Doanh nghiệp mía đường Ấn Độ khó ký được hợp đồng xuất khẩu vì yêu cầu giá cao
Các nhà giao dịch Ấn Độ đang gặp khó khăn trong việc ký hợp đồng xuất khẩu dù New Delhi đã cho phép xuất khẩu 1 triệu tấn đường, do các nhà máy yêu cầu mức giá cao hơn đáng kể so với giá trên sàn London, điều mà người mua quốc tế không sẵn sàng trả, theo nguồn tin của Reuters.
Tốc độ xuất khẩu chậm hơn từ Ấn Độ, quốc gia sản xuất đường lớn thứ hai thế giới, sẽ hỗ trợ giá đường toàn cầu, vốn đã giảm xuống mức thấp nhất trong ba năm vào tuần này.
Hôm thứ Hai tuần này (20/1), Ấn Độ cho phép xuất khẩu 1 triệu tấn đường trong mùa hiện tại kéo dài đến tháng 9/2025 nhằm giúp các nhà máy giải phóng lượng tồn kho dư thừa và giữ giá trong nước ở mức cao.
"Sau khi được phép xuất khẩu, giá đường trong nước tăng gần 10%. Các nhà máy hiện đang yêu cầu mức giá cao hơn đáng kể so với giá toàn cầu để xuất khẩu theo hạn ngạch được phân bổ," một nhà môi giới tại Mumbai làm việc cho một công ty thương mại toàn cầu cho biết.
Bộ Lương thực đã phân bổ hạn ngạch xuất khẩu đồng đều cho các nhà máy, tương đương 3,174% sản lượng trung bình ba năm của họ. Họ có thể xuất khẩu trực tiếp hoặc thông qua các nhà xuất khẩu thương mại.
Tuần này, các nhà giao dịch đã ký hợp đồng xuất khẩu 20.000 tấn đường trắng và tinh luyện, với giá từ 490 đến 510 USD/tấn theo phương thức FOB (giao hàng lên tàu), tức cao hơn giá tương lai trên sàn London từ 10 đến 25 USD/tấn, theo nguồn tin của Reuters.
Trước khi được phê duyệt xuất khẩu, giá đường Ấn Độ thấp hơn nhiều so với giá toàn cầu, khiến việc xuất khẩu có lợi nhuận. Tuy nhiên, sau khi phê duyệt, giá trong nước tăng mạnh trong khi giá quốc tế giảm, làm giảm động lực xuất khẩu cho các nhà máy, một nhà môi giới tại New Delhi cho biết.
"Các nhà máy cần xuất khẩu lượng đường theo hạn ngạch được phân bổ trước tháng 9/2025, vì vậy họ không vội ký hợp đồng. Thay vào đó, họ đang chờ giá quốc tế tăng," nhà môi giới này nói.
Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu đường sang Indonesia, Bangladesh và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, đã đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu đường trong giai đoạn năm năm kết thúc vào 2022-2023, với khối lượng trung bình hàng năm đạt 6,8 triệu tấn.
Các nhà máy đường tại bang Uttar Pradesh, được phân bổ 274.184 tấn đường để xuất khẩu, đã bán khoảng 100.000 tấn hạn ngạch cho các nhà xuất khẩu thương mại, các nhà môi giới cho biết.
Những nhà xuất khẩu này sẽ tìm nguồn cung từ các bang ven biển như Maharashtra và Karnataka lân cận, vì chi phí vận chuyển đường từ các nhà máy đến cảng ở hai bang này thấp hơn.