|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp mía đường kỳ vọng gì niên độ 2023 - 2024?

10:45 | 10/10/2023
Chia sẻ
Sau quý khởi sắc nhờ giá đường, nhiều doanh nghiệp mía đường tỏ ra thận trọng hơn trong niên độ 2023 - 2024 khi 4/5 đơn vị dự kiến doanh thu giảm sút và 3/5 công ty dự báo lợi nhuận suy giảm so với cùng kỳ.

Niên độ tài chính của các doanh nghiệp mía đường chủ yếu bắt đầu từ ngày 1/7 năm nay đến 30/6 năm sau.

Trải qua niên độ 2022 – 2023, hầu hết doanh nghiệp trong ngành đều hưởng “vị ngọt”, kết quả kinh doanh tăng vọt trong quý IV (1/4 - 30/6), nhờ đó giúp các đơn vị vượt xa kế hoạch cả năm nhờ giá đường đạt đỉnh trong hơn một thập kỉ.

Bên cạnh đó, tác động của các biện pháp phòng vệ thương mại của Chính phủ cũng đã giúp giảm áp lực cạnh tranh từ đường nhập khẩu giá rẻ. Dù vậy tính chung cả niên độ vừa rồi, lợi nhuận của nhóm ngành này vẫn sa sút so với niên độ 2021 - 2022.

Dù ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng vọt quý IV nhưng tính chung cả niên độ 2022 - 2023, kết quả của nhóm doanh nghiệp mía đường vẫn sa sút so với cùng kỳ. (Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính của công ty). 

Còn trên thị trường chứng khoán, diễn biến giá cổ phiếu của nhóm ngành này cũng tích cực hơn từ cuối tháng 4 đến nay, một số cổ phiếu lập đỉnh lịch sử.

 Diễn biến giá cổ phiếu nhóm công ty ngành đường từ đầu năm tới nay. (Nguồn: TradingView).

Doanh nghiệp mía đường đặt kế hoạch thận trọng

Sang mùa vụ mới, các công ty ngành đường có phần thận trọng. Hầu hết các doanh nghiệp đều đặt kế hoạch doanh thu giảm so với kết quả niên độ trước, trừ trường hợp của Mía đường Lam Sơn (Mã: LSS). 3/5 công ty dự kiến lợi nhuận sẽ giảm sút so với cùng kỳ.

Niên độ mới, Mía đường Lam Sơn (Mã: LSS) kỳ vọng doanh thu tăng trưởng 22%. Lãi trước thuế 106 tỷ đồng, tăng 167% so với niên độ trước.

Để đạt được mục tiêu này, công ty sẽ duy trì diện tích vùng nguyên liệu ở mức trên 9.000 ha, đẩy mạnh công tác chăm sóc mía trong vùng nguyên liệu nhằm đảm bảo cung cấp cho nhà máy 500.000 tấn mía.

Đối với nguồn đường nguyên liệu, công ty bám sát thị trường và có phương án cụ thể để đạt được mục tiêu nhập trên 40.000 tấn đường thô đưa vào chế luyện. Bên cạnh đó, Mía đường Lam Sơn sẽ xây dựng lại hệ thống phân phối sản phẩm đường, tập trung vào nhóm khách hàng công nghiệp và khách hàng bán lẻ tiêu dùng trực tiếp, và đẩy mạnh công tác xuất khẩu đối với sản phẩm đường AFF, đường phèn... Đối với các sản phẩm đồ uống (thương hiệu Lavina), tiếp tục triển khai phương án giao khoán đến nhà phân phối để tiết kiệm chi phí.

CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC AgriS - Mã: SBT) là doanh nghiệp lớn nhất trong ngành mía đường. Niên độ này, công ty đặt kế hoạch doanh thu thuần hợp nhất là 20.622 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 850 tỷ đồng, lần lượt giảm 17% và tăng 18% so với niên độ trước. Ban lãnh đạo dự kiến tổng sản lượng tiêu thụ đường của công ty trong niên độ 2023 - 2024 sẽ giảm nhẹ và giữ vững thị phần ở các phân khúc kinh doanh.

CTCP Mía đường Sơn La (Mã: SLS) đặt mục tiêu tổng doanh thu gần 1.046 tỷ đồng và lợi nhuận 137 tỷ đồng cho niên độ 2023 - 2024, giảm lần lượt gần 39% và 74% so với mức nền cao của niên độ trước. Mía đường Sơn La cũng là doanh nghiệp lên mục tiêu tài chính giảm mạnh nhất trong nhóm được thống kê.

 Nguồn: Tổng hợp từ công bố thông tin của doanh nghiệp.

Những rủi ro đối với ngành mía đường 

Nhìn chung, các doanh nghiệp mía đường đều nhìn nhận nhiều khó khăn sẽ xảy đến cho niên độ mới: hiện tượng El Nino gây ảnh hưởng nặng nề đến vùng nguyên liệu mía, giá cả vật tư nông nghiệp vẫn ở mức cao làm giảm thu nhập của người trồng mía, vùng nguyên liệu của công ty ngày càng bị cạnh tranh khốc liệt với các loại cây trồng khác,...

Báo cáo của ban lãnh đạo TTC AgriS chỉ ra rằng, hiện tượng El Nino diễn ra sớm hơn so với dự báo trước đây là quý III/2023 ở châu Á và đầu quý IV ở châu Âu, điều này cho thấy dự báo sản lượng sụt giảm, thiếu hụt nguồn đường niên độ 2023 - 2024 có khả năng xảy ra rất cao ở các thị trường lớn như Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc.

Để đảm bảo nguồn cung nội địa, Ấn Độ đã có kế hoạch cấm xuất khẩu đường bắt đầu từ tháng 10/2023, động thái này lần đầu tiên diễn ra sau 7 năm, của đất nước này, trong bối cảnh tình trạng thiếu mưa làm giảm năng suất mía. Bên cạnh đó, giá dầu thô ở mức cao sẽ tác động đến việc chuyển một phần sản lượng mía sang sản xuất Ethanol, đặc biệt tại Brazil.

Mới đây nhất, Ủy ban Điều phối Kinh tế (ECC) Pakistan cũng đã thông qua lệnh cấm xuất khẩu đường nhằm mang lại sự ổn định về giá trên thị trường địa phương, lệnh cấm được đưa ra theo đề nghị của Bộ An ninh lương thực quốc gia Pakistan. Các biện pháp hạn chế này cũng được đưa ra trong bối cảnh tình hình lạm phát  giá lương thực tại các quốc gia này cũng đang dâng cao.

Dù vậy, ban lãnh đạo TTC AgriS dự báo giá đường năm 2024 sẽ khó thấp hơn 20 - 21cent/pound (mức đỉnh vào tháng 4/2023 là 27 cent/pound).

Đối với thị trường trong nước, ban lãnh đạo TTC AgriS cho biết giá đường nội địa vẫn tiếp tục tăng nhẹ cùng với đà tăng mạnh của giá đường thế giới, cũng như khả năng kiểm soát đường nhập lậu thời gian tới.

Bên cạnh đó, các biện pháp phòng vệ thương mại, chính sách chống trợ cấp chống bán phá sẽ góp phần gia tăng lợi thế cho sản phẩm đường nội địa. Điều này giúp nông dân an tâm phát triển vùng nguyên liệu và hạn chế tình trạng mất giá sau vụ thu hoạch.

Sản phẩm đường Organic của SBT được bày bán tại siêu thị. (Ảnh minh họa: MH).

Các nhà phân tích của các công ty chứng khoán cũng cùng chung quan điểm. Hầu hết đều cho rằng ba rủi ro đối với tình hình kinh doanh của nhóm ngành này gồm đường nhập lậu gây áp lực lên giá; các biện pháp hạn chế xuất khẩu được gỡ bỏ gây tác động lên giá đường; El-Nino ảnh hưởng tiêu cực đến sản lượng vụ trồng mía 2023 - 2024 trong nước.

 Giá đường thế giới đang giao dịch tại vùng cao nhất trong 11 năm qua. (Nguồn: TradingView).

Chứng khoán Phú Hưng (PHS) nhận định: “Nhìn chung, các doanh nghiệp có thể đảm bảo tiêu thụ nhờ vào sản xuất trong nước và không phụ thuộc nhiều vào lượng đường nhập khẩu, bởi tốc độ tăng giá đường trong nước theo chúng tôi nhận xét là khá chậm so với thế giới”.

Phía SSI Research kỳ vọng Bộ Công Thương sẽ nâng lượng đường nhập khẩu tối đa theo hạn ngạch thuế quan năm 2023 để bổ sung nguồn cung đường trong nước, mang lại lợi ích cho các nhà máy đường tinh luyện nội địa nhập khẩu đường thô.

SSI Research nhận định giá đường nội địa tăng sẽ khuyến khích người nông dân quay trở lại trồng mía. Đồng thời, các chính sách chống trợ cấp chống bán phá giá áp dụng đối với đường Thái Lan nhằm bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất trong nước là yếu tố góp phần cải thiện dài hạn sản lượng đường trong nước và giá đường.

Còn theo dự báo của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), nguồn cung đường năm 2023 tiếp tục dồi dào bao gồm đường nhập khẩu trực tiếp chính ngạch và nhập lậu qua biên giới Tây Nam, đường lỏng sirô ngô, cộng với lượng đường sản xuất từ mía của vụ ép 2022 - 2023. Dự kiến sản lượng đường trong nước đạt trên 933.000 tấn, tăng 25% so với năm 2022.

Trong khi đó, sức cầu đường chưa có dấu hiệu tăng nên thị trường tiếp tục trong tình trạng thừa cung, thu hẹp đầu ra của đường sản xuất từ mía. Theo số liệu VSSA, ước tính năm 2023, nguồn cung đường có thể dư thừa 417.321 tấn, cao hơn so với mức 395.000 tấn của năm 2022. 

Ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) đánh giá thị trường đường quốc tế bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố trong đó cung - cầu không phải yếu tố chính mà còn do đầu cơ, tỷ giá, giá dầu…

Trên thực tế, xu hướng chung hiện nay là nhiều nước trên thế giới giảm sử dụng đường vì những lo ngại liên quan đến sử khoẻ. Ngoài ra, ngành giải khát của nhiều nước trong đó có Việt Nam chuyển qua sử dụng đường lỏng sirô ngô do giá đường mía tăng cao, ông Lộc đánh giá.

Minh Hằng