|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

So kè khả năng lèo lái nền kinh tế của hai ông Trump và Biden qua 11 biểu đồ [Phần 1]

08:11 | 21/06/2023
Chia sẻ
Đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden và người tiền nhiệm Donald Trump đều từng ca ngợi thành tựu kinh tế của riêng mình. Phân tích của Barron's cho thấy thành tích của mỗi người khá lẫn lộn.

Đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden và người tiền nhiệm Donald Trump có thể tái đấu trong cuộc bầu cử năm 2024. (Ảnh: Barron's/Getty Images).

Khi nền kinh tế sa sút, người Mỹ thường tìm ai đó để đổ lỗi và ông chủ Nhà Trắng thường là người hứng chịu búa rìu dư luận, tờ Barron’s cho hay.

Song, tổng thống Mỹ có đáng bị chỉ trích hay không? Câu trả lời cho câu hỏi này sẽ là trọng tâm cho chiến dịch tranh cử năm 2024 của hai đối thủ lâu năm - cựu Tổng thống Donald Trump và đương kim Tổng thống Joe Biden.

Cả hai nhà lãnh đạo đều ca ngợi thành tích kinh tế của riêng mình. Tuy nhiên, phân tích của Barron’s cho thấy kết quả của mỗi người đều khá lẫn lộn.

Barron’s đã so sánh các khung thời gian tương ứng của mỗi nhiệm kỳ tổng thống, bắt đầu từ ngày nhậm chức và tiếp tục đến tháng 4 của năm thứ ba, hoặc tháng gần nhất có dữ liệu.

Ông Trump được thừa hưởng một nền kinh tế tương đối khoẻ mạnh từ người tiền nhiệm Barack Obama. Trong những năm đầu nhiệm kỳ, thành tựu lập pháp quan trọng của vị cựu tổng thống là đạo luật cắt giảm thuế năm 2017.

Gói chính sách trên giúp nâng đỡ thị trường chứng khoán, hoạt động đầu tư và nhu cầu nói chung trong nền kinh tế, nhưng cũng làm gia tăng quy mô nợ của chính phủ Mỹ.

Ông Biden nhậm chức khi nền kinh tế Mỹ vẫn đang phục hồi sau các đợt phong toả do đại dịch COVID-19. Các gói viện trợ và giải cứu dưới cả thời ông và người tiền nhiệm Donald Trump đều giúp thúc đẩy chi tiêu.

Tăng trưởng việc làm nhảy vọt trong hai năm đầu nhiệm kỳ, nhưng cũng kéo lạm phát đi lên và buộc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) phải thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh chóng.

Bên dưới là 5 biểu đồ cho thấy hướng đi của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong những năm đầu nhiệm kỳ của ông Trump và ông Biden, theo tổng hợp của Barron’s:

Tăng trưởng kinh tế

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016, ông Trump cam kết sẽ đưa nền kinh tế Mỹ trở lại mức tăng trưởng hàng năm 4%. Song, ông chỉ hoàn thành mục tiêu đó trong hai quý: quý IV/2017 và quý III/2020.

Từ quý I/2017 đến I/2019, tốc độ tăng trưởng GDP thực tế của Mỹ (đã điều chỉnh theo lạm phát) đạt trung bình 2,5% mỗi quý.

Đó là mức tăng trưởng lành mạnh đối với một nền kinh tế khổng lồ và đa dạng, vốn thường tăng trưởng từ 2% đến 3% mỗi năm.

Tuy nhiên, con số này vẫn cách xa mức mà ông Trump đã hứa hẹn và chỉ ngang bằng với tốc độ tăng trưởng vào cuối nhiệm kỳ thứ hai của ông Obama.

 

Trong năm đầu nhiệm kỳ, ông Biden đã chứng kiến nền kinh tế tăng trưởng mạnh khi chính phủ ồ ạt bơm tiền vào hệ thống tài chính để chống lại tác động khủng khiếp của đại dịch.

Hai trong 4 quý đầu tiên, Mỹ ghi nhận tốc độ tăng trưởng hàng năm là 7%. Tuy nhiên, lạm phát đã xuất hiện trong năm thứ hai nhiệm kỳ của ông Biden và tăng trưởng trong nửa đầu năm 2022 đã chuyển sang mức âm.

Dù vậy, tốc độ tăng trưởng trung bình dưới thời ông Biden vẫn tốt hơn so với ông Trump. Từ quý I/2021 đến quý I/2023, tăng trưởng kinh tế dưới thời chính quyền Biden đạt trung bình 3,1% mỗi quý.

Thị trường chứng khoán

Thị trường chứng khoán là một điểm cộng cho ông Trump, người đã chứng kiến chỉ số S&P 500 tăng khoảng 21,2% kể từ ngày đầu tiên nhậm chức cho đến cuối tháng 5/2019.

Đạo luật cắt giảm thuế năm 2017 của ông Trump đã giúp tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư kinh doanh, trong khi tỷ lệ thất nghiệp thấp khuyến khích người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn.

 

Dưới thời ông Biden, S&P 500 tăng khoảng 8,5% trong cùng khung thời gian. Song, câu chuyện trên thị trường được chia thành hai phần.

Giá cổ phiếu từng đạt mức cao nhất mọi thời đại vào đầu năm 2022, nhưng chỉ số S&P 500 đã bốc hơi 20% trong cả năm và Nasdad Composite mất gần 33% khi Fed thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát. 

Năm nay, tính đến hết ngày 31/5, chỉ số S&P 500 đã đi lên 9,3% trong bối cảnh nhà đầu tư kỳ vọng Fed sẽ sớm ngừng tăng lãi suất và có thể chuyển sang hạ lãi suất vào cuối năm.

Lạm phát

Dưới thời ông Trump, lạm phát tại Mỹ nhìn chung nằm trong tầm kiểm soát của Fed và tiếp tục xu hướng thấp dưới thời cựu Tổng thống Obama.

Trong giai đoạn từ quý II/2009 đến quý IV/2016, lạm phát đạt trung bình 1,4% và trong hai năm đầu nhiệm kỳ của ông Trump đến hết quý I/2019, đạt trung bình khoảng 2,2%.

Nhưng phản ứng chính sách của chính phủ Mỹ đối với đại dịch COVID-19 vào năm 2020 và tác động của chiến sự tại Ukraine vào năm 2022 đã làm thay đổi quỹ đạo của lạm phát.

 

Khi chính quyền ông Trump và Biden bơm tiền vào nền kinh tế để bù đắp tổn thất của đại dịch, cũng như khi chuỗi cung ứng bị xáo trộn bởi chiến sự Nga - Ukraine, lạm phát đã vọt lên mức cao nhất trong 4 thập kỷ, trở thành vấn đề kinh tế số một của đương kim Tổng thống Mỹ.

Fed, ban đầu cho rằng áp lực giá chỉ xuất hiện tạm thời, đã bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 3/2022 để hạ nhiệt nền kinh tế. Song, sau hơn một năm, lạm phát vẫn cao dai dẳng so với ước tính của các nhà hoạch định chính sách.

Từng chạm đỉnh 9,1% vào tháng 6/2022, lạm phát giá tiêu dùng đã lùi về 4% vào tháng 5/2023, nhưng vẫn cao hơn mục tiêu 2% của Fed. Xu hướng tương tự cũng diễn ra với lạm phát giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân, thước đo ưa thích của Fed.

Lãi suất

Fed đã nâng lãi suất một cách chậm chạp trong suốt nửa đầu nhiệm kỳ của ông Trump để đưa chính sách tiền tệ trở về trạng thái trung lập sau nhiều năm duy trì lãi suất gần mức 0.

Ông Trump thường xuyên đả kích ngân hàng trung ương, lập luận rằng lãi suất tăng cao đang khiến nền kinh tế Mỹ khó cạnh tranh hơn trên thị trường toàn cầu.

Tuy nhiên, dù lạm phát đang trong tầm kiểm soát, Fed vẫn tiếp tục tăng lãi suất cho đến năm 2019. Sau đó, những lo ngại về suy thoái và sự suy yếu trên toàn cầu đã buộc Fed phải nới lỏng chính sách.

 

Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Biden đã chứng kiến một trong những chiến dịch thắt chặt tiền tệ mạnh tay nhất trong nhiều thập kỷ, khi Fed cố gắng khống chế áp lực giá.

Nỗ lực của ngân hàng trung ương Mỹ đã làm giảm tốc độ tăng của lạm phát, nhưng cũng khiến chi phí mua sắm xe hơi, nhà ở,...đi lên và dẫn đến tình trạng sa thải nhân công trong những ngành nhạy cảm với lãi suất.

Nợ công

Cả hai vị tổng thống đều chứng kiến khối nợ công của Mỹ gia tăng nhanh chóng, chủ yếu do chính sách cắt giảm thuế của ông Trump và chương trình viện trợ COVID của ông Biden.

Chính quyền ông Trump cũng triển khai gói cứu trợ COVID lớn, làm khối nợ phình to trong phần sau của nhiệm kỳ tổng thống. Song, những khoản chi tiêu này nhìn chung đều được hai đảng trong Quốc hội nhất trí thông qua.

 

Phần lớn mức tăng gần đây là do các xu hướng dài hạn và việc mở rộng các chương trình như Medicare, Mediaid và An sinh Xã hội. Các chương trình này ngày càng trở nên tốn kém khi dân số Mỹ già đi.

Ông Charles Blahous, chiến lược gia cấp cao tại Trung tâm Mercatus tại Đại học George Mason, ước tính trong thâm hụt ngân sách liên bang năm 2021, ông Trump chịu 19,1% phần trách nhiệm, còn ông Biden chịu 18,5%.

(còn nữa)

Yên Khê

Chính phủ giao NHNN hoàn thiện phương án xử lý đối với Ngân hàng SCB trong tháng 12
Nội dung trên được đề cập tại Nghị quyết số 218 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10. Theo đó, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện phương án xử lý đối với Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) trong tháng 12.