|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chiến dịch tăng lãi suất của Fed chưa đẩy Mỹ vào suy thoái nhưng có thể kéo nền kinh tế toàn cầu đi xuống

14:59 | 12/06/2023
Chia sẻ
World Bank cảnh báo các đợt tăng lãi suất của Fed có thể dẫn đến các cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái trên toàn thế giới.

Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh: Wall Street Journal). 

"Tình cảnh nguy ngập"

Nỗ lực dập tắt lạm phát bằng cách tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) vẫn chưa đẩy Mỹ vào suy thoái. Tuy nhiên, báo cáo World Bank công bố tuần trước cho thấy chính sách của ngân hàng trung ương Mỹ có thể gây ra hậu quả kinh tế vượt xa biên giới nước này.

Fed đã tung ra 10 đợt tăng lãi suất trong hơn một năm qua nhưng vẫn chưa kéo được lạm phát quay về mức mục tiêu 2%. Đầu tháng 5, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đã tăng lãi suất thêm 0,25 điểm %, kéo lãi suất chính sách lên phạm vi 5-5,25%. Theo tờ Market Insiders, đây là chu kỳ tăng lãi suất khẩn trương nhất của Fed kể từ đầu thập niên 1980. 

Nhiều khả năng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp tuần này, nhưng các nhà kinh tế do Financial Times khảo sát dự đoán các nhà hoạch định chính sách sẽ cần cần nâng lãi suất ít nhất hai lần 0,25 điểm % nữa trong năm nay.

Theo báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu mới nhất của World Bank, chiến dịch thắt chặt tiền tệ tại Mỹ sẽ ảnh hưởng đặc biệt lớn đến các thị trường mới nổi và nền kinh tế đang phát triển (viết tắt là EMDE).

Chu kỳ này có nguy cơ dẫn đến các cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái trên toàn thế giới, báo cáo cảnh báo.

Dưới sức ép từ Mỹ, các ngân hàng trung ương khu vực EMDE có thể cũng phải thắt chặt chính sách mạnh tay, dẫn đến lãi suất trong nước tăng cao hơn và khiến tiền tệ bị mất giá, khuếch đại lạm phát. Khi đó, giới doanh nghiệp và chính phủ tại những nước này có thể sẽ khó khăn hơn khi đi vay tiền và tiếp cận vốn.

Những phát hiện trên được World Bank đưa ra cùng với cảnh báo rằng nền kinh tế toàn cầu đang ở trong “tình cảnh nguy ngập” bởi lãi suất gia tăng cản trở chi tiêu tiêu dùng và đầu tư kinh doanh.

Hệ thống tài chính có nguy cơ trở nên bất ổn hơn, trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể sẽ chậm lại còn 2,1%, thấp hơn đáng kể mức 3,1% hồi năm ngoái.

*Số liệu năm 2023 là dự báo. 

Tác động của khủng hoảng ngân hàng

Các nhà nghiên cứu của World Bank viết: “Trong bối cảnh lãi suất tại Mỹ tăng chủ yếu do lạm phát và các cú sốc phản ứng sau đó, triển vọng đối với EMDE có vẻ đáng lo ngại”.

Cú sốc phản ứng là việc các nước điều chỉnh lãi suất sau khi ghi nhận Fed đã thay đổi quan điểm về cuộc chiến chống lạm phát. Chúng có thể gây ra tác động tai hại đến EMDE. Các cú sốc lạm phát và phản ứng có thể gây mất giá chứng khoán và tiền tệ, làm tăng chi phí thực phẩm và các mặt hàng nhập khẩu khác.

Những nước EMDE có tình hình tài chính dễ bị tổn thương và mất cân bằng kinh tế vĩ mô nhiều hơn – ví dụ như những quốc gia có xếp hạng tín dụng thấp và thâm hụt tài khoản lớn – là những đối tượng rất dễ chịu tác động tiêu cực bởi các đợt tăng lãi suất của Mỹ.

Nhiều khả năng Fed sẽ duy trì chính sách tiền tệthắt chặt để khuất phục lạm phát, và hiệu ứng lan tỏa có thể xảy ra đúng lúc khối nợ tại nhiều nước EMDE ở mức cao kỷ lục. 

Gần 60% các nước thu nhập thấp có nguy cơ hoặc đang ở trong tình trạng căng thẳng nợ, theo báo cáo của World Bank. 

Ngoài các động thái của Fed, sự hỗn loạn trong hệ thống tài chính của Mỹ sau sự sụp đổ của vài ngân hàng khu vực cũng có thể đe dọa các EMDE. Khủng hoảng ngân hàng tại Mỹ có thể khiến các nước EMDE phải đối mặt với việc xuất khẩu suy giảm và thị trường tài chính bị gián đoạn giữa lúc triển vọng tăng trưởng suy yếu. Kể từ cuối năm 2021, đã có thêm nhiều EMDE phải đối mặt với việc mất khả năng tiếp cận thị trường và nguy cơ vỡ nợ gia tăng.

Theo báo cáo của World Bank, cơ quan quản lý tiền tệ của các EDME có thể phải thắt chặt chính sách của chính họ để tránh lạm phát tăng mạnh hoặc ngăn tiền tệ mất giá, thu hẹp các lỗ hổng kinh tế căn bản.

Báo cáo cũng khuyến nghị ngân hàng trung ương của các nước tiên tiến "truyền đạt dự định chính sách một cách rõ ràng nhất có thể và hiệu chỉnh chiến lược để tránh gây ra thay đổi đột ngột đến triển vọng chính sách chung”.

Giang