|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

So kè khả năng lèo lái nền kinh tế của hai ông Trump và Biden qua 11 biểu đồ [Phần 2]

15:25 | 22/06/2023
Chia sẻ
Nước Mỹ có thể sẽ chứng kiến màn tái đấu giữa đương kim Tổng thống Joe Biden và người tiền nhiệm Donald Trump khi cả hai đều tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024. Thành tích trên mặt trận kinh tế là một trong những thước đo để đánh giá khả năng thành bại của mỗi người.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và người kế nhiệm Joe Biden. (Ảnh: NBC News).

Sang năm 2024, nước Mỹ có thể sẽ chứng kiến một trận tái đấu hoành tráng giữa đương kim Tổng thống Joe Biden và người tiền nhiệm Donald Trump khi cả hai đều muốn vị trí cao nhất tại Nhà Trắng.

Trên mặt trận kinh tế, hai người đều từng chia sẻ về những thành tựu của chính quyền mình. Tuy nhiên, tổng hợp của Barron's cho thấy thành tích của mỗi người khá lẫn lộn.

Ở phần đầu của chuỗi bài viết, Barron’s đã so sánh các chỉ số như tăng trưởng GDP, diễn biến của thị trường chứng khoán, lạm phát, lãi suất và nợ công. Ở phần hai sẽ là các so sánh chủ yếu về thị trường việc làm và nhà đất.

Thị trường việc làm

Trong giai đoạn đầu nhiệm kỳ, ông Trump từng chứng kiến việc làm tăng trưởng mạnh mẽ khi trung bình mỗi tháng thị trường lao động tạo ra 180.000 việc làm mới.

Đó là mức tăng lành mạnh đối với một nền kinh tế đã phục hồi gần một thập kỷ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 - 2009. Con số này cũng cao hơn nhiều mức 100.000 mà các các nhà kinh tế ước tính là cần thiết để theo kịp tốc độ tăng trưởng dân số.

 

Tổng thống Biden cũng chứng kiến thị trường lao động tăng trưởng tích cực. Kể từ khi ông nhậm chức, trung bình mỗi tháng Mỹ có thêm 470.000 việc làm mới.

Trên thực tế, ông Biden đã được hưởng lợi khi nền kinh tế phục hồi mạnh sau đợt suy thoái COVID-19. Song, mức tăng trưởng việc làm đã liên tục vượt qua kỳ vọng của giới chuyên gia, ngay cả khi lo ngại về suy thoái lớn dần.

Hai năm đầu nhiệm kỳ của ông Biden còn là hai năm có mức tăng trưởng việc làm tốt nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Tình trạng thất nghiệp

Ông Trump thường khoe về thành tích của mình trên thị trường lao động. Theo Barron’s, vị cựu tổng thống có lý do chính đáng để cảm thấy hài lòng, bởi tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong 50 năm là 3,5% vào năm 2019.

Song, ông Alan Blinder, giáo sư kinh tế tại Đại học Princeton, cho biết thành tích trên không phải là kết quả trực tiếp từ các chính sách của ông Trump và về sau, xu hướng đi xuống của tỷ lệ thất nghiệp đã bị lu mờ bởi tác động của đại dịch.

 

Khi ông Biden tiếp quản Nhà Trắng vào tháng 1/2021, tỷ lệ thất nghiệp đã vọt lên mức 6,3%. Tính đến tháng 5/2023, thước đo này đã giảm dần xuống mức thấp là 3,7% nhưng ông Biden phải chấp nhận đánh đổi về mặt chính trị.

Để khống chế lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất 10 lần liên tiếp tính đến tháng 5/2023.

Chủ tịch Fed chi nhánh New York là ông John Williams dự đoán tỷ lệ thất nghiệp sẽ cần phải tăng lên 4 - 5% để lạm phát (tính theo chỉ số giá tiêu dùng, CPI) quay trở lại mức mục tiêu 2% của các nhà hoạch định chính sách.

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động

Lực lượng lao động của Mỹ đã thu hẹp trong nhiều thập kỷ qua. Các chuyên gia cho rằng đây là kết quả của nhiều yếu tố, bao gồm tỷ lệ sinh giảm, chính sách nhập cư khắt khe và mong muốn làm việc của người lao động thay đổi. Tất cả đều nằm ngoài tầm kiểm soát của bất kỳ tổng thống hay chính quyền nào.

Tuy nhiên, xu hướng đó đã tạm dừng dưới thời ông Trump. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của người Mỹ đã tăng nhẹ 0,1 điểm % trong hai năm đầu nhiệm kỳ của ông Trump.

Dưới thời người tiền nhiệm Barack Obama, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động nói chung của người Mỹ trên 16 tuổi đã giảm 2,9 điểm %.

Nếu xét theo số người Mỹ trong độ tuổi đi làm từ 25 đến 54 - một thước đo ít bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài, ông Trump thậm chí còn làm tốt hơn, khi tỷ lệ tham gia lực lượng lao động tăng 0,7 điểm %.

 

Mức độ tham gia thị trường việc làm của người Mỹ giảm sút khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nhưng đã phục hồi phần nào dưới thời ông Biden.

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động nói chung đạt 62,6% vào tháng 4/2023, chỉ thấp hơn một chút so với mức cao trước đại dịch ghi nhận dưới thời cựu Tổng thống Trump.

Song, tỷ lệ tham gia của lao động trong độ tuổi 25 - 54 hiện nhỉnh hơn mức trước đại dịch và vượt qua thành tích của chính quyền ông Trump.

Tiền lương

Chi phí lao động theo giờ tại Mỹ đã tăng khoảng 6% trong nửa đầu nhiệm kỳ của ông Trump. Trong khi đó, tiền lương và thưởng đã điều chỉnh theo lạm phát thì tăng với tốc độ chậm hơn.

 

Thu nhập của người Mỹ không khá hơn dưới thời ông Biden. Tình trang thiếu hụt nhân công đã kéo tiền lương của người lao động trong khu vực tư nhân lên trung bình 10,3% mỗi năm trong giai đoạn tháng 1/2021 - 4/2023.

Song, lạm phát đã bào mòn sức mua của người lao động. Do áp lực giá vẫn còn lớn, mức tăng của đồng lương đang giảm dần và các nhà kinh tế dự đoán tiền lương sẽ tụt xuống mức trước đại dịch vào cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024.

Tiền lương thực tế của người lao động không tăng mấy có thể là một rắc rối cho nỗ lực tái đắc cử của ông Biden cũng như tác động xấu tới niềm tin của người tiêu dùng.

Thị trường nhà đất

Theo Cục Điều tra Dân số Mỹ, giá nhà ở tại nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tăng trong gần ba thập kỷ. Giá bán trung bình tăng gần ba lần, từ khoảng 126.000 USD vào năm 1992 lên 479.500 vào cuối năm 2022.

Mặc dù ông Trump từng khoe về đà tăng của thị trường bất động sản dưới thời của mình, một số đợt tăng mạnh nhất (theo giá bán nhà trung vị trong 30 năm qua) lại xảy ra trong hai năm đầu nhiệm kỳ của ông Biden.

 

Giá bất động sản đi lên là tin tốt cho người bán, nhưng lại là thách thức đối với người mua. Nghiên cứu cho thấy việc sở hữu nhà ở sẽ giúp cải thiện tình hình tài chính của người tiêu dùng Mỹ.

Giá nhà ngày càng cao có thể gây hại cho khả năng ổn định tài chính của người dân. Tuy nhiên, thị trường hiện đã hạ nhiệt. Tăng trưởng giá nhà hàng năm đã giảm tốc xuống mức 0,7% vào tháng 3, tốc độ chậm nhất trong 10 năm, theo chỉ số S&P CoreLogic Case-Shiller.

Các chuyên gia dự đoán xu hướng điều chỉnh của thị trường nhà đất sẽ tiếp tục đến hết năm 2023 và kéo dài sang năm 2024.

Niềm tin của người tiêu dùng

Trong những năm đầu nhiệm kỳ của ông Trump, niềm tin của người tiêu dùng khá vững chắc, có thể do thị trường chứng khoán liên tục tăng tiến.

Sự xuất hiện của đại dịch đã xoá bỏ sự lạc quan đó và khiến chính quyền ông Biden phải chật vật để khôi phục lòng tin của người dân. Lạm phát tăng vọt đã đẩy niềm tin của người tiêu dùng xuống mức thấp kỷ lục vào tháng 6/2022.

 

Niềm tin của người tiêu dùng là một chỉ số kinh tế quan trọng, vì chi tiêu của nhóm này chiếm gần 70% nền kinh tế Mỹ. Nếu người Mỹ lo lắng về triển vọng tăng trưởng, họ sẽ không mua sắm nhiều như trước.

Dù vậy, chi tiêu của người tiêu dùng đã tăng 0,5% trong tháng 4 năm nay, ngay cả khi niềm tin của người Mỹ bị lung lay bởi áp lực giá lớn và sức mua yếu.

Bà Joanne Hsu, Giám đốc phụ trách khảo sát người tiêu dùng tại Đại học Michigan, cho hay: “Trong suốt giai đoạn lạm phát hiện tại, người tiêu dùng Mỹ vẫn đứng vững nhờ thị trường lao động mạnh mẽ... tuy nhiên, nỗi lo suy thoái sẽ khiến họ thắt chặt hầu bao khi dấu hiệu suy yếu xuất hiện”.

So kè khả năng lèo lái nền kinh tế của hai ông Trump và Biden qua 11 biểu đồ [Phần 1]

Yên Khê