Mối nguy nào có thể đẩy chứng khoán Mỹ về lại thị trường gấu?
Lý do để lạc quan
Chỉ số S&P 500 đã vượt qua mốc 4.300 điểm, cao hơn 20% so với đáy trong thị trường gấu gần nhất. Khởi đầu của thị trường giá lên mới cũng phù hợp với tâm trạng phấn khởi của các nhà đầu tư.
Thứ nhất, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được cho là đã đi tới chặng cuối của chiến dịch tăng lãi suất trong bối cảnh lạm phát và tăng trưởng kinh tế đều đang giảm tốc.
Lãi suất gia tăng đè nặng lên nhu cầu cho hàng hóa và dịch vụ, gây tác động tiêu cực đến lợi nhuận doanh nghiệp. Do vậy, các nhà đầu tư đang kỳ vọng rằng cái kết của chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ mở ra giai đoạn lợi nhuận phục hồi và tăng trưởng kinh tế ổn định vào năm sau.
Tiếp đó, cuộc khủng hoảng ngân hàng bắt đầu từ tháng 3 đã được kiểm soát và Quốc hội cũng đã nâng trần nợ công, tránh viễn cảnh Mỹ vỡ nợ và hủy hoại nền kinh tế toàn cầu.
Nhưng một vài yếu tố tiêu cực vẫn chưa biến mất và chúng đe dọa sẽ đẩy lùi đà tăng của thị trường chứng khoán Mỹ.
Mối nguy cần chú ý
Yếu tố thứ nhất liên quan tới chính sách tiền tệ thắt chặt. Theo báo cáo của công ty nghiên cứu Bear Traps, thanh khoản trên diện rộng – tổng quy mô bảng cân đối kế toán của ba ngân hàng trung ương Mỹ, châu Âu và Nhật Bản và nguồn vốn khả dụng thông qua nghiệp vụ thanh khoản của ngân hàng trung ương Trung Quốc – đã xuống dưới mức 22.000 tỷ USD, thấp hơn gần 3.000 tỷ USD so với đầu năm ngoái.
Chỉ số S&P 500 có xu hướng tăng giảm cùng chiều với thanh khoản. Theo Bear Traps, về mặt lý thuyết thì chỉ số S&P 500 lúc này nên ở ngưỡng 3.400 điểm, tức thấp hơn khoảng 20% so với thực tế.
Thanh khoản giảm đồng nghĩa với việc lượng tiền mặt khả dụng để đầu tư cho cổ phiếu cũng ít đi, ngân hàng có ít tiền hơn để cho vay và người tiêu dùng không còn sẵn tiền để tiêu như trước. Điều này có hại cho lợi nhuận doanh nghiệp.
Do đó, lẽ dĩ nhiên là sự sụt giảm của thanh khoản có thể kéo thị trường chứng khoán đi xuống. Gần đây, một số chuyên gia bi quan nhất trên Phố Wall cũng đã bày tỏ quan ngại liên quan đến vấn đề này.
Ông Mike Wilson, Giám đốc đầu tư của Morgan Stanley, lưu ý rằng chính sách tiền tệ có độ trễ, đồng nghĩa với việc 10 đợt tăng lãi suất mà Fed tung ra từ tháng 3/2022 có thể gây ra tác động tiêu cực ngày càng lớn trong những tháng tới.
Theo ông Wilson, các khảo sát cho thấy đang thắt chặt việc cho vay. Sự chuyển biến này có thể sẽ khiến các doanh nghiệp và người tiêu dùng có ít tiền hơn trước. Khi đó, chi tiêu sẽ bị cắt giảm, khiến Phố Wall hạ dự báo lợi nhuận của các doanh nghiệp S&P 500 khoảng 16% và kéo chỉ số về ngưỡng 3.700 điểm.
Nỗi lo thậm chí còn xuất hiện trên thị trường tín dụng, dù điều này hiếm khi xảy ra trong giai đoạn đầu của thị trường giá lên.
Lợi suất trung bình của trái phiếu hạng BBB kỳ hạn 10 năm hiện đang cao hơn khoảng 1,87 điểm % so với mức lợi suất 3,7% của trái phiếu Kho bạc Mỹ cùng kỳ hạn. Như vậy, chênh lệch lợi suất giữa hai chứng khoán nợ này đã nới rộng thêm 0,27 điểm % trong vòng vài tháng.
Sự gia tăng của mức chênh lệch lợi suất báo hiệu rằng các nhà đầu tư ngày càng nghi ngờ về triển vọng của lợi nhuận và lo ngại các doanh nghiệp sẽ không thể thanh toán nợ.
Những yếu tố trên cho thấy rất có thể thị trường gấu bắt đầu vào đầu năm 2022 vẫn chưa chấm dứt hoàn toàn. Hoặc dù thị trường giá lên hiện tại có vững bền thì nhà đầu tư cũng nên chuẩn bị tinh thần cho một số đợt thoái lui. Điều may mắn là khi thị trường suy yếu, các nhà đầu tư dài hạn sẽ có cơ hội để mua cổ phiếu với giá hời.