|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chứng khoán Mỹ sắp thoát khỏi thị trường gấu nhưng vận may có thể bị đảo ngược vì 8 cổ phiếu

10:11 | 07/06/2023
Chia sẻ
Chỉ số S&P 500 đã có màn phục hồi ấn tượng trong năm 2023 nhờ sự hào hứng của các nhà đầu tư với nhóm cổ phiếu Big Tech, nhưng một số chuyên gia cảnh báo sự đảo chiều có thể sẽ diễn ra rất dữ dội.

Nhà đầu tư trên sàn chứng khoán Mỹ. (Ảnh: Zuma Press). 

Thế thống trị

Các chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ đã vượt qua hàng loạt thách thức để lên cao hơn trong năm 2023. Nhưng một số nhà đầu tư thấy lo sợ vì đà tăng này phụ thuộc vào một số ít cổ phiếu nặng ký.

Chỉ số S&P 500 đã tăng gần 12% trong năm nay và sắp bước vào thị trường giá lên mới sau khi tăng gần 20% kể từ đáy tháng 10/2022.

Diễn biến trên khiến không ít nhà quản lý đầu tư phải kinh ngạc vì họ đã đứng ngoài thị trường hồi đầu năm do lo ngại về lộ trình của lãi suất và nền kinh tế toàn cầu. Nhưng thị trường chứng khoán đã bỏ lại đằng sau cuộc khủng hoảng ngân hàng, tranh cãi trần nợ và nỗi lo suy thoái tại châu Âu.

Nhưng một số nhà đầu tư và nhà phân tích nhận thấy rằng bản chất của cuộc phục hồi không đẹp đẽ như vẻ ngoài. Độ rộng của thị trường - thước đo thể hiện có bao nhiêu cổ phiếu đang tham gia vào cuộc phục hồi - đã thu hẹp, báo hiệu rắc rối phía trước.

Bà Seema Shah, Giám đốc đầu tư tại Principal Asset Management, chỉ ra: “Nếu chỉ xem xét chỉ số S&P 500 theo góc độ tổng thể, bạn có thể sẽ bị đánh lừa rằng thị trường thực chất đang diễn biến rất tốt, hoạt động rất mạnh mẽ và tăng trưởng lợi nhuận đang ở trong chế độ phục hồi hoàn toàn. Nhưng đây sẽ là đánh giá hoàn toàn sai lầm về những gì đang xảy ra đằng sau vẻ bề ngoài”.

Dữ liệu phản ánh mức trung bình động trong 5 ngày. Số liệu lấy đến hết ngày 6/6. 

Trong vài năm qua, giới đầu tư đã chứng kiến những giai đoạn thị trường chứng khoán Mỹ bị thống trị bởi vài cổ phiếu công nghệ.

Nhưng gần đây, gọng kìm này ngày càng siết chặt. Hiện 8 trong số các công ty công nghệ lớn nhất tại Mỹ - bao gồm Alphabet, Amazon, Apple, Meta, Microsoft, Netflix, Tesla và Nvidia – chiếm tới 30% vốn hóa của chỉ số S&P 500, cao hơn tỷ trọng 22% hồi đầu năm.

Dấu hiệu độ rộng của thị trường đang hẹp lại có thể được quan sát qua việc so sánh chỉ số S&P 500 thực tế với S&P 500 phiên bản trọng số tương đương, trong đó mỗi doanh nghiệp được trao tỷ trọng bằng nhau.

Chỉ số S&P 500 tăng 12% trong năm nay, nhưng phiên bản trọng số tương đương chỉ nhích thêm 1,8%. Đây là cách biệt lớn nhất trong giai đoạn từ đầu năm đến ngày hiện tại, theo phân tích của Dow Jones Market Data dựa trên dữ liệu từ năm 1990 đến hết phiên 6/6/2023.

*Tính từ 1/1 đến hết ngày 6/6 mỗi năm. 

Các chỉ báo khác về độ rộng thị trường cũng đang phát đi tín hiệu đáng ngại. Tuần trước, tỷ lệ các cổ phiếu S&P 500 đóng cửa trên đường MA200 có lúc đã rơi xuống 38%.

Độ rộng thị trường hạn chế thường báo trước giai đoạn thị trường đi xuống. Hai chuyên gia của LPL Financial đã phân tích dữ liệu từ năm 1991 và phát hiện rằng tỷ suất lợi nhuận của chỉ số S&P 500 trong 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng và 1 năm tới có xu hướng âm khi có ít hơn 48% cổ phiếu giao dịch trên đường MA200.

Che giấu nỗi sợ

Gần đây, các chuyên gia đã cảnh báo rằng độ rộng thị trường thu hẹp đang che giấu sự bất an của các nhà đầu tư. Các nhà quản lý đầu tư đã bán tống cổ phiếu của những công ty hoạt động trong các ngành nhạy cảm với lãi suất, khiến giá các cổ phiếu như Etsy, Charles Schwab và Boston Properties lao dốc hơn 20% trong năm nay.

Thay vào đó, nhà đầu tư lại vơ vét những cổ phiếu công nghệ vốn hóa siêu lớn như Alphabet và Nvidia, háo hức trước cơn sốt trí tuệ nhân tạo (AI) và đặt cược rằng bảng cân đối kế toán của những công ty này sẽ duy trì được sức mạnh dẫu nền kinh tế có sa sút. Giá cổ phiếu Nvidia đã tăng hơn hai lần trong năm nay, còn Alphabet thì đi lên 44%.

Các chuyên gia cho biết sức ảnh hưởng lớn của một số ít cổ phiếu có nguy cơ khiến thị trường chứng khoán sụt giảm nhanh chóng nếu ngành công nghệ đột nhiên ngã quỵ hoặc đánh mất sức hấp dẫn. Điều này đã xảy ra vào tháng 9/2020, khi sự đảo chiều đột ngột của cổ phiếu công nghệ khiến chỉ số S&P 500 giảm gần 10% trong ba tuần.

8 cổ phiếu bao gồm Alphabet, Amazon, Apple, Meta, Microsoft, Netflix, Tesla và Nvidia và số liệu lấy đến hết ngày 2/6. 

Dù vậy, chỉ riêng việc độ rộng thị trường thu hẹp không đồng nghĩa với việc cuộc phục hồi của chứng khoán sẽ kết thúc.

Ông Altaf Kassam, Giám đốc bộ phận chiến lược đầu tư và nghiên cứu khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi tại State Street Global Advisors, cho biết: “Trong quá khứ, chúng ta đã từng chứng kiến thị trường phục hồi dẫu độ rộng rất hẹp. Nhưng nỗi lo của nhiều người là một khi cuộc phục hồi có độ rộng hạn chế đảo chiều thì biến động sẽ diễn ra rất dữ dội”.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Giang

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.