xie. Văn bản của cảnh sát không nêu rõ các cáo buộc hoặc chi tiết về các biện pháp được thực hiện.

Hồi tháng 9, các nhà chức trách cũng sử dụng thuật ngữ tương tự đối với ông Hui Ka Yan, Chủ tịch Evergrande. Tại Trung Quốc, “các biện pháp hình sự bắt buộc” có thể là triệu tập, giám sát khu dân cư hoặc tạm giam.

Mùa hè năm nay, Zhongrong đã không thể thanh toán nhiều sản phẩm đầu tư trả lãi cao, làm dấy lên lo ngại về rủi ro tài chính phát sinh từ cuộc khủng hoảng bất động sản. Hồi tháng 9, hai tổ chức tài chính lớn của nhà nước Trung Quốc đã can thiệp và hỗ trợ Zhongrong. Tính đến cuối năm 2022, quỹ ủy thác này đang quản lý 108 tỷ USD tài sản.

Zhongzhi chủ yếu phục vụ các nhà đầu tư giàu có. Các khách hàng thường được yêu cầu đầu tư ít nhất 420.000 USD vào sản phẩm do tập đoàn phát hành, theo các tài liệu marketing mà tờ Wall Street Journal (WSJ) thu thập được. Năm ngoái, Zhongzhi hứa hẹn trả cho các nhà đầu tư lợi suất từ 7% đến 8%. 

Không chỉ các nhà đầu tư cá nhân mà doanh nghiệp ở Trung Quốc cũng đã mất tiền trong vụ bê bối này. Kể từ tháng 8, ít nhất 17 công ty đại chúng ở Trung Quốc đại lục đã viết trong báo cáo gửi lên cơ quan chứng khoán rằng họ không được nhận lãi hoặc tiền gốc từ các sản phẩm do Zhongrong quản lý. Giá trị các khoản thanh toán trễ hạn vào khoảng 135 triệu USD.

Ngành quỹ ủy thác của Trung Quốc - có quy mô vào khoảng 3.000 tỷ USD tính đến cuối tháng 6 - là nguồn hỗ trợ tài chính quan trọng cho các nhà phát triển bất động sản. Nếu Zhongzhi sụp đổ, sự kiện này có thể trở thành cú đánh nặng nề vào niềm tin của nhà đầu tư vào thời điểm nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang chật vật để phục hồi và thị trường chứng khoán suy yếu.

Giang

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.