|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chứng khoán Mỹ đang bước vào thị trường giá lên nhưng giới chuyên gia vẫn bất an vì Fed

08:29 | 12/06/2023
Chia sẻ
Các nhà đầu tư dự đoán Fed có thể sẽ tạm dừng tay tại cuộc họp tháng 6. Dự báo này xuất hiện tại thời điểm một số chiến lược gia cho biết chứng khoán Mỹ đang bước vào thị trường giá lên mới.

Các nhà đầu tư dự đoán tại cuộc họp chính sách tuần này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) rất có thể sẽ tạm dừng chu kỳ tăng lãi suất.

Nhận định trên xuất hiện tại thời điểm mà một số chiến lược gia cho biết chứng khoán Mỹ đang bước vào thị trường giá lên mới, theo CNBC.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đã có ba phiên tăng điểm liên tiếp cho đến cuối tuần trước và Nasdaq Composite đã lần đầu tiên có tuần tích cực thứ 6 liên tiếp kể từ tháng 11/2019.

Hơn nữa, tất cả chỉ số chính đều đóng cửa trên đường trung bình động 50 và 200 ngày trong phiên giao dịch ngày 9/6.

“Thị trường gấu đã chính thức kết thúc”, chiến lược gia Savita Subramanian của Bank of America tuyên bố. Đồng thời, ông còn lưu ý rằng S&P 500 đã tăng khoảng 20% kể từ mức thấp vào tháng 10/2022.

Tuy vậy, một số người vẫn đặt câu hỏi rằng liệu thực sự chứng khoán Mỹ đã bước vào thị trường giá lên hay chưa bởi chỉ có một vài cổ phiếu công nghệ dẫn dắt cuộc phục hồi của thị trường.

Song, có một lý do quan trọng khác khiến các nhà đầu tư không nên quá tự tin. Ngay cả khi Fed quyết định tạm dừng tay, khó có khả năng các quan chức sẽ thay đổi đáng kể lộ trình chính sách hiện tại, cựu Phó Chủ tịch Roger Ferguson cho hay.

 

Tăng lãi suất hay ngừng?

Tháng trước, Fed đã thực hiện đợt tăng lãi suất thứ 10 liên tiếp kể từ tháng 3/2022 nhằm hạ gục lạm phát. Chi phí đi vay liên ngân hàng hiện nằm trong phạm vi 5 - 5,25%, mức cao nhất kể từ tháng 8/2007.

Các động thái của ngân hàng trung ương Mỹ (NHTW Mỹ) không chỉ tác động đáng kể đến thị trường chứng khoán và trái phiếu mà còn ảnh hưởng đến nền kinh tế và người tiêu dùng.

Trong tuyên bố chính sách, Fed đã phát tín hiệu sẽ tạm dừng, khiến thị trường nghĩ NHTW Mỹ sẽ không tăng lãi suất vào tháng 6. Song, ông Ferguson vẫn không thực sự tin tưởng vào kịch bản này.

Chia sẻ với CNBC hồi cuối tuần, ông Ferguson cho biết ngay cả khi Fed tạm dừng tại cuộc họp tuần này, không có nghĩa là họ sẽ không tăng lãi suất trong phần còn lại của năm 2023.

“Thị trường nên chuẩn bị tinh thần cho việc Fed tiếp tục tăng lãi suất ngay cả khi lần này tạm dừng”, vị cựu quan chức nhấn mạnh.

Không phải chỉ mình ông Ferguson có suy nghĩ như vậy. Bà Michelle Girard, nhà kinh tế cấp cao tại NatWest Markets, dự đoán: “Fed sẽ bỏ qua đợt tăng tháng này, nhưng sẽ chuẩn bị hành động trong tháng 7 tới”.

Theo cựu Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta, ông Dennis Lockhart, NHTW Mỹ rất có thể sẽ ngừng tay vào tháng 6. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng lạm phát vẫn là một vấn đề gây khó cho Fed.

“Có một số dấu hiệu cho thấy lạm phát đang hạ nhiệt, nhưng rất chậm rãi. Tôi nghĩ ủy ban chính sách của Fed vẫn phải đương đầu với thách thức, đặc biệt là với mục tiêu lạm phát 2%”, ông Lockhart nói thêm.

 

Tháng 4 vừa qua, lạm phát tại Mỹ đạt 4,9%, thấp hơn một chút so với ước tính của thị trường nhưng vẫn còn cao dai dẳng. Vào ngày 13/6, chính phủ Mỹ sẽ công bố báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5.

Mối lo không dứt về lạm phát là một trong những yếu tố khiến ông Ferguson tin rằng Fed có thể sẽ tăng lãi suất tại cuộc họp tuần này. Theo ông, thị trường lao động tại Mỹ vẫn đang bị thắt chặt.

Tăng trưởng tiền lương đã chững lại và tỷ lệ thất nghiệp đang tăng lên. Tuy nhiên, ông Ferguson nói mỗi người thất nghiệp hiện có khoảng 1,7 - 1,8 việc làm đang chờ, cao hơn bình thường; và tiền lương vẫn tiếp tục tăng trên toàn nền kinh tế.

“Nhìn chung, lạm phát và áp lực lạm phát vẫn còn cao so với mục tiêu 2% mà Fed đang hướng tới. Vì vậy, tôi nghĩ những dữ liệu đã có ở đây đang cho chúng ta biết rằng Fed sẽ còn tăng lãi suất nhiều lần nữa”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

 

Suy thoái hay hạ cánh mềm?

Mặt khác, một số nhà kinh tế cho rằng các dữ liệu mới nhất từ thị trường lao động cho thấy Chủ tịch Fed Jerome Powell và các đồng nghiệp có thể giúp nền kinh tế Mỹ hạ cánh mềm.

Sau báo cáo việc làm tháng 5, ông Rucha Vankudre, nhà kinh tế cấp cao tại công ty tư vấn lao động Lightcast, cho hay: “Chẳng có gì ở đây khiến tôi nghĩ chúng ta không thể hạ cánh mềm”.

“Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu Fed quyết định giữ nguyên lãi suất. Tất cả chỉ số đều cho thấy nền kinh tế đang đi đúng hướng”, ông nói thêm.

Ông Nick Bunker, Giám đốc nghiên cứu tại Indeed Hiring Labs, nói tất cả các điểm dữ liệu gần đây đều phù hợp với giả thuyết hạ cánh mềm.

“Bức tranh bao quát ở đây là thị trường lao động đang hạ nhiệt một cách bền vững. Các nút thắt đang được tháo dỡ và không có nhiều dấu hiệu cảnh báo đỏ”, ông nêu rõ.

 

Song, Phố Wall có một câu nói xưa cũ, rằng thị trường việc làm luôn là nơi sau cùng biết suy thoái kinh tế đang đến.

Goldman Sachs gần đây đã hạ xác suất Mỹ rơi vào suy thoái, nhưng CEO David Solomon không chắc các quyết định của Fed sẽ định hình triển vọng kinh tế trong tương lai như thế nào.

Tại một sự kiện gần đây, ông Solomon nói “một số chuyển biến mang tính cơ cấu” liên quan đến lạm phát đang diễn ra, khiến Fed khó mà “dễ dàng” đưa lạm phát về mức 2%.

Ngay cả khi Fed tạm dừng chu kỳ tăng lãi suất, dựa trên tình hình của nền kinh tế Mỹ hiện nay, ông Solomon cũng không dự đoán NHTW Mỹ sẽ hạ lãi suất vào cuối năm, dù nhà đầu tư đang mong chờ kịch bản này.

Cựu Phó Chủ tịch Fed Ferguson lo ngại rằng lạm phát cao dai dẳng có thể buộc Fed phải tăng lãi suất đến mức có thể đẩy Mỹ vào suy thoái.  “Tôi vẫn cho rằng suy thoái là một khả năng thực sự”, ông bày tỏ.

Khả Nhân