Ngành mía đường trong cơn bĩ cực: Quá nửa lạc hậu
Bình Định kêu gọi nhà máy đường An Khê mua mía 'cứu' nông dân | |
Trồng mía lỗ nặng, nông dân ĐBSCL ồ ạt phá bỏ để chuyển hướng sản xuất |
Nhưng việc tiêu thụ vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn dù giá bán ngang bằng đường nhập lậu, thậm chí nhiều nhà máy đã chấp nhận bán dưới giá thành...
Ngành mía đường Việt Nam đang có quá nhiều hạn chế buộc phải tái cơ cấu lại toàn bộ |
Việt Nam hiện có 41 NM đường với công suất thiết kế 150.000 tấn mía/ngày, sản lượng 1,2 - 1,5 triệu tấn đường/năm. Trong tổng số 41 NM, chiếm trên 50% có công suất dưới 3.000 tấn mía/ngày. Những NM lạc hậu, cũ kỹ này đang là nỗi lo lớn của ngành đường khi mở cửa hội nhập.
Đã tới đường cùng
Theo số liệu tính toán của các chuyên gia mía đường thế giới, để một NM ép đường hoạt động hiệu quả công suất phải tối thiểu từ 6.000 tấn mía/ngày, trong khi công suất bình quân các NM đường của Việt Nam trung bình 3.700 tấn mía/ngày.
Những năm trước, các NM đường công suất nhỏ tại Việt Nam vẫn “cò cưa” duy trì được hoạt động nhờ giá đường thế giới vẫn duy trì ổn định ở mức khá. Đặc biệt, chính sách bảo hộ thuế với mặt hàng đường trong WTO (40 - 45% trong hạn ngạch và 80 - 85% ngoài hạn ngạch) cao nên NM mía đường lạc hậu vẫn còn khoảng trống để “cựa quậy”.
Nhưng theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) Việt Nam đã ký kết với các nước trong khu vực, bắt đầu từ ngày 1/1/2018, hàng rào thuế quan mặt hàng đường nhập khẩu vào nước ta trong khối ASEAN sẽ được điều chỉnh về mức 5% trong hạn ngạch và 40 - 45% ngoài hạn ngạch. Dù chính sách thuế theo ATIGA vẫn đang trong thời gian chờ Chính phủ và các bộ, ngành có hướng dẫn cụ thể, nhưng mấy năm gần đây đường lậu Thái Lan tràn vào cũng đủ khiến doanh nghiệp mía đường trong nước lao đao.
Bình thường, ở thời điểm hiện tại các mối hàng lớn của doanh nghiệp mía đường đã ký kết sản lượng cho cả năm, nhưng nay đa phần các Cty bánh kẹo, thực phẩm, nước giải khát vẫn nghe ngóng hiệp định ATIGA nên ký nhỏ giọt. Chính vì lí do trên nên có NM đường niên vụ 2017 - 2018 chưa bán được tấn nào dù hạ giá liên tục từ mức 14.000 - 15.000 đồng/kg nay chỉ còn xung quanh 11.000 - 12.000 đồng/kg, tức bằng hoặc dưới giá thành.
Nhưng đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất không ai khác chính là người trồng mía. Việc các NM giãn tiến độ thu mua, thậm chí có đơn vị bất đắc dĩ phải lấy lí do bảo trì kỹ thuật để dừng ép mía do hàng tồn kho chưa bán được trong khi không có tiền để trả nông dân khiến mía trổ cở, chết khô trên đồng. “Nội công, ngoại kích” ngành mía đường Việt Nam đang vấp phải thách thức lớn chưa từng có.
Đã lạc hậu lại chủ quan
Như chúng tôi đã phân tích ở trên, có tới 22 NM trong tổng só 41 NM đường tại Việt Nam có công suất không đảm bảo để sản xuất hiệu quả khi chỉ đạt dưới 3.000 tấn mía/ngày. Trong khi mọi công đoạn khác từ giống, quy trình canh tác, thu hoạch, chế biến của ta đều thua kém các nước, khiến giá thành sản xuất ra 1kg đường ở ta thuộc diện cao nhất thế giới, lên tới 12.000 - 14.000 đồng/kg.
Để rơi vào hoàn cảnh bi đát này, ngành mía đường trước hết nên tự trách chính mình. Bởi hiệp định ATIGA được Việt Nam ký từ năm 2009 - 2010, từ đó đến nay chỉ có số ít doanh nghiệp như Thành Thành Công, Đường Quảng Ngãi, Lam Sơn, Sơn La… là quyết liệt tái cơ cấu, còn lại đa phần vẫn ì ạch, chậm chạp. Chính sự chủ quan này không chỉ khiến các doanh nghiệp khổ mà còn kéo nông dân trồng mía khổ theo.
Các chuyên gia trong ngành mổ xẻ, điểm yếu đầu tiên của ngành mía đường là khâu giống. Mặc dù là thời đại công nghệ 4.0 nhưng đa phần các vùng trồng mía vẫn tự nhân giống cho vụ sau bằng công nghệ… để lại hom ngọn.
Thu hoạch mía vẫn chủ yếu dùng cách thủ công |
Được biết, VSSA đang xây dựng đề án giống mía 3 cấp gửi Bộ NN-PTNT với tham vọng đến năm 2020 phấn đấu năng suất mía bình quân cả nước đạt 70 tấn/ha và chữ đường trên 10CCS. Tuy nhiên, đó là câu chuyện của tương lai, còn trước mắt năng suất mía trung bình của Việt Nam chỉ từ 55 - 65 tấn/ha, tức bằng 50% năng suất mía của Thái Lan và Brazil.
Khâu giống lạc hậu khiến năng suất mía của Việt Nam thuộc diện thấp trên thế giới. Vậy mà khâu thu hoạch vẫn thủ công khiến giá thành lại càng cao. Không những vậy, việc xây dựng kế hoạch thu mua, chế biến giữa các NM và người trồng mía chưa bài bản. Cũng theo thống kê của VSSA, tỉ lệ thất thoát sau thu hoạch của ngành mía đường Việt Nam thuộc tốp cao trên thế giới, trong khi giá mía nguyên liệu chiếm tới 70 - 80% trong cơ cấu giá thành của đường.
Khâu giống lạc hậu, khâu thu hoạch thủ công, ngay cả khâu chế biến cũng đang đơn điệu một mình một kiểu so với thế giới. Qua tìm hiểu chúng tôi nhận thấy, những cường quốc mía đường như: Brazil, Thái Lan, Mỹ… đường chỉ là một sản phẩm trong bộ các sản phẩm mía đường gồm: cồn etanol, bánh kẹo, nước giải khát, phân bón, điện sinh khối… thì đa phần các NM đường Việt Nam chỉ trông vào mỗi lợi nhuận từ sản phẩm đường.
Không những chỉ độc tôn sản phẩm đường mà những NM của Việt Nam đang chủ yếu sản xuất đường phân khúc thấp là đường kính trắng RS (Refined Standard) thay vì đường tinh luyện phân khúc cao RE (refined extra).