Tổng thống Biden quyết gắn bó với khẩu hiệu ‘Bidenomics’ dù không được lòng cử tri
Đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden đã quyết định tiếp tục nhấn mạnh thông điệp kinh tế "Bidenomics" trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024 bất chấp nỗi lo của Đảng Dân chủ về chiến lược này.
Trong thời gian qua, ông Biden đã đi khắp nước Mỹ để giải thích về “Bidenomics” - khẩu hiệu ông tận dụng để tóm lược các chính sách kinh tế của mình. Hôm 20/12, ông Biden đến thăm bang Wisconsin để nêu bật tác động tích cực mà các đạo luật do ông khởi xướng đến những chủ doanh nghiệp là người Mỹ gốc Phi và Latin.
Ông Biden phát biểu: “Khi tầng lớp trung lưu ngày càng lớn mạnh, người nghèo sẽ có cơ hội thăng tiến và người giàu vẫn sống tốt. Tầng lớp trung lưu làm ăn tốt thì nền kinh tế Mỹ hoạt động tốt. Đó chính là Bidenomics”.
- TIN LIÊN QUAN
-
Tỷ lệ tín nhiệm thấp của ông Biden là tín hiệu tốt cho chứng khoán Mỹ? 14/12/2023 - 13:46
Một số thành viên Đảng Dân chủ băn khoăn liệu Nhà Trắng có nên tiếp tục sử dụng khẩu hiệu đó hay không.
Khảo sát gần đây của Wall Street Journal (WSJ) cho thấy đa số người tham gia khảo sát - khoảng 52% - có quan điểm tiêu cực về “Bidenomics”, trong khi chỉ 29% người trả lời có quan điểm tích cực.
Tuy nhiên, Nhà Trắng kỳ vọng rằng sự khởi sắc của hoạt động kinh tế có thể sẽ khiến cử tri có thêm thiện cảm hơn đối với cách ông Biden điều hành nền kinh tế.
Các cuộc thăm dò ý kiến gần đây cho thấy tỷ lệ ủng hộ dành cho ông Biden thua kém cựu Tổng thống Donald Trump tại Wisconsin và các bang chiến trường khác như Michigan, Pennsylvania và Georgia.
Ông Biden công khai bác bỏ các kết quả khảo sát bất lợi. Tại sự kiện gây quỹ ở bang Maryland ngày 19/12, ông nói: “Khảo sát là công việc cực kỳ khó khăn. Bạn phải gọi 20 người thì mới có một người chịu trả lời. Thật đấy”.
Các thành viên Đảng Cộng hòa là người sử dụng cách gọi “Bidenomics” để chế giễu chính sách kinh tế của ông Biden. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng đã tìm cách tận dụng khẩu hiệu này để quảng bá các chương trình đầu tư vào cơ sở hạ tầng, công nghệ và gia tăng việc làm mà chính quyền của ông thúc đẩy.
Đảng Cộng hòa vẫn tiếp tục thúc đẩy ý tưởng là lạm phát đang đang bào mòn ngân sách của các hộ gia đình và chính sách của ông Biden không có tác dụng. Khi ông Trump giữ chức tổng thống, nền kinh tế Mỹ đạt được các cột mốc quan trọng về việc làm, thu nhập và giá cổ phiếu cho đến khi đại dịch COVID-19 kéo tỷ lệ thất nghiệp lên mức cao nhất trong lịch sử.
Chính quyền của ông Biden bị bủa vây bởi lạm phát và tâm lý lo lắng của người tiêu dùng, nhưng trên thực tế tăng trưởng chi tiêu và việc làm vẫn vững mạnh. Trong những tuần gần đây, Nhà Trắng đã chuyển sự tập trung từ ca ngợi số lượng việc làm mới sang thừa nhận nỗi lo của cử tri về giá cả cao.
Lên đường tranh cử
Trong cuộc phỏng vấn hôm 20/12, tờ CNN đã hỏi Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ Lael Brainard về sự khác biệt giữa các chỉ số kinh tế và suy nghĩ của cử tri.
Bà Brainard trả lời: “Tôi nghĩ công chúng cần thời gian để thay đổi quan điểm về nền kinh tế. Hơn nữa, người dân cũng lo ngại rằng giá cả trong một số lĩnh vực chưa được phải chăng như trước đây”. Vị quan chức đã đề cập đến lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ như một ví dụ minh hoạ.
Tuần trước, các nhà tài trợ được thông báo rằng ông Biden sẽ bắt đầu lên đường tranh cử trong dịp năm mới và tăng cường nỗ lực thu hút người ủng hộ tại các bang chiến trường. Đội ngũ tranh cử của ông Biden đặt mục tiêu huy động được 67 triệu USD trong quý IV/2023, giống như những gì ông Obama đạt được trong ba tháng cuối năm 2011.
Trong khi đó, Phó Tổng thống Kamala Harris thông báo bà sẽ có chuyến công tác toàn quốc để vận động về quyền phá thai bắt đầu từ tháng 1/2024.
Đảng Dân chủ hy vọng sẽ tận dụng được vấn đề nói trên để duy trì sự ủng hộ của nhóm cử tri trung thành và thu hút các cử tri dao động. Theo kết quả cuộc khảo sát gần đây của WSJ, ông Biden có nhiều lợi thế hơn ông Trump về vấn đề phá thai, với tỷ lệ ủng hộ dành cho hai người lần lượt là 44% và 33%.