|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

'Suy thoái hộp các tông' tại Mỹ báo hiệu lạm phát có thể giảm mạnh vào cuối năm

14:28 | 08/06/2023
Chia sẻ
Nhu cầu hộp các tông sụt giảm có thể báo hiệu sự suy yếu trong những lĩnh vực khác của nền kinh tế Mỹ, giúp lạm phát nhanh chóng hạ nhiệt hơn.

Markets Insider dẫn lời ông Jeffrey Kleintop, trưởng bộ phận chiến lược đầu tư toàn cầu của Charles Schwab, cho biết Mỹ đang ở trong một "cuộc suy thoái hộp các tông". Tình trạng này có thể khiến lạm phát của Mỹ giảm mạnh vào cuối năm. 

Ông Kleintop cho biết trong một cuộc suy thoái, thông thường tất cả lĩnh vực của nền kinh tế đều thu hẹp. Tuy nhiên, hiện tại, đà suy yếu chỉ thể hiện rõ trong ngành sản xuất và thương mại.

Theo Fibre Box Association, xu hướng trên đã dẫn đến sự sụt giảm nhu cầu về hộp các tông - một chỉ báo dễ bị bỏ qua nhưng từng là dấu hiệu cho những đợt suy thoái trước đây của nền kinh tế Mỹ. 

Việc quyết định nền kinh tế Mỹ có suy thoái hay không là nhiệm vụ của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER). Tuy nhiên, ông Kleintop cho rằng Mỹ đang rơi vào “suy thoái hộp các tông”. Tình trạng này có thể khiến thị trường việc làm yếu đi và gây áp lực lớn hơn đến lợi nhuận của các tập đoàn. 

Các nhà đầu tư cũng có thể chứng khiến lợi nhuận của cổ phiếu suy yếu, đặc biệt là nếu tình trạng suy thoái này lan sang các lĩnh vực khác, chẳng hạn như dịch vụ.

Tuy vậy, suy thoái cũng có thể làm giảm lạm phát, vì giá sản xuất trong Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) sản xuất - bao gồm cả giá hộp các tông - thường báo hiệu sớm lạm phát tại Mỹ khoảng 6 tháng. 

PMI nhỏ hơn 50 cho thấy hoạt động sản xuất đang có chiều hướng thu hẹp. 

Ông Kleintop nhận định: “Suy thoái hộp các tông có thể là tin tốt cho lạm phát”. Ông chỉ ra xu hướng lạm phát tích cực tại châu Âu: “Chỉ số PMI mới nhất của châu Âu cho thấy tốc độ tăng giá cả có thể hạ từ mức 6% hiện nay xuống gần 2% trong 6 tháng tới. Lạm phát có thể tiếp tục hạ nhanh như khi tăng lên”.

Lạm phát giảm có thể tạo động lực cho thị trường tài chính tại Mỹ, bởi các tập đoàn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi chi phí và lãi suất tăng cao trong năm qua.

Kể từ tháng 3/2022, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất thêm 500 điểm cơ bản (bps) để chế ngự lạm phát và động thái này khiến S&P 500 sụt giảm gần 20% vào năm ngoái. 

Fed có thể tạm ngừng chiến dịch thắt chặt khi tình hình lạm phát được cải thiện. Các chuyên gia cho rằng động thái trên có thể giúp tăng giá cổ phiếu.

Đồng thời, các nhà đầu tư cũng đã hạ kỳ vọng lạm phát và kỳ vọng về những đợt tăng lãi suất trong tương lai.

Kỳ vọng lạm phát 5 năm tới đã giảm xuống còn 2,23%, theo dữ liệu của Fed. Vào ngày 7/6, công cụ FedWatch của CME Group cho thấy thị trường kỳ vọng Fed tạm ngừng tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách tháng 6 với xác suất 64%.

Minh Quang

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).