Giá đường tạo đỉnh 12 năm: Người báo lãi tăng bằng lần, kẻ đi lùi
Kết quả kinh doanh phân hoá
Nửa đầu năm 2023 đánh dấu sự trở lại của giá đường nhờ được hỗ trợ bởi thông tin sản lượng suy giảm do chịu tác động bởi hiệu ứng thời tiết xấu El Nino.
Đỉnh điểm là hồi tháng 4, giá đường thế giới đạt đỉnh 12 năm ở mức 27,3 US Cent/pound. Tuy nhiên, đến tháng 6, giá đường điều chỉnh xuống 22 US Cent/pound, mức thấp nhất trong vòng 3 tháng do Brazil bước vào vụ thu hoạch.
Tại Thái Lan, quốc gia sản xuất đường lớn thứ ba thế giới, chịu tác động bởi tình hình thời tiết khô hạn. Lượng mưa tại khu vực này giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Giới chuyên gia dự báo 2023 sẽ là năm đầu tiên trong vòng 3 năm qua, sản lượng đường của Thái Lan giảm. Đồng thời đây sẽ là mức sản lượng thấp thứ hai sau niên vụ 2009 - 2010.
Hồi tháng 5, Tổ chức Đường Quốc tế đã giảm dự báo sản lượng đường toàn cầu niên vụ 2022 -2023 từ mức 180,4 triệu tấn của lần dự báo trước đó xuống 177,4 triệu tấn. Lượng dư cung cũng được điều chỉnh từ 4,15 triệu tấn xuống 852.000 tấn.
Tại Ấn Độ, nhiều người lo ngại rằng chính phủ nước này sẽ áp lệnh cấm xuất khẩu đường, sau khi làm điều tương tự với gạo vào giữa tháng 7, theo Bloomberg. Lượng mưa phân bổ không đồng đều ở vành đai nông nghiệp nước này dấy lên lo ngại sản lượng mía sẽ giảm năm thứ hai liên tiếp. Theo ông Aditya Jhunjhunwala, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà máy đường Ấn Độ, khu vực trồng mía chính tại bang Maharashtra và Karnataka không nhận đủ lượng mưa cần thiết trong tháng 6. Tổ chức này dự báo sản lượng đường Ấn Độ niên vụ 2023-2024 giảm khoảng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 31,7 triệu tấn.
Giá đường tại Việt Nam cũng được hưởng lợi từ đà tăng của đường thế giới. Tính đến tháng 6, giá đường tinh luyện dao động trong khoảng 20.800 - 22.200 đồng/kg, tăng 400 - 1.000 đồng/kg so với hồi tháng 5, theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA).
Nhiều công ty trong báo kết quả kinh doanh tăng bằng lần trong quý IV của niên độ 2022 - 2023 (từ tháng 1/7/2022 đến 31/6/2023).
Theo đó, CTCP Mía đường Sơn La (Mã SLS) báo doanh thu thuần tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái lên 550 tỷ đồng. Biên lãi gộp tăng từ 31% lên 42%. Lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 225 tỷ đồng gấp gần 4 lần so với cùng kỳ.
Luỹ kế cả niên độ, Mía đường Sơn La ghi nhận 1.676 tỷ đồng doanh thu, 523 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế tăng lần lượt 93%, 178% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay của công ty.
Những năm gần đây công ty thường đặt mục tiêu lợi nhuận ở mức thấp. Giai đoạn từ năm 2017 đến 2021, lợi nhuận sau thuế của công ty đều gấp trên hai lần kế hoạch cả năm, niên độ 2020 - 2021 ghi nhận gấp hơn 6 lần.
Niên độ 2022 - 2023, Mía đường Sơn La đặt mục tiêu doanh thu xấp xỉ 1.111 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 75 tỷ đồng. Như vậy, công ty vượt 51% kế hoạch doanh thu, vượt 597% chỉ tiêu lợi nhuận.
Hay với trường hợp của CTCP Đường Quảng Ngãi (Mã: QNS) ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý II tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái lên 712 tỷ đồng (niên độ tài chính của Đường Quãng Ngãi tính từ 1/1/2023 đến 31/12/2023).
Công ty cho biết trong kỳ, lượng tiêu thụ đường và các sản phẩm đường tăng 133% giúp doanh mảng này tăng 151%.
Ngoài ra, thời gian qua, công ty tập trung đầu tư phát triển vùng nguyên liệu theo hướng sản xuất công nghiệp giúp tăng năng suất và chất lượng cây mía; dây chuyền sản xuất đường hoạt động ổn định giúp hạ giá thành sản phẩm. Cùng với các biện pháp phòng vệ thương mại của Nhà nước và việc kiểm soát tốt đường nhập lậu giúp hoạt động kinh doanh đường đạt hiệu quả cao.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, công ty ghi nhận 5.282 tỷ đồng, 1.028 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế tăng lần lượt 32%, 90% so với cùng kỳ.
Ở chiều ngược lại, một số doanh nghiệp báo kết quả lợi nhuận đi lùi do chi phí tài chính tăng cao. Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV niên độ tài chính 2022-2023 của CTCP Thành Thành Công Biên Hòa (TTC AgriS, mã SBT) cho thấy doanh thu thuần trong quý vừa qua tăng 24% so với cùng kỳ lên 6.800 tỷ đồng do quy mô hoạt động được mở rộng theo đúng lộ trình hướng tới chuỗi giá trị nông nghiệp toàn diện.
Song, lợi nhuận sau thuế giảm 66% so với cùng kỳ xuống 77 tỷ đồng. Chi phí tài chính của công ty tăng gấp đôi so với cùng kỳ, chủ yếu là lãi vay (484 tỷ đồng) do mặt bằng lãi suất tăng cao. Đây cũng là chi phí ăn mòn nhiều nhất vào lợi nhuận của công ty.
Tính đến ngày 30/6, tổng nợ phải trả của công ty là 19.500 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu kỳ. Trong đó, tổng vay nợ và thuê tài chính của công ty là 11.697 tỷ tăng 5%. Vay ngắn hạn chiếm phần lớn 94% (tương đương 11.037 tỷ đồng, tăng 27% so với đầu kỳ). Ngược lại, vay nợ dài hạn giảm mạnh 73% xuống 659 tỷ đồng.
Tính chung trong cả niên vụ 2022 - 2023, doanh thu thuần của TTC AgriS đạt 24.747 tỷ đồng tăng 35% so với niên độ trước hoàn thành 145% kế hoạch năm. Sản lượng tiêu thụ đường năm thứ 3 liên tiếp đạt hơn 1 triệu tấn, trong đó, kênh xuất khẩu tăng trưởng mạnh khi sản lượng bán hàng tăng 73%, kênh công nghiệp B2B tăng 16,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế đạt 610 tỷ đồng, giảm 30%.
Trường hợp của CTCP Mía đường Lam Sơn (Mã: LSS) thậm chí ghi nhận sự suy giảm cả ở doanh thu lẫn lợi nhuận sau thuế trong quý IV. Theo đó, doanh thu thuần của công ty giảm 6% xuống 721 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm tới 78% xuống 5,2 tỷ đồng. Nguyên nhân đến từ biên lợi nhuận gộp trong kỳ này giảm 2,5 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái xuống chỉ còn 6,9%, mức thấp nhất kể từ cuối năm 2020. Điều này dẫn đến lợi nhuận gộp giảm 31% xuống 50 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí bán hàng tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái lên gần 14 tỷ đồng.
Hàng tồn kho của các doanh nghiệp đường tính đến cuối tháng 6/2023 giảm 15 - 32% so với thời điểm cuối quý III của niên độ (31/3/2023).
Dư cung đường thu hẹp
Theo số liệu của VSSA, trong tháng 6, ngành đường Việt Nam đã hoàn thành vụ ép mía 2022-2023. Sản lượng lũy kế từ đầu vụ đã ép được 9,7 triệu tấn mía sản xuất được 941.373 tấn đường các loại. So sánh cùng kỳ với vụ ép mía 2021-2022, sản lượng mía ép đạt 144% và sản lượng đường đạt 136%. Đây đồng thời là niên vụ thứ hai tăng trưởng liên tiếp của ngành đường.
Nói về triển vọng ngành đường từ nay đến cuối năm, VSSA cho rằng thị trường sẽ tiếp tục dư thừa nguồn cung khoảng 289.720 tấn. Tuy nhiên, con số này được thu hẹp so với 395.000 tấn của nhiên vụ trước.
Cụ thể, nhu cầu đường năm nay tương đương hoặc tăng một chút so với cùng kỳ, ở mức 2,35 triệu tấn. Đường xuất khẩu chính ngạch tăng 150% so với cùng kỳ. Trong khi đó, tổng nguồn cung đường đạt gần 2,64 triệu tấn, giảm so với mức hơn 2,69 triệu tấn của năm ngoái.
Trong đó, đường sản xuất từ mía tăng 126% so với vụ trước. Đường lỏng sirô ngô HFCS nhập khẩu tăng bùng nổ, khối lượng 244.242 tấn đường lỏng tương đương với 305.302 tấn đường nhập khẩu (mà không chịu thuế).