|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Bloomberg: Trung Quốc phát tín hiệu ra tay giải cứu ngân hàng bóng tối đang gặp rắc rối

10:21 | 31/08/2023
Chia sẻ
Bắc Kinh có vẻ đang muốn giải cứu công ty ủy thác có quy mô hàng đầu Trung Quốc là Zhongrong International Trust. Nếu Zhongrong vỡ nợ, niềm tin của người dân vào nền kinh tế có nguy cơ sẽ bị ảnh hưởng, nỗi lo về sự ổn định của hệ thống tài chính cũng tăng lên.

Zhongrong International Trust, một trong những ngân hàng bóng tối lớn nhất Trung Quốc. (Ảnh: Bloomberg). 

Động thái mở đường

Nguồn tin của Bloomberg cho biết Trung Quốc đã yêu cầu hai công ty tài chính lớn nhất cả nước kiểm tra sổ sách của Zhongrong International Trust. Đây có thể là động thái mở đường để chính phủ giải cứu ngân hàng bóng tối này. 

Citic Trust - công ty con của Citic Group và CCB Trust - công ty được hậu thuẫn bởi China Construction Bank được cho là sẽ dẫn dắt nỗ lực ổn định Zhongrong.

Trong quá khứ, Citic từng tiến hành cuộc soát xét tương tự đối với công ty quản lý tài sản Huarong Asset Management và sau đó chính phủ đã tiến hành cuộc giải cứu Huarong với quy mô 6,6 tỷ USD.

Việc Bắc Kinh ra chỉ đạo mới cho hai công ty trên cho thấy các nhà hoạch định chính sách đang ngày càng lo lắng về tác động của ngành quỹ ủy thác quy mô 2.900 tỷ USD đối với sự ổn định của hệ thống tài chính.

Động thái này cũng là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang dựa vào những doanh nghiệp nhà nước lớn mạnh để củng cố nền kinh tế và kiểm soát rủi ro.

Giá cổ phiếu của các ngân hàng nhà nước Trung Quốc đã đi xuống trong phiên giao dịch ngày 30/8 sau khi Bloomberg đưa tin họ sẽ giảm lãi suất các khoản vay thế chấp hiện thời trong bối cảnh giới lãnh đạo đang tìm cách thúc đẩy tiêu dùng.

Trong tháng 8, Zhongrong - công ty liên kết của tập đoàn tài chính Zhongzhi Enterprise Group - đã gây náo loạn thị trường sau khi trễ hạn thanh toán các sản phẩm đầu tư bán cho giới doanh nghiệp và các cá nhân giàu có.

Nguồn tin của Bloomberg cho biết gần một nửa số tiền mà Zhongrong huy động đã được chuyển đến công ty mẹ hoặc các đơn vị liên kết.

Ngoài ra, theo một lá thư chưa kiểm chứng được chia sẻ trên mạng, một nhà quản lý tài sản tại Zhongzhi đã tiết lộ với khách hàng rằng các công ty quản lý tài sản liên kết với tập đoàn đã trì hoãn việc thanh toán kể từ giữa tháng 7. 

 

Không phải lần đầu

Ngành quỹ ủy thác của Trung Quốc đã chịu cảnh thua lỗ trong nhiều năm qua, nhưng Zhongzhi có thể là thách thức lớn nhất của Bắc Kinh.

Thứ nhất, tập đoàn này là đế chế tài chính lớn đang quản lý hơn 1.000 tỷ nhân dân tệ tài sản (tương đương khoảng 138 tỷ USD) cho khách hàng.

Lý do thứ hai là Zhongzhi có mối liên kết chặt chẽ với các nhà đầu tư giàu có, các công ty phát triển bất động sản đang gặp khó khăn và nhiều tổ chức tài chính khác. Do đó, việc Zhongzhi trễ hạn thanh toán đang làm dấy lên lo lắng rằng rắc rối đang bắt đầu lan rộng khắp ngành tài chính.

Ngành quỹ ủy thác của Trung Quốc là nguồn tài trợ quan trọng cho những doanh nghiệp muốn đi vay mà không đủ điều kiện để ngân hàng cấp khoản vay, ví dụ như các nhà phát triển bất động sản và công ty huy động vốn cho chính quyền địa phương (LGFV).

Công ty ủy thác tập hợp tiền từ khách hàng và đầu tư vào hàng loạt dự án và sản phẩm. Goldman Sachs ước tính ngành quỹ ủy thác Trung Quốc có thể phải đối mặt với các khoản lỗ tương đương 38 tỷ USD.

Nếu Trung Quốc thực sự giải cứu Zhongrong, thì đây cũng không phải lần đầu tiên ngành quỹ ủy thác chứng kiến sự kiện tương tự.

Năm 2020, chính phủ Trung Quốc cũng tham gia vào kế hoạch tái cấu trúc của Anxin Trust nhằm tránh kích hoạt “rủi ro tài chính mang tính hệ thống”. Cơ quan giám sát ngành ngân hàng cũng tiếp quản việc kiểm soát New Times Trust và New China Trust, cùng với 7 tổ chức tài chính khác liên kết với Tomorrow Group.

New China Trust đã tuyên bố phá sản sau ba năm nỗ lực giải cứu không đạt được kết quả, trở thành tay chơi đầu tiên trong ngành sụp đổ kể từ khi Luật Ủy thác được ban hành vào năm 2001.

Các công ty ủy thác sẽ phải chuẩn bị hàng tỷ USD để trả cho nhà đầu tư trong năm nay. Theo nhà cung cấp dữ liệu Use Trust, chỉ riêng Zhongrong đã có 270 sản phẩm đầu tư phải thanh toán cho khách trong năm nay, giá trị tổng cộng 39,5 tỷ nhân dân tệ (tương đương gần 5,5 tỷ USD).


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Giang

Tổng Giám đốc VSDC: Chứng khoán Việt Nam đang chơi ở sân chơi nhỏ hẹp hơn so với hạng cân
Tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025, bà Tạ Thanh Bình, Tổng Giám đốc VSDC, đã chia sẻ về câu chuyện quản lý và triển khai các chính sách của thị trường chứng khoán Việt Nam.