|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Suy thoái đang cận kề nhưng nhà đầu tư Mỹ quá lạc quan, kết cục có thể không tốt?

08:00 | 18/06/2023
Chia sẻ
Các chuyên gia tại Viện Đầu tư Wells Fargo cảnh báo "suy thoái đang cận kề" nhưng nhà đầu tư vẫn lao đầu vào thị trường chứng khoán Mỹ.

Nhà giao dịch trên sàn chứng khoán New York. (Ảnh: Getty Images).

“Suy thoái đang cận kề”

Các nhà đầu tư đang bắt đầu bị “nhờn” trước những cảnh báo lặp đi lặp lại trên Phố Wall về rủi ro suy thoái tại Mỹ.

Sau hơn một năm chứng kiến nhiều dự báo ảm đạm, nền kinh tế Mỹ vẫn trụ vững bất chấp lạm phát cao. Tỷ lệ thất nghiệp hiện vẫn gần mức thấp trước đại dịch và GDP vẫn tiếp tục tăng trưởng.

Thị trường chứng khoán cũng phục hồi sau một năm 2022 nhiều biến động. Từ đầu năm 2023 đến nay, chỉ số S&P 500 đã tăng gần 16%.

Tuy nhiên, ông Darrell Cronk, Giám đốc cấp cao tại Viện Đầu tư Wells Fargo, cho rằng vẫn còn nhiều bằng chứng cho thấy “suy thoái đang cận kề”.

“Phần lớn lĩnh vực sản xuất của nền kinh tế Mỹ đã rơi vào tình trạng suy thoái”, ông Cronk cảnh báo. Theo vị giám đốc, chỉ số sản xuất của Viện Quản lý Cung ứng (ISM) cho thấy ngành này đã thu hẹp 7 tháng liên tiếp vào tháng 5.

Ông lưu ý rằng các chỉ số giúp dự báo triển vọng kinh tế khác cũng đã liên tục đi xuống trong hơn một năm qua và “đang ở mức tương quan với các chu kỳ suy thoái trong quá khứ”.

Chỉ số Kinh tế Sớm (Leading Economic Index, LEI) của tổ chức phi lợi nhuận Conference Board đã giảm 13 tháng liên tiếp cho đến tháng 4.

Thước đo này xem xét nhiều dữ liệu như số giấy phép xây dựng, số giờ làm việc trung bình hàng tuần và số lượng đơn đặt hàng mới của các nhà sản xuất công nghiệp để đánh giá sức khoẻ của nền kinh tế.

Justyna Zabinska-LaMonica, nhà quản lý cấp cao tại Conference Board, cho biết LEI đang phát tín hiệu rằng “triển vọng của nền kinh tế đang xấu đi”.

Chia sẻ với Fortune, ông Cronk thừa nhận rằng cho đến nay, thị trường lao động Mỹ vẫn ổn định và lĩnh vực dịch vụ vẫn còn “khá mạnh” nhưng điều tồi tệ nhất với nền kinh tế vẫn chưa xuất hiện.

Và theo ông Sameer Samana, chiến lược gia về cổ phiếu tại Viện Đầu tư Wells Fargo, nhà đầu tư hiện nay chưa đánh giá đúng triển vọng kinh tế bởi họ đang rất hào hứng với những diễn biến mới về AI và sự hạ nhiệt của lạm phát.

“Thị trường dường như đang giao dịch theo một kịch bản rất lạc quan và chúng tôi lại không nghĩ rằng mọi thứ sẽ kết thúc tốt đẹp như vậy”, ông cho biết.

 

Lạc quan quá đà

Lạm phát hiện vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và Chủ tịch Jerome Powell cho biết ngân hàng trung ương Mỹ có thể sẽ tiếp tục nâng lãi suất trong năm nay. Ngoài ra, lợi nhuận doanh nghiệp đã đi xuống kể từ quý II/2022.

Tuy nhiên, bất chấp những dấu hiệu cảnh báo trên, nhà đầu tư vẫn lao đầu vào thị trường chứng khoán và mua cổ phiếu với giá cao hơn hẳn mức trung bình lịch sử. Ông Samana tin nhà đầu tư có thể mắc sai lầm bởi một cuộc “suy thoái lợi nhuận” đang diễn ra.

Vị chiến lược gia lưu ý rằng doanh thu của các doanh nghiệp đã giảm trong vài quý vừa qua do “một số bộ phận của nền kinh tế đã suy thoái” và đồng thời, việc thị trường lao động vẫn hoạt động bền bỉ khiến nhiều công ty phải tốn thêm chi phí để giữ chân người lao động.

“Chúng tôi nhận thấy biên lợi nhuận doanh nghiệp đang xấu đi... Khi suy thoái tấn công nền kinh tế vào cuối năm nay, tăng trưởng doanh thu chậm lại và chi phí lao động đi lên sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp”, ông cho hay.

Theo Fortune, ông Samana dự đoán chỉ số S&P 500 sẽ giảm khoảng 7% từ mức hiện tại xuống 4.100 điểm.

Song, có một vài lý do khiến nhiều nhà đầu tư ngày càng lạc quan về giá cổ phiếu. Trong bối cảnh lạm phát đã hạ từ mức đỉnh 40 năm là 9,1% vào tháng 6/2022 xuống còn 4% vào tháng 5/2023, người tiêu dùng đang trở nên phấn chấn hơn.

Từ 59,2 điểm vào tháng 5, chỉ số niềm tin người tiêu dùng của Đại học Michigan đã tăng lên mức 63,9 vào tháng 6 - vượt dự đoán của các nhà kinh tế và kéo chỉ số này lên mức cao nhất kể từ tháng 2. Kỳ vọng lạm phát của công chúng trong dài hạn cũng giảm nhẹ, từ 3,1% xuống 3%.

Một số nhà phân tích cũng tin rằng AI là cơ hội trị giá 800 tỷ USD cho các công ty công nghệ trong thập kỷ này. Ông Dan Ives của Wedbush đã nhiều lần nhấn mạnh rằng cơn sốt AI chỉ mới bắt đầu.

Tuần trước, ông Tom Lee, đồng sáng lập Fundstrat Global Advisors, nói rằng nền kinh tế Mỹ đang chuyển sang giai đoạn “mở rộng” chứ không phải suy thoái bởi lạm phát đang thoái lui và Fed sắp kết thúc chu kỳ thắt chặt chính sách.

Yên Khê

Dragon Capital: TTCK đang tăng trưởng lành mạnh thay vì được thúc đẩy bởi các hoạt động đầu cơ
Chuyên gia Dragon Capital cho biết lợi nhuận thị trường từ đầu năm đến nay cho thấy một thị trường mạnh mẽ được dẫn dắt bởi alpha, thể hiện qua việc thị trường nghiêng về xu hướng lựa chọn cổ phiếu dựa trên lợi nhuận doanh nghiệp và triển vọng kinh doanh.