|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Lạm phát dai dẳng mở ra cánh cửa tăng trưởng lâu dài cho chứng khoán Nhật Bản

10:28 | 13/06/2023
Chia sẻ
Chứng khoán Nhật Bản đã tăng gần 25% từ đầu năm đến nay trong bối cảnh lạm phát tăng thúc đẩy biên lợi nhuận của doanh nghiệp và chi tiêu của người tiêu dùng. Lạm phát sẽ khuyến khích doanh nghiệp và các hộ gia đình chi tiêu nhiều hơn thay vì chờ đến lúc giá giảm.

Hai cô gái đọc bảng giá chứng khoán Nhật Bản. (Ảnh: EFE). 

Bước ngoặt lớn

Năm ngoái, hãng thực phẩm Yaokin khiến người dân Nhật Bản bị sốc khi tăng giá món ăn vặt vị ngô Umaibo từ 10 yen (khoảng 2.060 VND) lên 12 yen. Lần tăng giá đầu tiên trong 42 năm của Yaokin vấp phải phản ứng dữ dội, và công ty đã phải chi tiền cho quảng cáo để xin lỗi khách hàng.

Nhưng phản ứng của công chúng đã thay đổi 180 độ. Giờ chẳng ai thấy ngạc nhiên khi hàng loạt công ty tăng giá của hàng nghìn mặt hàng tiêu dùng thiết yếu hồi đầu tháng 6, từ mì ăn liền cho đến nước tương.

Các nhà đầu tư nhận định việc người dân ngày càng chấp nhận lạm phát là một trong những yếu tố đã giúp thúc đẩy chứng khoán Nhật Bản lên mức cao nhất trong vòng 33 năm. Ngoài ra, sự ủng hộ của Warren Buffett và các dấu hiệu cho thấy quản trị doanh nghiệp đang cải thiện cũng là những yếu tố quan trọng.

Nhiều chuyên gia đang bắt đầu coi lạm phát – cùng với tác động thúc đẩy biên lợi nhuận doanh nghiệp và tiêu dùng của nó – là lý do vững chắc nhất để tin rằng nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đang thoát khỏi hàng thập kỷ tăng trưởng yếu ớt. 

Ông David Chao, chuyên gia thị trường khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Invesco Asset Management, cho biết: “Chúng ta đã chờ đợi bước ngoặt này từ rất lâu, và đã chứng kiến vài tín hiệu giả. Nhưng tôi nghĩ lần này động lực lạm phát và tăng trưởng thực sự khác biệt và bền vững hơn”.

 

Thay đổi hành vi doanh nghiệp và người tiêu dùng

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 của Nhật Bản tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu tốc độ nhanh nhất trong vòng 41 năm. Ban đầu, đà tăng của lạm phát được thức đẩy bởi khủng hoảng năng lượng toàn cầu thay vì sự cải thiện của nhu cầu.

Tuy nhiên, áp lực giá đang trở nên dai dẳng đến độ các nhà kinh tế dự kiến xu hướng này sẽ tiếp diễn dẫu chi phí nhập khẩu có đi xuống.

Việc ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) tiếp tục thực hiện biện pháp kích thích để củng cố lạm phát trong lúc các cơ quan tiền tệ khác trên thế giới làm ngược lại cũng được cho là yếu tố hỗ trợ chứng khoán Nhật Bản.

Hầu hết các nhà kinh tế dự đoán BoJ sẽ duy trì chính sách tiền tệ siêu dễ dàng trong cuộc họp tuần này. Và có đến 55% các nhà kinh tế tin rằng BoJ sẽ đạt được mục tiêu lạm phát ổn định ở mức 2%, cao hơn hẳn tỷ lệ 40% hai tháng trước đó.

Một số chuyên gia lo ngại rằng thị trường sẽ bị rối loạn khi BoJ công nhận lạm phát đã tăng tốc và ra hiệu sẽ kết thúc chính sách tiền tệ siêu nới lỏng.

Song, nhiều nhà đầu tư nói rằng lợi ích khi lạm phát tăng bền vững vượt xa bất lợi khi chính sách tahy đổi, đặc biệt là bởi nhiều khả năng BoJ sẽ hành động thận trọng.  

Ông Angus McKinnon, nhà quản lý danh mục tại L.T. Funds, cho biết: “Chúng ta có thể sẽ chứng kiến Nhật Bản tăng lãi suất. Tuy điều này có tác động tích cực lẫn tiêu cực, tôi cho rằng cuối cùng, thị trường sẽ nhận được tín hiệu rằng Nhật Bản đang phục hồi sau đại dịch và đã ‘bình thường hóa’ nền kinh tế của mình”.

Các nhà đầu tư hy vọng rằng nhờ lạm phát, doanh nghiệp sẽ có thể tăng giá mà không gặp phải nhiều sự phản đối của khách hàng. Các báo cáo kết quả kinh doanh mà doanh nghiệp Nhật Bản công bố tháng trước cho thấy một số dấu hiệu lạc quan.

Nhà sản xuất thép lớn Nippon Steel báo cáo doanh thu và lợi nhuận kỷ lục sau khi chuyển sự gia tăng của chi phí vật liệu sang phía khách hàng.

Chuỗi nhà hàng Trung Quốc Oisho, nổi tiếng với các món ăn giá rẻ, cũng báo cáo kết quả khả quan bất chấp một loạt đợt tăng giá.

Lạm phát không chỉ giúp cải thiện biên lợi nhuận của doanh nghiệp Nhật Bản mà còn có khả năng tạo ra sự thay đổi trong hành vi người tiêu dùng, vì họ không còn có thể chờ đợi để có mức giá tốt hơn nữa.

Ông Alex Stanić, trưởng bộ phận chứng khoán toàn cầu tại Artemis Investment Management, giải thích: “Giảm phát khuyến khích mọi người trì hoãn chi tiêu và doanh nghiệp đẩy lùi kế hoạch đầu tư. Lạm phát khiêm tốn sẽ xoay chuyển động lực theo hướng ngược lại, và trong trường hợp của Nhật Bản, 4% là mức tương đối khiêm tốn”.

Sau khi tăng gần 25% từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán Nhật Bản được cho là sắp chậm lại. Tuy nhiên, một số nhà đầu tư hy vọng rằng lạm phát sẽ tạo ra cú hích trong lâu dài cho thị trường.

Lập luận của họ là các hộ gia đình sẽ cố gắng ngăn lạm phát bào mòn giá trị của cải bằng cách chuyển các khoản tiền tiết kiệm vào cổ phiếu nội địa. Theo tờ Bloomberg, các hộ gia đình Nhật Bản giữ khoảng một nửa giá trị ròng trong tiền mặt và sổ tiết kiệm.

Ông Hilde Jenssen, trưởng bộ phận phân tích cổ phiếu tại Nordea Asset Management, nhận xét: “Các khoản tiền tiết kiệm lớn cung cấp hỏa lực dồi dào cho các khoản đầu tư cổ phiếu”.

Giang