Xuất khẩu đường của Thái Lan sang Trung Quốc tăng mạnh nhờ ACFTA
Ông Ronnarong Phoolpipat, Cục trưởng Cục Ngoại thương, cho biết Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu nông sản hàng đầu, chiếm 42% lượng hàng xuất khẩu của Thái Lan.
Trong số các sản phẩm có nhu cầu cao là đường đã qua chế biến (không bao gồm đường thô), như siro, mật ong nhân tạo, caramen và các chất làm ngọt khác được sử dụng trong thực phẩm, đồ uống và dược phẩm.
Năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu đường chế biến trị giá 983 triệu USD (31,4 tỷ baht). Trong khi đó, Thái Lan là nước xuất khẩu đường hàng đầu sang Trung Quốc với tổng giá trị 854 triệu USD (29,8 tỷ baht), chiếm 86,9% tổng lượng nhập khẩu mặt hàng này của Trung Quốc.
Dẫn số liệu của Cục Ngoại thương cho thấy Thái Lan đạt mức tăng trưởng hàng năm là 145% đối với xuất khẩu đường chế biến sang Trung Quốc trong thập kỷ qua, ông Ronnarong cho biết yếu tố chính góp phần vào sự thống trị xuất khẩu đường của Thái Lan là việc tận dụng các lợi ích thương mại theo ACFTA.
Hiệp định này dành cho Thái Lan sự ưu đãi, bao gồm thuế nhập khẩu bằng 0 đối với đường chế biến khi có giấy chứng nhận xuất xứ (Mẫu E) do Cục Ngoại thương cấp. Nếu không có lợi ích từ ACFTA, thuế hải quan nhập khẩu thông thường, được gọi là "thuế suất tối huệ quốc", sẽ là 30%.
Ông Ronnarong cho biết đường chế biến được coi là sản phẩm có tiềm năng cao đối với các nhà xuất khẩu Thái Lan, tận dụng lợi ích từ các FTA để mở rộng sự hiện diện trên thị trường trên toàn cầu.
Hiện ngoài thị trường Trung Quốc, ASEAN cũng là thị trường đầy tiềm năng cho đường chế biến của Thái Lan khi dân số ASEAN vượt quá 600 triệu người. Nhu cầu về đường chế biến của Thái Lan đang rất cao, đặc biệt là trong ngành thực phẩm và đồ uống.