|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

‘Hạ cánh mềm’ nền kinh tế Mỹ: Quả ngọt có thể trong tầm với của Fed

10:25 | 19/06/2023
Chia sẻ
Nhìn từ các dữ kiện trong quá khứ, có lẽ lần này Fed thực sự có cơ hội để kiến tạo một cuộc hạ cánh mềm cho nền kinh tế Mỹ.

Nhìn từ quá khứ

 

Hiện tại, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang triển khai chu kỳ thắt chặt tiền tệ thứ 12 kể từ những năm 1960 để khống chế lạm phát.

Đầu tháng 5 này, Fed đã tăng lãi suất lần thứ 10 liên tiếp trong hơn một năm qua, đưa chi phí đi vay liên ngân hàng lên phạm vi 5 - 5,25%, mức cao nhất kể từ tháng 8/2007.

Động thái trên khiến các nhà đầu tư càng bất an về suy thoái kinh tế, mặc Chủ tịch Fed Jerome Powell và các đồng nghiệp nhiều lần bày tỏ mong muốn đưa nền kinh tế hạ cánh mềm - tức là giảm lạm phát mà không kích hoạt suy thoái.

Hạ cánh mềm nền kinh tế là một kỹ thuật khó. Xét theo định nghĩa thông thường, suốt 60 năm qua, Fed chỉ mới đưa nền kinh tế hạ cánh mềm duy nhất một trong 11 lần thử nghiệm.

Lần thành công duy nhất là vào giữa thập niên 1990. Nền kinh tế Mỹ đã tránh được suy thoái sau khi cựu Chủ tịch Alan Greenspan tăng gấp đôi lãi suất lên mức 6% trong khoảng một năm tính từ tháng 2/1994.

Song, theo nghiên cứu của cựu Phó Chủ tịch Alan Blinder, người từng góp công trong đợt hạ cánh mềm nói trên, Fed có thành tích không tồi cho lắm. Ông cho rằng các tiêu chí để xác định một cuộc hạ cánh mềm hiện nay quá hẹp.

Ông Blinder lập luận, nếu GDP giảm chưa đến 1% hoặc không có cuộc suy thoái nào do Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER) xác định trong ít nhất một năm sau chu kỳ thắt chặt, thì đó là một cuộc hạ cánh “nhẹ nhàng”.

Vì vậy, ông nhận định Fed đã đưa nền kinh tế hạ cánh mềm 5 trong 11 chiến dịch tăng lãi suất kể từ năm 1965, lần lượt vào các giai đoạn 1965 - 1966, 1967 - 1969, 1983 - 1984, 1994 - 1995 và 1999 - 2000. Và cuộc suy thoái năm 1990 - 1991 là do chiến tranh Iraq - Kuwait.

Trong số 5 cuộc hạ cánh cứng, hai cuộc không phải do chính sách tiền tệ: Đại Suy thoái năm 2008 - 2009 là do hệ thống tài chính sụp đổ và cuộc suy thoái năm 2020 là hậu quả của đại dịch COVID-19.

Ba cuộc suy thoái còn lại, diễn ra lần lượt vào các giai đoạn 1973 - 1975, 1980 và 1981 - 1982, có thể được coi là kết quả trực tiếp của lãi suất cao. Đây cũng là ba chu kỳ thắt chặt mạnh tay nhất của Fed cho đến nay.

Tuy nhiên, trong hai trường hợp sau, hạ cánh cứng rõ ràng là lựa chọn chứ không phải sai lầm chính sách. Paul Volcker, người làm Chủ tịch Fed từ  1979 đến 1987, không cố gắng hạ cánh một cách nhẹ nhàng.

 

Ông Volcker nhấn mạnh Fed cần phải loại bỏ lạm phát hai chữ số, ngay cả khi thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ là không nhỏ.

Trong một nghiên cứu năm 2022, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) đã phân tích 70 chu kỳ thắt chặt từ năm 1980 đến năm 2019 trên 19 nền kinh tế phát triển và 6 nền kinh tế mới nổi.

BIS sử dụng định nghĩa mở rộng hơn ông Blinder. Hạ cánh cứng là một cuộc suy thoái, tức hai quý liên tiếp GDP tăng trưởng âm, trong vòng ba năm kể từ khi lãi suất đạt đỉnh. Nếu không, đó là một cuộc hạ cánh mềm.

Trong 70 chu kỳ đó, 41 kết thúc bằng cú hạ cánh cứng và 29 là hạ cánh mềm. BIS nhận thấy, các đợt tăng lãi suất lớn dần theo thời gian thường dẫn đến hạ cánh cứng, trong khi tăng mạnh lãi suất từ đầu thường có thể tạo ra cú hạ cánh mềm.

Nhìn từ các dữ kiện trong quá khứ, có lẽ lần này Fed thực sự có cơ hội để kiến tạo một cuộc hạ cánh mềm cho nền kinh tế Mỹ. 

Lạm phát trên đà hạ nhiệt

Quả thực, 10 đợt tăng lãi suất liên tục của Fed đã bắt đầu phát huy tác dụng. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng chậm lại kể từ khi đạt mức cao 9,1% vào tháng 6/2022.

Theo báo cáo do Bộ Lao động Mỹ công bố, trong tháng 4, CPI tăng 4,9% so với một năm trước, là tốc độ tăng thấp nhất kể từ tháng 4/2021.

Đà giảm của giá nhiên liệu, xe ô tô mới và thực phẩm chế biến tại nhà giúp CPI không tăng mạnh. Chi phí nhà ở, chiếm hơn 30% chỉ số CPI, tăng mạnh nhất so với cùng kỳ (8,1%), nhưng được dự báo sẽ giảm trong thời gian tới.

 

Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCEPI), thước đo lạm phát ưa thích của Fed, cũng đang hạ nhiệt. Báo cáo mới nhất cho thấy, tính đến tháng 3, PCEPI cao hơn cùng kỳ năm ngoái 4,2%, là mức tăng nhỏ nhất kể từ tháng 5/2021.

Đồng thời, kỳ vọng của công chúng Mỹ về lạm phát tương lai cũng đang đi xuống, bổ trợ cho chiến dịch của Fed.

Báo cáo tháng 4 của Fed chi nhánh New York chỉ ra, người tiêu dùng Mỹ dự đoán lạm phát trong một năm tới là 4,4%, giảm từ mức 4,7% trong cuộc khảo sát tháng 3 và 6,78% vào tháng 6/2022.

Lạm phát ba năm tới được kỳ vọng ở mức 2,9%, cao hơn mức 2,8% của tháng 3 nhưng thấp hơn nhiều mức đỉnh hồi tháng 6 năm ngoái là 3,62%. Trong 5 năm kể từ giờ, lạm phát dự kiến vào khoảng 2,6% - gần mức mục tiêu của Fed. 

 

Thị trường lao động vững chãi

Trong khi lạm phát dần hạ nhiệt, thị trường lao động của Mỹ vẫn rất vững mạnh khi tốc độ tăng trưởng việc làm cao và tỷ lệ thất nghiệp dao động gần mức thấp nhất trong 50 năm.

Theo báo cáo tháng 4 của Bộ Lao động, nước Mỹ đã tạo thêm 253.000 việc làm mới, vượt ước tính 180.000 của Phố Wall. Tỷ lệ thất nghiệp tháng 4 là 3,4%, thấp hơn ước tính 3,6% của các nhà phân tích.

Tuy mạnh mẽ, thị trường lao động đã có dấu hiệu sa sút. Số cơ hội việc làm đã giảm mạnh trong những tháng gần đây, từ mức đỉnh hơn 12 triệu một năm trước xuống còn 9,6 triệu trong tháng 3.

Trong quá khứ, khi số vị trí tuyển dụng giảm mạnh, nền kinh tế thường sẽ trải qua tình trạng sa thải lan tràn và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Song, cho đến nay, tình trạng thất nghiệp không diễn biến theo chiều hướng xấu.

 

Số liệu việc làm tăng một phần còn phản ánh việc thị trường lao động đang quay trở lại xu hướng trước đại dịch, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ. Giờ đây, xu hướng tuyển dụng có vẻ đã chậm lại.

Cũng theo báo cáo việc làm tháng 4, thu nhập trung bình hàng giờ của người lao động tăng 4,4% so với cùng kỳ, nhưng đã chững lại so với mức cao 5,9% vào tháng 3/2022.

Sau cuộc họp chính sách tháng 5, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết những dấu hiệu suy yếu gần đây trên thị trường lao động cho thấy NHTW Mỹ vẫn có khả năng hạ cánh mềm nền kinh tế.

“Tôi không hứa hẹn gì, song đối với tôi, dường như chúng tôi có thể tiếp tục làm dịu thị trường lao động mà không khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh như trong các chu kỳ trước”, ông Powell bày tỏ. 

 

 Nền kinh tế chững lại như ý muốn của Fed

Các số liệu vĩ mô cho thấy hoạt động kinh tế đang chậm lại. Tăng trưởng GDP quý I của Mỹ (tốc độ đã chuẩn hoá theo năm) đạt 1,1%, thấp hơn mức 2,6% của quý trước.

Doanh nghiệp đang cố gắng xử lý hàng tồn kho, thay vì đặt đơn hàng mới do dự đoán nhu cầu tiêu dùng sẽ yếu đi.

Báo cáo tháng 3 của Fed cho thấy sản lượng công nghiệp của Mỹ đã lần đầu tiên giảm trong năm nay. Một báo cáo khác của Bộ Thương mại chỉ ra doanh số bán lẻ tháng 3 đã giảm mạnh nhất trong 4 tháng gần đây. 

 

Mặc dù tăng trưởng GDP đã chậm lại trong quý đầu tiên, các yếu tố khác cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn trụ vững, chẳng hạn như bảng cân đối kế toán hộ gia đình và chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ.

Khi lạm phát giảm tốc, tổng thu nhập khả dụng của người dân đã bắt đầu tăng trở lại. Kể từ tháng 6/2022, thước đo này đã tăng trưởng dương 9 tháng liên tiếp. Tổng tiết kiệm của người Mỹ cũng cho thấy xu hướng tương tự.

Tính đến hết quý I, chi tiêu của người tiêu dùng - hiện chiếm khoảng 2/3 GDP - tăng trưởng với tốc độ lành mạnh 3,7%. Đầu tư của doanh nghiệp vào các thiết bị công nghệ cao tăng 11,2% so với cùng kỳ. 

 

 Nhìn chung, trong khi tác động của các đợt tăng lãi suất vừa qua sẽ tiếp tục kéo lạm phát về mức mục tiêu 2% của Fed, thì thị trường lao động mạnh mẽ và các yếu tố vĩ mô khác giúp nền kinh tế trụ vững. Hạ cánh mềm có thể là một kịch bản nằm trong tầm tay của Fed.

(Trích Đặc san Doanh nhân Việt Nam số tháng 6/2023)

Yên Khê