Phong độ các thị trường chứng khoán thế giới 2023
Chứng khoán toàn cầu đa số giảm điểm vào ngày giao dịch cuối cùng năm 2023 hôm 29/12. Tuy nhiên, hầu hết đã có hiệu suất cả năm (mức tăng về điểm số theo %) ấn tượng nhờ tăng mạnh hai tháng gần đây, khi giới đầu tư kỳ vọng về việc các ngân hàng trung ương sẽ hạ lãi suất.
Tại Mỹ, phiên giao dịch cuối giảm 0,3% nhưng S&P 500 đã kết thúc năm 2023 ở mức gần kỷ lục tính từ tháng 1/2022, tăng 24,2%. Nhóm 'Magnificent 7', gồm Apple, Microsoft, Alphabet, Amazon, Nvidia, Meta Platforms và Tesla - chiếm khoảng hai phần ba mức tăng của S&P 500 trong năm nay.
"Đây là một bước tăng trưởng khá phi thường trong khoảng 8 tuần qua với S&P 500, vì vậy tôi không ngạc nhiên khi thấy tốc độ điều chỉnh hơn một chút trong vài ngày qua", chiến lược gia đầu tư Mona Mahajan của Edward Jones bình luận trên CNBC.
Dow Jones cũng tăng hơn 13%, với sự dẫn dắt của cổ phiếu gã khổng lồ chip đồ họa Nvidia với mức tăng 240%. Vào 2022, S&P 500 và Dow Jones tăng lần lượt 19% và 8,8%. Ngoài ra, Nasdaq cũng có năm mỹ mãn với hiệu suất tăng 43%.
Chứng khoán châu Âu kết thúc 2023 tăng nhẹ, ghi dấu hiệu suất hàng năm tốt nhất kể từ năm 2021. Cụ thể, chỉ số đại diện khu vực Stoxx 600 tăng 12,74%, đảo ngược mức giảm 12,9% của 2022.
Stoxx 600 đã phục hồi từ mức thấp trong tháng 3, khi thị trường toàn cầu rung chuyển trước sự sụp đổ nhanh chóng của Credit Suisse (Thụy Sĩ) và ngân hàng cỡ trung Silicon Valley Bank (Mỹ).
Tại khu vực này, DAX của Đức tăng 20% năm nay, bất chấp bức tranh kinh tế ảm đạm. CAC 40 của Pháp và FTSE 100 của Anh tăng lần lượt 16,52% và 3,78%. Tuy nhiên, phong độ nhất là chứng khoán Italy với chỉ số FTSE MIB tăng 28,03%. Tổng cộng vốn hóa thị trường chứng khoán nước này chiếm 39,4% nền kinh tế.
Ở châu Á, thị trường năm nay tăng giảm đan xen. Sau sụt giảm vào năm 2022, Nikkei 225 đã tăng trên 30%, tốc độ nhanh nhất một thập kỷ, khép năm 2023 ở mức 33.464,17 điểm - cao nhất kể từ năm 1989. Đà tăng hỗ trợ bởi các công ty xuất khẩu có lợi nhuận cao hơn do yen mất giá so với USD.
"Các công ty Nhật Bản đã rất thành công trong việc cải thiện tỷ suất lợi nhuận thông qua việc chuyển đổi chi phí và sắp xếp lại danh mục đầu tư, như cắt giảm các bộ phận không tăng trưởng trong hoạt động kinh doanh để hấp dẫn nhà đầu tư hơn", Maki Sawada, chiến lược gia Nomura Securities nói.
Giảm 0,4% trong phiên cuối năm nhưng S&P/ASX 200 của Australia năm nay tăng 6,2% trong năm. Hiệu suất ấn tượng hơn là Sensex của Ấn Độ khi tăng hơn 18% năm nay.
Trong khi đó, chỉ số Hang Seng của Hong Kong đã giảm 13,8% trong năm nay, chuỗi giảm điểm đầu tiên trong 4 năm kể từ 1969. Tại Thượng Hải, có sắc xanh các phiên cuối năm nhưng Shanghai Composite Index giảm 3,7% năm nay. CSI 300, chỉ số chung của hai sàn Thượng Hải và Thâm Quyến giảm 11,4%.
Hầu hết thị trường chứng khoán ở Đông Nam Á – trừ Việt Nam và Indonesia – đều bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng Trung Quốc. Chỉ số SET của Thái Lan giảm 15,2% do nước này phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế và khách du lịch Trung Quốc, trở thành quốc gia có thành tích tệ nhất trong số các thị trường lớn ở châu Á.
Dự báo diễn biến thị trường 2024, các chiến lược gia thị trường hiệu suất mạnh mẽ trên các sàn Mỹ dự báo được duy trì sang năm sau nếu xét theo kinh nghiệm lịch sử. Cụ thể, dữ liệu từ năm 1950 của LPL Research cho biết những năm sau khi S&P 500 tăng từ 20% trở lên sẽ vẫn tăng trung bình 10%. Adam Turnquist, Trưởng phân tích kỹ thuật tại LPL Financial gọi là "động lực sinh ra động lực".
"Những gì chúng ta tiếp tục quan tâm là lợi nhuận vững chắc cho năm tới. Có thể sẽ gặp một chút khó khăn ngắn hạn nhưng chắc chắn sẽ có lợi ích lâu dài", Adam Turnquist bình luận.
Với Nhật Bản, tổng lợi nhuận ròng của các công ty hàng đầu niêm yết tại Tokyo dự kiến tăng 12% trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2024 theo Nikkei, mức hàng năm cao thứ hai lịch sử.
Ben Powell, chiến lược gia đầu tư châu Á - Thái Bình Dương của BlackRock (Mỹ) đánh giá cuộc cải cách doanh nghiệp Nhật Bản đã bắt đầu thúc đẩy hiệu suất thị trường. "Và chúng tôi nghĩ điều đó sẽ tiếp tục", ông nói.
Công ty quản lý tài sản này cũng có quan điểm tích cực về Ấn Độ. Quốc gia Nam Á này đã trở thành nơi các nhà đầu tư đổ tiền vì thị trường chứng khoán Trung Quốc đã gặp khó khăn trong 12 đến 18 tháng qua.
Sức hấp dẫn của Ấn Độ không chỉ là sự thay thế cho Trung Quốc. Thomas Taw, bộ phận chiến lược đầu tư ETF châu Á-Thái Bình Dương của BlackRock cho rằng với các nhà đầu tư đang tìm kiếm tăng trưởng dài hạn tại châu Á thì rót tiền vào Ấn Độ lúc này là hợp lý.
Ở phạm vi chung toàn cầu, Samy Chaar, Kinh tế trưởng tại Lombard Odier, cho biết đang có nhiều tín hiệu thuận lợi cho năm 2024. "Đà tích cực trên thị trường rõ ràng liên quan đến khả năng giảm lãi suất, vì vậy câu hỏi bây giờ là, xu hướng này có thể kéo dài được bao lâu?", Samy Chaar nói.