Xuất khẩu sầu riêng tăng tốc nhưng giá lao dốc
Xuất khẩu sầu riêng tăng tốc
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm đạt gần 1,9 tỷ USD, tăng 37,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sầu riêng đóng góp tới 25% tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành với kim ngạch đạt hơn 470 triệu USD, tăng 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Tính riêng trong tháng 4, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đạt 217,5 triệu USD, tăng 2,7 lần so với tháng trước và tăng tới 5,9 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Về thị trường tiêu thụ, Việt Nam đã xuất khẩu sầu riêng sang 17 thị trường trên thế giới trong 4 tháng đầu năm. Đứng đầu là Trung Quốc với kim ngạch đạt 432,2 triệu USD, tăng 2,7 lần cùng kỳ năm ngoái và chiếm đến 92% tổng xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam.
Tiếp đến là Thái Lan đạt 22,5 triệu USD, tăng 81,7% so với cùng kỳ và chiếm 4,8% thị phần.
Ngoài hai thị trường kế trên, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sang Hong Kong tăng 0,5%; Papua New Guinea tăng 18,6%; Nhật Bản tăng 77,2%; Hàn Quốc tăng 70,3%; đặc biệt, Hà Lan tăng tới 359,1%...
Ngược lại, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sang Đài Loan giảm 17,3%; Mỹ giảm 53,3%; Canada giảm 12,4% ...
Nhưng giá có xu hướng giảm
Xuất khẩu sầu riêng tăng mạnh trong tháng vừa qua nhưng giá lại đang có chiều hướng giảm.
Theo đó, giá xuất khẩu bình quân sầu riêng của Việt Nam trong tháng 4 đã giảm trong tháng thứ hai liên tiếp so với tháng trước, với mức giảm 11,3% xuống còn 3.972 USD/tấn.
Tại thị trường trong nước, tính đến ngày 28/5 giá sầu riêng giảm 35 – 45% so với mức đỉnh đạt được vào cuối tháng 3. Hiện giá sầu riêng Ri6 hàng đẹp đứng ở mức cao nhất là 88.000 đồng/kg, còn giá sầu riêng Thái tại khu vực miền Tây Nam bộ đứng mức cao nhất là 115.000 đồng/kg.
Nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm này được nhận định là do nguồn cung tăng mạnh sau khi Việt Nam và Thái Lan cùng bước vào vụ thu hoạch.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau Quả Việt Nam, cho biết kể từ tháng 4 trở đi, sản lượng sầu riêng của Thái Lan ở mức cao, khoảng 500.000 tấn đang đổ về Trung Quốc, do đó giá giảm mạnh.
Giá sầu riêng lao dốc trong thời gian gần đây, kèm theo tốc độ tăng trưởng diện tích và sản lượng quá nhanh chóng khiến nhiều người bắt đầu lo ngại về viễn cảnh dư cung. Đồng thời việc phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc cũng hàm chứa những rủi ro.
Về vấn đề này, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau Quả Việt Nam cho rằng không quá lo ngại về nhu cầu do dung lượng tiêu thụ sầu riêng của Trung Quốc rất lớn bởi vì ngay cả khi Đông Nam Á tăng gấp đôi sản lượng thì Trung Quốc vẫn có thể tiêu thụ hết.
"Người Trung Quốc rất “mê” sầu riêng và họ vẫn tiêu thụ đều đều nên việc giá giảm sâu hơn nữa là điều khó lòng xảy ra. Trong khi đó, sầu riêng Việt Nam lại có quanh năm, không bị dồn cục”, ông nói.
Ngoài ra, sầu riêng của Việt Nam cũng đang được tiêu thụ khá tốt tại thị trường Trung Quốc.
Số liệu 4 tháng đầu năm của Cơ quan Hải quan Trung Quốc cho thấy, nước này đã nhập khẩu 202.479 tấn sầu riêng với trị giá hơn 1 tỷ USD, giảm 55,2% về lượng và 48,9% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Chủ yếu là do lượng sầu riêng nhập khẩu từ Thái Lan giảm mạnh 55,2% xuống còn 121.399 tấn. Với kết quả này, Thái Lan vẫn là nguồn cung sầu riêng lớn nhất vào Trung Quốc nhưng thị phần đã giảm xuống còn 60% so với mức 65% của năm 2023.
Theo South China Morning Post (SCMP), đợt nắng nóng đặc biệt gay gắt ở Thái Lan hồi tháng 4 và những ngày đầu tháng 5 vừa qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng quả sầu riêng cũng như sản lượng, khiến phần lớn không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào Trung Quốc.
Ngược lại, lượng sầu riêng Trung Quốc nhập khẩu từ Việt Nam đã tăng 91,4% lên 79.302 tấn. Thị phần sầu riêng của Việt Nam tại Trung Quốc đã tăng lên mức 39,2% so với 34,6% của năm trước.
Bất chấp nắng nóng, sầu riêng Việt Nam được cho là đang “nhỉnh hơn” Thái Lan do chi phí sản xuất và vận chuyển thấp hơn. Giá sầu riêng xuất khẩu bình quân của Việt Nam vào Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm đạt 4.663 USD/tấn, thấp hơn so với mức 5.904 USD/tấn của Thái Lan.
Tuy nhiên, theo ông Đặng Phúc Nguyên điều quan ngại nhất chính là viễn cảnh Trung Quốc trồng thành công cây sầu riêng với số lượng lớn. Nếu điều này xảy ra, không chỉ Việt Nam mà còn các nước trồng sầu riêng khác, trong đó có cả Thái Lan phải lo lắng.
Hiện tại, sầu riêng của cả Việt Nam và Thái Lan đều phụ thuộc trên 90% vào thị trường tỷ dân này.
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, diện tích sầu riêng của cả nước khoảng 150.000 ha vào năm 2023. Khoảng 50% trong số này đã cho thu hoạch với sản lượng 1,2 triệu tấn. Cây sầu riêng tập trung nhiều nhất ở khu vực Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ và một số ít ở các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ.