Phố Wall đang bi quan về thị trường chứng khoán hơn cả trong khủng hoảng tài chính 2008
Cuộc phục hồi mỏng manh
Tờ Wall Street Journal (WSJ) cho biết kể từ năm 2007, đây là lần đầu tiên Phố Wall bi quan về thị trường chứng khoán đến mức này. Tuy nhiên, quan điểm của các nhà đầu tư về cổ phiếu công nghệ thì hoàn toàn ngược lại.
Các quỹ đầu cơ và nhiều nhà đầu tư khác đã đổ lượng lớn tiền mặt vào ván cược rằng chỉ số S&P 500 sẽ đi xuống, đánh dấu vị thế tiêu cực nhất kể từ năm 2007.
Cùng lúc đó, nhà đầu tư đang chuẩn bị để đón sóng tăng của chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq-100. Trong những tuần gần đây, các khoản đặt cược ròng rằng Nasdaq-100 sẽ đi lên đã tiến gần đến mức cao nhất kể từ cuối năm 2022.
Những dữ liệu trên được đo lường theo tỷ lệ phần trăm của số lượng hợp đồng đang mở trên thị trường tương lai, dựa trên số liệu của Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC) do Bespoke Investment Group tổng hợp.
Theo nhận định của giới chuyên gia, sự khác biệt nêu trên cho thấy cuộc phục hồi của thị trường chứng khoán Mỹ năm nay mong manh như thế nào.
Chỉ số S&P 500 tăng 12% từ đầu năm đến nay, nhưng nếu không nhờ sự đóng góp của 7 đại gia công nghệ thì tỷ suất sinh lời này đã hóa thành âm, theo số liệu của S&P Dow Jones Indices tính đến hết tháng 5. Như vậy, chỉ cần một hoặc hai công ty công nghệ lớn gặp vấn đề thì chỉ số S&P 500 đã có nguy cơ sẽ giảm sâu.
Ông Jake Gordon, nhà phân tích tại Bespoke Investment Group, nhận xét: “Các nhà đầu tư đang thể hiện sự cẩn trọng, bất chấp giá cổ phiếu diễn biến ra sao”.
Theo ông, các vị thế tiêu cực ở quy mô lớn như hiện tại có thể là chỉ báo trái ngược. Khi tâm lý lạc quan hoặc bi quan đi đến mức cực đoan thì sớm hay muộn thị trường cũng có xu hướng di chuyển theo hướng ngược lại.
Vận may đảo ngược
Tính chung trong cả tuần trước, cả ba chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ đều tăng điểm. Các nhà đầu tư hân hoan vì cuộc chiến trần nợ được khép lại và các quan chức Cục Dự trữ Liên bang (Fed) phát tín hiệu nhiều khả năng họ sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp tháng 6.
Trong khi đó, cơn sốt xoay quanh trí tuệ nhân tạo (AI) đã giúp cho cổ phiếu của các nhà sản xuất chip như Nvidia bật tăng mạnh mẽ.
Chỉ số S&P 500 đang đứng trước ngưỡng cửa của thị trường giá lên mới, thường được xác định bằng mức tăng 20% từ đáy gần nhất.
Kết phiên cuối tuần trước, S&P 500 đạt 4.282,37 điểm, nhưng chỉ số này sẽ cần đóng cửa ở mức từ 4.292,438 điểm trở lên để kết thúc thị trường gấu dài nhất kể từ năm 1948. Cả S&P 500 lẫn Nasdaq-100 – với mức tăng 33% từ đầu năm đến nay – đều đang ở gần đỉnh một năm.
Khi thị trường chứng khoán Mỹ đi lên, số lượng cổ phiếu bị bán khống cũng vậy. Giá trị các khoản đặt cược chống lại chỉ số S&P 500 đã đạt 487 tỷ USD, dù vẫn còn thấp hơn mức đỉnh trong tháng 11/2021 là 558 tỷ USD, theo công ty phân tích dữ liệu S3 Partners.
Những người bán khống đi vay cổ phiếu rồi bán chúng ở thời điểm hiện tại, kỳ vọng sau đó sẽ mua lại được cổ phiếu với giá rẻ hơn và bỏ túi phần lợi nhuận chênh lệch. Phe bán khống lãi lớn trong giai đoạn thị trường hỗn loạn năm 2022, nhưng vận may của họ đảo ngược khi các chỉ số chứng khoán chính bắt đầu hồi phục.
Một số cổ phiếu công nghệ lớn nằm trong nhóm bị bán khống mạnh nhất. Tháng trước, phe bán khống đã rót thêm lần lượt 3,6 tỷ USD, 2,5 tỷ USD và 7,3 tỷ USD để đặt cược chống lại Tesla, Nvidia và Meta, theo dữ liệu của S3 Partners. Cả ba cỏ phiếu này đều tăng giá trong tháng 5, khiến những người bán khống lỗ hơn 7 tỷ USD.
Ông Ihor Dusaniwsky, Giám đốc bộ phận phân tích dự đoán tại S3 Partners, nhận xét: “Những người bán khống ba cổ phiếu này đã phải trải qua một tháng tồi tệ”.
Phần lớn mức tăng của chứng khoán Mỹ trong tháng 5 đến từ nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường. Theo dữ liệu từ Bespoke, cổ phiếu của 10 công ty lớn nhất trong chỉ số S&P 500 tăng 8,9%, còn 490 cổ phiếu còn lại giảm 4,3%. Tính tổng thể, chỉ số S&P 500 nhích thêm 0,2% trong tháng 5.
Cổ phiếu công nghệ đang giành lại vị trí dẫn đầu thị trường sau khi xuống dốc vào năm ngoái. Một phần nguyên nhân là sự hào hứng của nhà đầu tư trước công nghệ AI tạo sinh (generative AI).
Cổ phiếu của nhà sản xuất chip Nvidia đã tăng gần gấp ba lần trong năm nay, giúp vốn hóa công ty chạm tới con số 1.000 tỷ USD vào hai tuần trước.
Microsoft nhảy vọt 40% kể từ đầu năm. Microsoft đã tiết lộ khoản đầu tư 10 tỷ USD vào OpenAI, công ty phát triển ứng dụng ChatGPT. Những cổ phiếu công nghệ lớn khác như Meta, công ty mẹ của Facebook, cũng tăng đáng kể.