|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Sầu riêng Việt Nam liệu có cửa lấy lại ngôi vương tại Trung Quốc?

07:30 | 25/05/2024
Chia sẻ
Mặc dù chỉ duy trì được vị trí số 1 thị phần sầu riêng tại Trung Quốc chỉ trong vòng 3 tháng, Việt Nam được đánh giá vẫn có tiềm năng cạnh tranh với hàng Thái Lan tại thị trường tiềm năng này.

Việt Nam mất vị trí ngôi vương thị phần sầu riêng tại Trung Quốc

Theo số liệu Hải quan Trung Quốc, lượng nhập khẩu sầu riêng từ Thái Lan trong tháng 4 tăng đột biến đạt 94.000 tấn, gấp nhiều lần so với con số 7.600 tấn trong tháng 3. Trong khi đó, lượng nhập khẩu từ Việt Nam bằng 1/3 so với Thái Lan, ở mức hơn 34.000 tấn.

Tính chung 4 tháng đầu năm, Trung Quốc nhập khẩu hơn 121.000 tấn sầu riêng từ Thái Lan và 79.000 tấn từ Việt Nam. Với kết quả này, Thái Lan đã dành lại được “ngôi vương” thị phần tại Trung Quốc từ tay Việt Nam, chiếm 60%.

 Nguồn: Hải quan Trung Quốc (H.Mĩ tổng hợp)

Trước đó, trong quý I, Việt Nam duy trì vị trí 1 về nguồn cung cấp sầu riêng cho Trung Quốc, với thị phần 61%. Tuy nhiên, bước sang tháng 4, thị phần chỉ còn 39%.

  Nguồn: Hải quan Trung Quốc (H.Mĩ tổng hợp)

Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau Quả Việt Nam, cho biết kể từ tháng 4, Thái Lan đi vào chính vụ, do đó sản lượng tăng trở lại. Ước tính khoảng 500.000 tấn chuẩn bị đổ vào Trung Quốc. Những tháng trước đó không phải là vụ thu hoạch của Thái Lan nên nguồn cung hạn chế. 

Trong khi đó Việt Nam với đặc thù cây sầu riêng rải rác ở nhiều tỉnh và có hàng quanh năm (bao gồm cả trái vụ và chính vụ) do đó, trong quý I, Việt Nam có lợi thế hơn so với Thái Lan. 

Tuy nhiên, dưới áp lực nguồn cung dồi dào mà giá sầu riêng nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc trong tháng 4 giảm xuống. Trong đó, giá nhập từ Việt Nam có mức giảm mạnh nhất.

Theo đó, giá sầu riêng nhập khẩu từ Việt Nam và Thái Lan lần lượt 4.216 USD/tấn và 5.808 USD/tấn giảm 19% và 10% so tháng 3. 

 Nguồn: Hải quan Trung Quốc (H.Mĩ tổng hợp)

Giá sầu riêng thu mua ở trong nước cũng trải qua một đợt giảm sâu vào giữa tháng 5. Giá sầu riêng Ri6 dao động trong khoảng 50.000 - 68.000 đồng/kg, giảm khoảng một nửa so với hồi đầu năm.

Tuy nhiên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau Quả Việt Nam cho rằng không quá lo ngại về vấn đề nhu cầu do dung lượng tiêu thụ sầu riêng của Trung Quốc rất lớn bởi vì ngay cả khi Đông Nam Á tăng gấp đôi sản lượng thì Trung Quốc vẫn có thể tiêu thụ hết.

"Người Trung Quốc rất “mê” sầu riêng và họ vẫn tiêu thụ đều đều nên việc giá giảm sâu hơn nữa là điều khó lòng xảy ra. Trong khi đó, sầu riêng Việt Nam lại có quanh năm, không bị dồn cục”, ông nói.

...Cơ hội cho vị vua trở lại

Mặc dù kém hơn so với Thái Lan trong tháng 4 nhưng khi so sánh luỹ kế 4 tháng đầu năm, lượng nhập khẩu sầu riêng Việt Nam của Trung Quốc vẫn tăng trưởng gấp đôi cùng kỳ năm trước trong khi từ Thái Lan lại giảm một nửa.

Nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm 2024 từ các thị trường (Nguồn: Hải quan Trung Quốc, H.Mĩ tổng hợp)

Điều này một phần nhờ các diện tích trồng sầu riêng mới của Việt Nam bắt đầu cho thu hoạch trong khi đó sản lượng sầu riêng của Thái Lan ảnh hưởng nặng nề bởi thời tiết nắng nóng. 

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, diện tích sầu riêng của cả nước khoảng 150.000 ha vào năm 2023. Khoảng 50% trong số này đã cho thu hoạch với sản lượng 1,2 triệu tấn. Cây sầu riêng tập trung nhiều nhất ở khu vực Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ và một số ít ở các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ.

Tại Thái Lan, theo ghi nhận từ AFP, những đợt nắng nóng kéo dài khiến sản lượng sầu riêng tại quốc gia này giảm trong khi chi phí tăng vọt. Một số người dân lo ngại nếu tình hình thời tiết tiếp tục nắng nóng trong thời gian tới, họ không thể trồng được sầu riêng. Bên cạnh đó, chất lượng sầu riêng cũng không đạt tiêu chuẩn. 

Trang Asia News Network trích dẫn báo cáo của Phó Giáo sư Tiến sĩ Aat Pisanwanich, chuyên gia về kinh tế quốc tế và cố vấn của Công ty TNHH Tư vấn Nghiên cứu Thông minh, cho thấy việc thiếu mưa sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu sầu riêng của Thái Lan.

Ông cho rằng  giá trị xuất khẩu sầu riêng của Thái Lan trong 5 năm tới có thể bị ảnh hưởng do hạn hán khiến sản lượng sụt giảm và sự cạnh tranh mạnh mẽ từ Việt Nam, nơi chi phí sản xuất chỉ bằng một nửa so với Thái Lan. Ông cho biết sản lượng sầu riêng ở Việt Nam đã tăng 200% trong 10 năm qua.

Theo ông nếu chính phủ không hành động để đối phó với hạn hán, sản lượng sầu riêng Thái Lan sẽ giảm 53% trong 5 năm tới xuống chỉ còn khoảng 640.000 tấn. Chỉ riêng đợt hạn hán năm nay sẽ khiến sản lượng sầu riêng giảm 42%, tương đương khoảng 540.000 tấn.

Tuy nhiên, việc diện tích tăng nhanh chóng cũng khiến các cơ quan quản lý Việt Nam quan ngại. 

Khi giá sầu riêng thời gian gần đây lao dốc, kèm theo tốc độ tăng trưởng diện tích và sản lượng quá nhanh chóng khiến nhiều người bắt đầu lo ngại về viễn cảnh dư cung. Đồng thời việc phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc cũng hàm chứa những rủi ro. 

Tại hội nghị về phát triển sầu riêng bền vững diễn ra cuối tuần trước, ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt nhận định với tốc độ tăng trưởng sản lượng bình quân 15%/năm, khi toàn bộ diện tích sầu riêng đi vào thu hoạch sản lượng sẽ rất lớn. Do đó, chủ trương của Cục Trồng trọt là không mở rộng diện tích, đặc biệt tại những vùng thổ nhưỡng không phù hợp.

Vị này cho hay thế mạnh của sầu riêng Việt Nam là có mùa vụ sản xuất kéo dài quanh năm, sản phẩm đã bước đầu thâm nhập mạnh mẽ vào thị trường Trung Quốc và đang đàm phán xuất khẩu sang các thị trường khác. Ngoài ra, sản phẩm chế biến từ sầu riêng có nhiều dư địa phát triển. Chi phí sản xuất sầu riêng không quá cao.

Tuy nhiên, cây sầu riêng cũng đối mặt với không ít thách thức vì thị trường tiêu thụ hẹp, chủ yếu vẫn là từ thị trường Trung Quốc. Trong khi đó, sầu riêng Việt Nam phát triển muộn hơn và phải cạnh tranh trực tiếp từ Thái Lan, Malaysia và một số quốc gia lân cận khác.

Mặt khác, khả năng đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, mức độ tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật và dư lượng hóa chất của sầu riêng Việt Nam còn nhiều hạn chế.

“Công tác tổ chức chuỗi ngành còn hàng rời rạc, thiếu chuyên nghiệp. Do đó, việc tăng trưởng nóng về diện tích trong thời gian ngắn đang tạo ra nhiều rủi ro trong kiểm soát chất lượng, mất cân đối cung-cầu”, ông Mạnh nhận định. 

Còn dưới góc độ đại diện cho các doanh nghiệp xuất khẩu Tổng Thư ký Hiệp hội Rau Quả Việt Nam cho rằng điều quan ngại nhất chính là viễn cảnh Trung Quốc trồng thành công cây sầu riêng với số lượng lớn. Nếu viễn cảnh này xảy ra, không chỉ Việt Nam mà còn các nước trồng sầu riêng khác, trong đó có cả Thái Lan phải lo lắng.

Hiện tại, sầu riêng của cả Việt Nam và Thái Lan đều phụ thuộc trên 90% vào thị trường tỷ dân này. 

H.Mĩ