Gian nan cuộc chiến chống đường lậu: Tăng cường bảo vệ người tiêu dùng và mía đường nội địa
Cuộc chiến với đường lậu nguồn gốc Thái Lan
Thời điểm cận Tết Nguyên đán, diễn biến tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép đường cát ngày một gia tăng. Đặc biệt tại các tỉnh miền Trung, cuộc chiến với đường lậu nguồn gốc Thái Lan có chiều hướng gia tăng trên tuyến biên giới đất liền, giáp biển.
Sông Sê-pôn qua đoạn huyện Hướng Hoá của tỉnh Quảng Trị là tuyến biên giới giữa hai nước Việt Nam và Lào. Nơi đây là điểm nóng của buôn lậu đường cát với diễn biến rất phức tạp hằng đêm. Các cơ quan chức năng đã nỗ lực triệt phá nhiều đường dây buôn lậu tại Quảng Trị trong những năm qua. Tuy nhiên, việc buôn lậu đường ngày càng nhiều và tinh vi hơn khiến công tác chống buôn lậu gặp nhiều khó khăn.
Tháng 10/2023, Công an H.Đakrông (Quảng Trị) cùng với Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh bắt đoàn xe ô tô 14 chiếc chở 50 tấn đường lậu. Ngày 19/12/2023, lực lượng quản lý thị trường Tây Ninh phát hiện và thu giữ 6,4 tấn đường nhập lậu Thái Lan. Cơ quan chức năng trong nước triệt phá đã nhiều vụ buôn lậu đường lậu mang nhãn mác Thái Lan và không có hoá đơn, chứng từ qua biên giới Lào và Campuchia.
Từ ngày 1/1/2020, ngành đường trong nước tuân thủ hiệp định ATIGA không giới hạn lượng đường nhập khẩu từ ASEAN và giảm thuế nhập khẩu xuống 5% giúp giảm đáng kể đường lậu. Tuy nhiên, đường Thái Lan nhập ồ ạt vào trong nước nhờ chính sách trợ giá gây ảnh hưởng tiêu cực đến ngành sản xuất đường trong nước.
Tháng 6/2021, Bộ Công Thương áp dụng thuế phòng vệ thương mại lên đến 47,64% với sản phẩm mía đường xuất xứ từ Thái Lan. Điều này giúp tăng lượng tiêu thụ đường nội địa và giá đường sản xuất trong nước cũng nhờ đó được tăng lên. Mặc dù vậy, đường Thái Lan giá rẻ vẫn được vận chuyển qua Lào, Campuchia để vào Việt Nam ngày càng gia tăng. Lợi nhuận cao là nguyên nhân chính khiến các đối tượng bất chấp mọi thủ đoạn, rủi ro để buôn lậu đường từ Thái Lan qua Campuchia và Lào vào Việt Nam.
Cảnh báo hành vi buôn lậu và hàng giả đường tại Việt Nam ngày càng tăng
Tháng 11/2023, TAND tỉnh Long An tuyên án đối tượng cầm đầu và đồng bọn trong vụ án buôn lậu hơn 200 tấn đường cát qua đường biên giới giữa Việt Nam với Campuchia với từ án treo đến 8 năm tù giam. Theo quy định tại điều 189 Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi và bổ sung năm 2017), mức xử phạt với tội phạm cá nhân buôn lậu qua biên giới từ phạt tiền đến 3 tỷ đồng và phạt tù 20 năm tù. Đối với pháp nhân mức hình phạt là đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Đường lậu mang nhãn hiệu Thái Lan không rõ nguồn gốc xuất xứ tràn lan thị trường tiêu dùng. (Nguồn: Sức khoẻ Cộng đồng)
Buôn lậu là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho xã hội và ảnh hưởng đến chế độ quản lý ngoại thương của Nhà nước. Vì vậy, những hoạt động buôn bán qua đường biên giới không có giấy tờ và chứng từ hợp lệ, không khai báo hải quan, trốn tránh sự kiểm tra của các cơ quan chức năng đều bị xử phạt nghiêm khắc và có chế tài rất nặng.
Mặt khác, những thương lái nhập đường lậu hoặc đường giả gắn bao bì nhãn mác Thái Lan phân phối ra thị trường tiêu thụ trong nước cũng chịu những hình phạt rất nặng. Theo điều 15 của Nghị định 98/2020/NĐ-CP, hành vi kinh doanh hàng hoá nhập lậu bị xử phạt tiền lên tới 100 triệu đồng và tịch thu số lợi, hàng hoá bất hợp pháp.
Những vụ triệt phá đường lậu chỉ là phần nổi của tảng băng chìm khi đường lậu tràn lan khắp thị trường tiêu dùng Việt Nam. Điều này khiến nhà nước thất thu Thuế rất lớn và ảnh hưởng đến những người nông dân trồng mía cũng như các nhà máy mía đường trong nước.
Người tiêu dùng nên cảnh trước đường lậu, ưu tiên dùng hàng Việt
Đường nhập không chính ngạch từ Thái Lan qua đường biên giới giữa Việt Nam và Lào, Campuchia ngày càng tinh vi. Đường lậu không đáp ứng Vệ sinh An toàn Thực phẩm do không bảo quản, vận chuyển đúng cách. Chưa kể, những bao đường không rõ nguồn gốc, xuất xứ tuồn vào đường biên giới được sang, chiết và thay đổi bao bì thành đường Thái Lan do lợi dụng tâm lý “chuộng hàng Thái” của một bộ phận người tiêu dùng Việt Nam.
Mặt khác, đường nhập lậu với mẫu mã kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ được các thương lái “hô biến” thành đường nội địa và bán với giá thành cao. Người tiêu dùng nên cảnh giác với hình thức đường giả rất tinh vi này.
Để tránh trở thành “nạn nhân” của đường lậu, người tiêu dùng cần đọc kĩ các thông tin trên bao bì với thành phần, nguồn gốc xuất xứ được thể hiện rõ ràng. Sản phẩm từ các thương hiệu nội địa uy tín sẽ luôn đi kèm với các bảo chứng hàng đầu như logo của chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao, chứng nhận Thương hiệu quốc gia,… Bằng niềm tự hào dân tộc, người Việt Nam nên ưu tiên dùng hàng nội địa chung tay và đóng góp vào sự phát triển của ngành sản xuất mía đường trong nước.