Hệ thống ngân hàng bóng tối và rủi ro tới nền kinh tế Trung Quốc
Cuộc khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc đã khiến công chúng chú ý tới thế giới ngân hàng ngầm và rủi ro mà nền kinh tế phải chịu. Ngân hàng bóng tối chuyên cung cấp những dịch vụ tài chính mà hệ thống ngân hàng chính thức vốn được kiểm soát chặt chẽ hơn không hỗ trợ.
Các tổ chức ngân hàng bóng tối có thể dễ dàng cấp tiền vay cho nhiều đối tượng khách hàng hơn. Tuy nhiên, những khoản vay đó không được bảo đảm như các khoản vay của những ngân hàng truyền thống.
Vì vậy, nếu các ngân hàng bóng tối muốn khách hàng thanh toán đột ngột thì điều đó có thể gây ra hiệu ứng domino. Hơn nữa, sự giám sát hạn chế đối với ngành ngân hàng bóng tối khiến cho việc ước tính quy mô thực sự của các khoản nợ và rủi ro tới nền kinh tế trở nên rất khó khăn.
Tại Trung Quốc, trong vài năm qua, chính phủ đã tìm cách hạn chế sự tăng trưởng nhanh chóng của những khoản vay ngoài hệ thống ngân hàng truyền thống. Sự khác biệt giữa tình huống của Trung Quốc và những nước khác là tầm ảnh hưởng của nhà nước.
Hệ thống tài chính của Trung Quốc chịu sự chi phối của nhà nước, đồng nghĩa rằng cho tới gần đây, mọi người đi vay và cho vay đều có niềm tin rằng nhà nước sẽ luôn ở cạnh hỗ trợ họ - hay nói cách khác là được ngầm đảm bảo.
Các ước tính về quy mô ngành ngân hàng bóng tối của Trung Quốc có sự chênh lệch rất lớn, nhưng đều lên đến hàng nghìn tỷ USD.
Quan hệ với ngành bất động sản
Theo tờ CNBC, ngành bất động sản - ước tính chiếm đến 1/4 quy mô nền kinh tế Trung Quốc - là nút thắt giữa hệ thống ngân hàng bóng tối, vấn đề tài chính của chính quyền địa phương và tài sản của các hộ gia đình.
Doanh nghiệp bất động sản mua đất từ chính quyền địa phương. Chính quyền cần nguồn thu đó trang trải hoạt động cũng như cần lợi ích kinh tế từ lĩnh vực xây dựng, phát triển nhà đất.
Người dân Trung Quốc đổ xô vào cơ hội mua được căn nhà của riêng mình - hoặc để đầu cơ đất đai - trong bối cảnh giá nhà đất nhảy vọt trong hai thập kỷ qua.
Hồi tháng 4, ông Logan Wright, nhà quản lý cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho hay: “Các nhà phát triển bất động sản có thể tùy ý vay nợ từ ngân hàng bóng tối, bỏ qua các giới hạn cho vay để mua đất. Kết quả là giá đất liên tục tăng và các công ty này kéo chi phí nhà ở lên cao để duy trì biên lợi nhuận”.
Theo ông Wright, những hạn chế gần đây của Bắc Kinh đối với lĩnh vực ngân hàng bóng tối đã buộc các nhà phát triển bất động sản phải tìm đến nguồn tài trợ khác để trả các khoản nợ ngầm. Doanh nghiệp bắt đầu dựa nhiều hơn vào việc bán trước nhà cho người mua và giảm tốc độ xây dựng để tiết kiệm chi phí.
Sau đó, Bắc Kinh tiến tới siết chặt quản lý đối với các doanh nghiệp bất động sản liều lĩnh bằng việc áp đặt giới hạn nợ vay vào tháng 8/2020. Những gã khổng lồ như Evergrande và Country Garden lần lượt thất bại trong việc thanh toán nợ. Dòng tiền của họ cạn kiệt, chủ yếu do doanh số bán nhà lao dốc.
Ở diễn biến khác, ngân hàng bóng tối Zhongrong mất khả năng thanh toán một số sản phẩm đầu tư cho khách hàng. Trước đó, Zhongrong đã đem tiền cho các nhà phát triển bất động sản vay.
Giấu tiền trong quỹ ủy thác
Ít nhất một vài công ty bất động sản gặp khó khăn đã giấu một số khoản nợ khỏi sổ sách. Trong mùa hè năm nay, nhà phát triển bất động sản Shimao tiết lộ rằng họ có nhiều nợ hơn hẳn các báo cáo trước đó và công ty kiểm toán của Shimao là PwC không hề biết điều này.
Ông Edward Chan, Giám đốc tại S&P Global Ratings, nói với CNBC: “Một số khoản nợ ngầm đó được cung cấp bởi các công ty ủy thác. Tại Trung Quốc, các công ty ủy thác là một phần của hệ thống ngân hàng bóng tối”.
- TIN LIÊN QUAN
-
Bloomberg: Trung Quốc phát tín hiệu ra tay giải cứu ngân hàng bóng tối đang gặp rắc rối 31/08/2023 - 10:21
Quỹ ủy thác bán các sản phẩm đầu tư, chủ yếu là cho những hộ gia đình giàu có. Theo dữ liệu của Hiệp hội Ủy thác Trung Quốc, tính đến cuối tháng 3, khoảng 7,4% giá trị của các quỹ ủy thác chịu rủi ro liên quan tới bất động sản, tương đương khoảng 159,2 tỷ USD.
Tuy nhiên, ngân hàng Nomura ước tính rằng quy mô nợ vay của các nhà phát triển bất động sản từ các công ty ủy thác lớn gấp hơn ba lần con số trên - vào khoảng 535 tỷ USD tính đến cuối tháng 6. Lý do là số sản phẩm ủy thác đầu tư vào ngành bất động sản có thể không tiết lộ lý do sử dụng vốn thực sự để lách các quy định tài chính.
Hậu quả kinh tế
Ông Wright của CSIS cho biết các ngân hàng ở Trung Quốc cũng sử dụng công ty ủy thác để che giấu mức độ rủi ro thực sự trong bảng cân đối kế toán, đồng thời kiếm tiền bằng cách cho những đối tượng bị hạn chế vay vốn. Và những đối tượng này bao gồm các nhà phát triển bất động sản và chính quyền địa phương.
Vị chuyên gia ước tính ngân hàng bóng tối đã cung cấp gần 1/3 các khoản vay ở Trung Quốc trong giai đoạn 2012-2016. Ông nói thêm rằng sau khi Bắc Kinh tăng cường kiểm soát ngành này, tăng trưởng tín dụng của Trung Quốc đã giảm một nửa.
Hiện nay, vấn đề của Bắc Kinh là làm sao để xoa dịu hậu quả từ cuộc kiểm soát ngành bất động sản và ngân hàng bóng tối bằng các biện pháp hỗ trợ kinh tế.
Vị chuyên gia nhận định: “Chiến dịch tháo gỡ đòn bẩy mà giới lãnh đạo Trung Quốc phát động vào năm 2016 là điểm duy nhất có thể giải thích cho chu kỳ giảm tốc kinh tế mang cơ cấu của Trung Quốc”.
Ông nói tiếp: “Trung Quốc cần chuyển đổi nguồn lực của hệ thống tài chính khỏi hoạt động cho vay liên quan tới bất động sản cũng như các dự án đầu tư của chính quyền địa phương để hướng đến những lĩnh vực kinh tế tư nhân hiệu quả hơn.
Sự thành bại quá trình này sẽ quyết định tốc độ tăng trưởng kinh tế trong 5-10 năm tới. Nếu không, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ tiếp tục chậm lại trong thập kỷ tới, xuống 2% hoặc thấp hơn”.