Tại Mỹ, cổ phiếu ngân hàng đang biến thành cổ phiếu meme
Từ nhàm chán đến sôi động
Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), năm 2023 sẽ được nhớ đến là năm cổ phiếu ngân hàng trở thành cổ phiếu meme. Cổ phiếu những ngân hàng như PacWest đã biến động dữ dội kể từ tháng 3.
Tin dữ như lượng tiền gửi giảm sút đã khiến những cổ phiếu này lao dốc thê thảm. Còn tin tốt – như chính phủ ra dấu hiệu sẽ dang tay giúp đỡ – giúp giá những cổ phiếu này bật tăng chóng mặt.
Biến động mạnh của các cổ phiếu ngân hàng được khuếch đại bởi các lực lượng đã châm ngòi cho đà tăng vũ bão của GameStop và AMC vài năm trước, bao gồm tin đồn trên mạng xã hội, sự chú ý đặc biệt của nhà đầu tư nhỏ lẻ và sự bùng nổ của quyền chọn.
Số lượng cổ phiếu ngân hàng được giao dịch trong tháng 5 đã tiến sát với mức cao nhất trong lịch sử. Cuộc chơi này có sự tham gia của cả các đại gia Phố Wall lẫn nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Trên mạng xã hội, các nhà đầu tư tranh nhau đưa ra dự đoán về ngân hàng tiếp theo sẽ sụp đổ. Những người khác thì vơ vét cổ phiếu ngân hàng, kỳ vọng rằng giá của chúng sẽ sớm tăng vọt. Kết quả là gì? Thị trường chuyển từ trạng thái bình ổn sang hỗn loạn nhanh hơn bao giờ hết.
Trước tháng 3 năm nay, nhà đầu tư nhỏ lẻ không mấy quan tâm đến các ngân hàng khu vực. So với GameStop, AMC hay Tesla, những tổ chức tài chính này quá nhàm chán.
Giá cổ phiếu biến động mạnh có thể gây ảnh hưởng xấu đến doanh nghiệp và cực kỳ nguy hiểm với ngân hàng, bởi niềm tin là điều quan trọng nhất với những tổ chức tài chính này. Giá cổ phiếu lao dốc không tác động trực tiếp đến khả năng đáp ứng các nghĩa vụ tài chính của ngân hàng, nhưng lại có ảnh hưởng gián tiếp thông qua việc khiến người gửi tiền ồ ạt rút tiền ra.
Ông Cem Karsan, nhà sáng lập công ty đầu tư Kai Volatility Advisors, nhận xét: “Giá cổ phiếu giảm có thể kích hoạt tâm lý hoảng loạn”.
Do đó, hậu quả kinh tế khi giá cổ phiếu chao đảo đối với các ngân hàng cũng lớn hơn các doanh nghiệp khác. GameStop bán trò chơi điện tử. Ngân hàng cung cấp khoản vay cho doanh nghiệp và hộ gia đình. Vì lý do đó, một số người trong ngành ngân hàng đã kêu gọi các nhà quản lý ra lệnh cấm bán khống cổ phiếu tài chính.
Ông Karsan là nhà giao dịch dựa trên biến động, tức là ông tìm cách kiếm lời từ sự rung lắc của thị trường chứng khoán. Trong tháng 5, ông đã bắt đầu mua quyền chọn sẽ mang lại lợi nhuận nếu đà tăng sốc giảm sâu của các cổ phiếu ngân hàng khu vực tiếp diễn.
Biến động điên cuồng
Tờ WSJ cho biết các giám đốc ngân hàng Mỹ đang bồn chồn, lo lắng rằng sự sụt giảm của giá cổ phiếu sẽ khiến khách hàng hoảng loạn.
Giá cổ phiếu Western Alliance, một ngân hàng cỡ vừa đang trở thành tâm điểm của sự chú ý, sụt 47% trong một ngày sau khi SVB sụp đổ vào tháng 3. Giám đốc Tài chính Dale Gibbons cho biết sự sụt giảm bất ngờ này đã dẫn đến việc một số khách hàng rút tiền khỏi Western Alliance.
Trong một cuộc phỏng vấn, ông Gibbons cho biết khi tiền gửi bắt đầu suy giảm, Western Alliance đã hạn chế cho vay và bắt đầu gặp gỡ khách hàng để trấn an họ về tình hình tài chính của ngân hàng. Ông nói thêm: “Khách hàng không nên coi giá cổ phiếu là chỉ báo đáng tin cậy về sức khỏe của một tổ chức tài chính”.
Cuộc khủng hoảng ngân hàng bắt đầu lộ ra từ tháng 3 năm nay, nhưng dấu hiệu thì đã xuất hiện từ mùa thu năm ngoái. Sự sụp đổ của sàn giao dịch FTX đã khiến một số nhà đầu tư trở nên cảnh giác trước mối liên hệ của một số ngân hàng với tiền mã hóa, bao gồm Signature Bank.
Lợi suất gia tăng đe dọa giá trị khối trái phiếu mà các ngân hàng nắm giữ. Một số nhà đầu tư và nhà phân tích bắt đầu tìm hiểu kỹ hơn bảng cân đối của các nhà băng.
Một số người cảm thấy chắc chắn rằng thị trường tài chính sẽ gặp phải sự cố khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất.
Đến tháng 3, biến cố xuất hiện. SVB sụp đổ vào ngày 10/3. Hai ngày sau, Signature Bank đóng cửa. Các nhà đầu tư bắt đầu dò tìm những ngân hàng yếu kém khác.
Giá cổ phiếu PacWest, một ngân hàng cỡ trung khác ở California, cắm đầu giảm khi thị trường mở cửa vào ngày 13/3. Sau phiên giao dịch điên cuồng, PacWest giảm 21% xuống còn 9,75 USD/cp. Tuần trước đó, cổ phiếu này còn được giao dịch với giá 27,4 USD/cp.
Trong vài tuần tiếp theo, giá PacWest liên tục nhảy múa, tăng giảm hai chữ số trong vài ngày. Đến tuần đầu tiên của tháng 5, tình hình còn trở nên điên rồ hơn.
Trong hai ngày 1 và 2/5, PacWest lần lượt giảm 10,6% và 27,8%. Ngày tiếp theo, mức giảm chững lại còn gần 2%. Nhưng đến ngày 4/5, PacWest đột ngột lao dốc hơn 50%, xuống mức thấp nhất trong lịch sử là 3,2 USD/cp.
Ngày 5/5, các nhà đầu tư nhỏ lẻ lao vào bắt đáy, mua ròng gần 5 triệu USD cổ phiếu PacWest, theo dữ liệu từ Vanda Research. PacWest bật tăng 82% lên 5,8 USD/cp.
Những người gửi tiền ở PacWest không khỏi lo lắng khi chứng kiến giá cổ phiếu ngân hàng này tăng giảm thất thường. Sau đó, PacWest tiết lộ rằng khách hàng đã rút gần 10% tiền gửi trong tuần đó, chủ yếu là trong hai ngày mùng 4 và 5.
PacWest tiếp tục biến động dữ dội, giá giảm 21% trong tuần tiếp theo. Nhưng đến tuần trước, PacWest lại vọt tăng 26%. Đến phiên đầu tuần này, PacWest thông báo đã đạt được thỏa thuận bán một danh mục các khoản vay xây dựng bất động sản. Giá cổ phiếu nhanh chóng đi lên 20%.
Các nhà đầu tư đã bắt đầu quen với những động thái lớn trên thị trường. Ông R.J. Grant, Giám đốc đầu tư cổ phiếu tại Keefe, Bruyette & Woods, cho biết: “Khi tôi mới bắt đầu theo nghề 20 năm trước, biến động 3-5% mỗi ngày đã đủ để khiến tôi sửng sốt. Nhưng giờ chuyện này đã trở nên rất bình thường, chẳng có gì đáng nói”.