Ông Trump muốn leo thang chiến tranh thương mại với Trung Quốc nếu tái đắc cử
Khai chiến và trả đũa
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã làm đảo lộn chính sách thương mại của Mỹ khi phát động cuộc chiến thuế quan với Trung Quốc và rút khỏi hiệp định thương mại với các đồng minh thân cận từ Nhật Bản cho đến châu Âu. Nếu ông quay trở lại Nhà Trắng, xung đột thương mại giữa Mỹ và các nước khác có thể sẽ gia tăng.
Ông Trump tự nhận mình là “Ngài Thuế quan”. Vị cựu tổng thống đã vạch sẵn các biện pháp bảo hộ thương mại cho nhiệm kỳ thứ hai, chủ yếu là các khoản thuế mới đánh vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và những nơi khác, tờ Wall Street Journal (WSJ) cho biết.
Trong các cuộc phỏng vấn và tài liệu tranh cử, ông Trump đã đề cập đến ý tưởng áp đặt thuế quan 10% lên mọi sản phẩm nhập khẩu vào Mỹ. Nếu đối tác thương mại áp thuế lên hàng Mỹ, ông sẵn sàng “ăn miếng trả miếng, thuế quan đáp trả thuế quan”. Ông còn muốn hủy bỏ quan hệ thương mại bình thường với Trung Quốc.
- TIN LIÊN QUAN
-
Đảng Cộng hòa còn ứng viên tổng thống đáng chú ý nào ngoài ông Trump? 07/12/2023 - 17:29
Ông David Boling, từng là quan chức cấp cao trong chính phủ Mỹ, nhận xét: “Thương mại là tất cả đối với ông Trump... Ông sẽ hành động ngay ngày đầu tiên của nhiệm kỳ mới”.
Mục tiêu chính của vị cựu tổng thống vẫn là Trung Quốc, nhưng ông cũng ám chỉ khả năng đối đầu với các nước châu Âu về phần mềm và các dịch vụ kỹ thuật số.
Ông còn tuyên bố rằng hiệp ước Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương do Tổng thống Joe Biden đặt bút ký sẽ bị “hủy bỏ ngay tức khắc”.
Các nhà phân tích thương mại cho biết nếu ông Trump làm được như những gì mình nói, những chính sách đó sẽ gây ảnh hưởng đến nền kinh tế và quan hệ quốc tế của Mỹ.
Các loại thuế quan mới có thể sẽ thổi bùng căng thẳng với Trung Quốc và làm phật lòng các đồng minh, dẫn đến sự trả đũa. Một số ngành công nghiệp của Mỹ sẽ bớt phải chịu sự cạnh tranh từ doanh nghiệp quốc tế, nhưng các lĩnh vực khác sẽ đối mặt với chi phí nhập khẩu vật liệu cao hơn. Lạm phát có nguy cơ bật tăng trở lại.
Ảnh hưởng lâu dài
Ngay ngày đầu nhậm chức, ông Trump đã rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương và sau đó chấm dứt các cuộc đàm phán về hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU), lấy lý do là những thỏa thuận như vậy đã dẫn đến tình trạng mất việc làm ở Mỹ.
Mục tiêu lớn nhất của ông Trump là Trung Quốc. Ông cáo buộc nước này có chính sách thương mại không công bằng, khiến thâm hụt thương mại của Mỹ tăng lên. Sau đó, ông Trump áp thuế 25% lên hơn 300 tỷ USD hàng nhập khẩu. Bắc Kinh trả đũa bằng thuế quan và các biện pháp khác. Hai nước đã đạt được thỏa thuận thương mại ban đầu, nhưng rốt cuộc Bắc Kinh vẫn không mua thêm nhiều hàng hóa của Mỹ như cam kết.
Chính sách thương mại của ông Trump tiếp tục ảnh hưởng đến chính quyền của người kế nhiệm. Ông Biden giữ lại hầu hết mọi thuế quan được đặt ra dưới thời ông Trump trong bối cảnh Đảng Dân chủ cố gắng duy trì sự ủng hộ của công đoàn và thu hút cử tri thuộc tầng lớp lao động.
Bắc Kinh kêu gọi Mỹ chấm dứt các biện phá bảo hộ. Ông Lưu Bằng Vũ, người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ, tuyên bố: “Trong chiến tranh thương mại hoặc chiến tranh thuế quan, không có ai là người chiến thắng”.
Đề xuất đáng chú ý nhất
Trong kế hoạch mới của ông Trump, đề xuất áp mức thuế 10% lên mọi hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ là điều thu hút được sự chú ý nhất.
Ông Trump chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với Fox Business hồi tháng 8: “Khi các doanh nghiệp nước ngoài đến và đổ đống sản phẩm vào Mỹ, họ nên trả thuế một cách tự động, ví dụ như khoảng 10%”.
Chuyến gia chính sách thương mạiInu Manak của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại đánh giá rằng dù tái đắc cử, ông Trump cũng khó có thể thực hiện được mọi đề xuất về thương mại.
Ví dụ, kế hoạch áp thuế 10% nói trên sẽ gây ra lạm phát và ít có khả năng áp dụng với mọi loại hàng hóa. Trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, chính quyền ông Trump đã miễn trừ các sản phẩm điện tử tiêu dùng phổ biến bao gồm iPhone.
Tổ chức The Tax Foundation ước tính mức thuế quan 10% sẽ khiến gánh nặng thuế đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ tăng thêm khoảng 300 tỷ USD, quy mô nền kinh tế giảm 0,5% và xóa sổ hơn 500.000 việc làm.