Mía đường Việt Nam có hưởng lợi từ làn sóng thắt chặt nguồn cung của một số nước?
Nguồn cung trong nước sẽ không ảnh hưởng
Mới đây, Ủy ban Điều phối Kinh tế Pakistan (ECC) đã phê duyệt lệnh cấm xuất khẩu đường sau khi giá đường tăng lên mức kỷ lục 170 Rs/kg tại thị trường nội địa. Lệnh cấm này được đưa ra trong bối cảnh giá đường nội địa nước này tăng cao, cùng với những lo ngại về tồn kho 2,27 triệu tấn không đáp ứng được nhu cầu trong nước.
Trước đó, Ấn Độ, quốc gia sản xuất đường lớn nhất thế giới, cũng đang xem xét việc cấm xuất khẩu đường nhằm kìm chế lạm phát giá lương thực.
Trước một loạt động thái này, câu hỏi đặt ra là ngành đường Việt Nam sẽ ảnh hưởng thế nào?
Trao đổi với người viết ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết lệnh cấm xuất khẩu đường này không ảnh hưởng nhiều đến nguồn cung đường nội địa. Theo đó, năm 2022, lượng đường nhập khẩu đường từ Ấn Độ chỉ chiếm 0,16% tổng lượng nhập.
Năm nay, lượng đường nhập khẩu từ các nước có xu hướng giảm, do đó ngay cả trường hợp Ấn Độ cấm xuất khẩu đường thì cũng không ảnh hưởng đến nguồn cung của Việt Nam. Tương tự với Pakistan, trong những năm gần đây lượng nhập khẩu rất thấp, hầu như những năm gần đây không có giao dịch gì với thị trường này. Dự kiến cả năm 2023, lượng đường nhập khẩu chính ngạch của Việt Nam khoảng 492.000 tấn, giảm 60% so với năm 2022.
Trong báo cáo mới đây, VSSA cho biết nguồn cung đường năm 2023 tiếp tục dồi dào bao gồm đường nhập khẩu trực tiếp chính ngạch và nhập lậu qua biên giới Tây Nam, đường lỏng sirô ngô, cộng với lượng đường sản xuất từ mía của vụ ép 2022-2023. Tổng nguồn cung đường năm nay có thể ở mức quanh mức 2,7 triệu tấn. Trong đó, sản lượng đường trong nước đật trên 933 triệu tấn, tăng 25% so với năm 2022.
Trong khi đó, sức cầu đường chưa có dấu hiệu tăng nên thị trường tiếp tục trong tình trạng thừa cung, thu hẹp đầu ra của đường sản xuất từ mía. Theo số liệu VSSA, ước tính năm 2023, nguồn cung đường có thể dư thừa 417.321 tấn, cao hơn so với mức 395.000 tấn của năm 2022.
Theo đó, nhu cầu đường trong nước năm nay không đổi so với 2023 quanh mức 2,3 triệu tấn. Trong nửa đầu đầu năm 2023, nhiều doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, dẫn đến hàng trăm nghìn lao động bị giảm giờ làm mất việc, ảnh hưởng đến thu nhập. Điều này kéo theo tiêu dùng các mặt hàng đồ uống, bánh kẹo, đồ ăn cũng giảm theo, ảnh hưởng đến tiêu thụ đường.
Tác động với giá đường trong nước chưa rõ ràng
Giá đường quốc tế tăng mạnh từ đầu năm đến nay. Tính đến ngày 29/8, giá đường giao dịch ở mức 25,5 USCent/pound, tăng 41% so với tháng 1. Đỉnh điểm hồi tháng 4, giá đường thế giới đạt mức cao nhất trong 12 năm trở lại đây là 26,7 US Cent/pound.
Ông Lộc đánh giá thị trường đường quốc tế bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố trong đó cung - cầu không phải yếu tố chính mà còn do đầu cơ, tỷ giá, giá dầu…Trên thực tế, xu hướng chung hiện nay là nhiều nước trên thế giới giảm sử dụng đường vì những lo ngại liên quan đến sử khoẻ. Ngoài ra, ngành giải khát của nhiều nước trong đó có Việt Nam chuyển qua sử dụng đường lỏng sirô ngô do giá đường mía tăng cao.
Trong báo cáo khảo sát tháng 7 của iPOS.vn được thực hiện trên 137 đơn vị kinh doanh ngành F&B, 40% doanh nghiệp phản hồi doanh thu giảm và hầu hết ở mô hình kinh doanh lớn (chiếm 64%). Ngành F&B đã chứng kiến đơn hàng đường mía giảm xuống mức thấp kỷ lục. Bên cạnh đó, xu hướng chuyển sang sử dụng đường sirô ngô HFCS thay vì đường mía càng khiến mức độ sụt giảm nghiêm trọng hơn.
Trong 6 tháng đầu năm nay, lượng đường HFCS nhập khẩu cao gấp đôi so với cả năm 2022 ở mức hơn 123.000 tấn. Dự kiến cả năm 2023, con số này có thể nâng lên 309.000 tấn.
“Tôi cho rằng tác động việc các nước có xu hướng siết chặt nguồn cung đường ra thế giới đối với giá đường trong nước đến giờ phút này chưa có gì rõ ràng”, ông Lộc nhận định.
Ông cho biết giá đường trong nước hiện nay đang ở mức hợp lý do các nhà máy nâng giá thua mía lên khiến giá thành sản xuất tăng kéo theo giá đường cũng tăng. Trong niên vụ 2022 - 2023, giá mua mía trung bình tại các nhà máy là 1,3 triệu đồng/tấn, tăng 10% so với niên vụ trước. Giá đường trung bình của Việt Nam khoảng 21.000 đồng/kg, tăng khoảng 3.000 đồng/kg so với đầu năm.
Tuy nhiên, theo ông giá đường Việt Nam vẫn ở mức thấp nhất trong khu vực và biên lợi nhuận của các nhà máy đường vẫn còn khá mỏng. Bằng chứng là ngân hàng rất ngần ngại cho các doanh nghiệp mía đường vay tiền. Do đó, xu hướng hiện nay là giá mía liên tục tăng, từ đó giá đường cũng sẽ tăng theo.
Dù được hưởng lợi từ giá đường lập đỉnh 12 năm nhưng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành quý IV niên vụ 2022 - 2023 (từ 1/7/2022 đến 30/6/2023) có sự phân hoá.
- TIN LIÊN QUAN
-
Giá đường tạo đỉnh 12 năm: Người báo lãi tăng bằng lần, kẻ đi lùi 10/08/2023 - 17:41
Nhiều công ty trong báo kết quả kinh doanh tăng bằng lần, trong khi có công ty báo lãi thụt lùi vì biên lợi nhuận thấp hoặc chi phí tài chính tăng cao.
Mặc dù vậy trong báo cáo mới đây,Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho rằng kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp đầu ngành sẽ vẫn tích cực trong nửa còn lại của năm 2023.
Theo đó, dù giá đường đi ngang nhưng vẫn neo ở mức cao sau đà tăng liên tiếp kéo dài từ tháng 4 sẽ động lực chính cho kết quả kinh doanh của Thành Thành Công Biên Hoà (Mã: SBT) trong thời gian tới.
Với Mía đường Quảng Ngãi (Mã: QNS), giá mía đường tiếp tục neo cao có tác động tích cực cho công ty. Nhờ sản lượng mía ép vụ niên vụ 2022-2023 khá khả quan, dự kiến sản lượng đường đến cuối năm của Mía đường Quảng Ngãi vẫn tăng trưởng tốt. Kết hợp với yếu tố giá bán đầu ra ở thị trường nội địa sẽ là động lực cho 6 tháng cuối năm 2023.
Công ty chủ yếu sản xuất đường từ mía, tỷ lệ nhập đường thô về luyện đường tinh chế hiện vẫn ở mức khá thấp. Giá thu mua mía tăng khá chậm. Do đó, công ty ít bị ảnh hưởng về chi phí đầu vào. Trong khi đó, công ty được hưởng lợi khá nhiều từ việc sản lượng gia tăng khi chính phủ nỗ lực ngăn chặn đường nhập lậu.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/