|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Đà tăng giá đường có thể chững lại dù nguồn cung vẫn thắt chặt?

20:00 | 16/11/2023
Chia sẻ
Giá đường thế giới được dự báo sẽ giảm bởi vẫn còn các nguồn cung đường dự trữ khác trong đó quan trọng nhất là đường có thể sản xuất từ lượng mía đang sử dụng sản xuất cồn ethanol tại Brazil. Ngoài ra, tại Ấn Độ đang có dấu hiệu dư cung sau thời gian thực hiện siết chặt xuất khẩu.

Rủi ro khiến giá đường có thể giảm

Động thái siết chặt nguồn cung từ hai nước xuất khẩu đường lớn là Thái Lan và Ấn Độ đi kèm với ảnh hưởng bởi thời tiết xấu khiến giá đường thế giới tăng mạnh. Tính đến giữa tháng 11, giá đường thế giới giao dịch quanh mức đỉnh 10 năm, đạt 27 US cent/pound.

 Diễn biến giá đường thế giới từ năm 2014 đến nay (Đơn vị: US Cent/pound, Nguồn: Tradingeconomics)

Dữ liệu của chính phủ Thái Lan, nước xuất khẩu đường lớn thứ hai thế giới sau Brazil, cho thấy sản lượng đường của nước này bị ảnh hưởng bởi hạn hán. Năm nay, dự kiến sản xuất 8 triệu tấn, trong đó 2,5 triệu tấn được tiêu thụ trong nước và 5,5 triệu tấn xuất khẩu trong khi năm ngoái lượng xuất khẩu là 7,7 triệu tấn.

Đầu tháng 11, Thái Lan đã phân loại đường là hàng hóa bị kiểm soát. Đối với những lô hàng xuất khẩu trên 1 tấn bắt buộc phải có sự phê duyệt của chính phủ. Các thương nhân cho rằng biện pháp này sẽ khiến việc giao hàng trở nên chậm trễ.

Còn với Ấn Độ, nước này đã ra thông báo gia hạn lệnh hạn chế xuất khẩu đường sau ngày 31/10. Theo đó, việc xuất khẩu đường thô, đường trắng, đường tinh luyện và đường hữu cơ sẽ tiếp tục bị siết.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), cho rằng đà tăng của giá đường có thể hạ nhiệt bởi vì vẫn còn các nguồn cung đường dự trữ khác trong đó quan trọng nhất là đường có thể sản xuất từ lượng mía đang sử dụng sản xuất cồn ethanol tại Brazil. 

Hiện nay giá đường tăng trong khi giá dầu giảm. Vị này cho biết khi tương quan giữa giá đường và giá dầu đạt đến mức sản xuất đường có lợi hơn hẳn sản xuất cồn ethanol, nguồn cung này sẽ xuất hiện. 

“Ngoài ra, cần ghi nhận là việc Ấn độ ngừng xuất khẩu chỉ là tạm thời vì đã ở trong tình trạng thừa cung. Các yếu tố đó cho thấy đà tăng giá đường sẽ có xu hướng chững lại trong thời gian tới khi các nguồn cung mới xuất hiện”, ông Lộc nhận định.

Theo chuyên gia, việc hai nước này hạn chế xuất khẩu không ảnh hưởng đến nguồn cung của Việt Nam do tỷ lệ nhập khẩu rất nhỏ, đặc biệt là sau khi Việt Nam áp thuế chống bán phá giá đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan. 

Dữ liệu nhập khẩu của Tổng cục Hải Quan đã cho thấy lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan đang có xu hướng giảm dần. Tính đến năm 2022, lượng đường nhập khẩu khẩu từ Thái Lan khoảng 127.000 tấn, chiếm tỷ trọng 10%. Con số này thấp hơn rất nhiều so với năm 2020 là gần 83%. 

Do đó việc Thái Lan siết chặt lệnh xuất khẩu đường sẽ không có tác động lớn đến Việt Nam vì đã có các nguồn cung khác thay thế.

Năm

Nhập từ Thái Lan (Tấn)

Tổng lượng nhập (Tấn)

Tỷ lệ

2020

1.309.368

1.584.406

82,6%

2021

369.595

1.473.602

25,1%

2022

127.524

1.229.738

10,4%

Trong báo cáo mới đây ngân hàng Rabobank dự đoán năm tới giá các thực phẩm chủ chốt trong đó có đường sẽ giảm do điều kiện thời tiết ở châu Á dễ chịu hơn. Ngân hàng cho biết giá đường, đạt mức cao nhất trong 12 năm vào tháng 9, có thể giảm mạnh khi nhiệt độ và lượng mưa ở Thái Lan về mức bình thường.

Ở thị trường trong nước, đà tăng giá đường thời gian qua được các chuyên gia đánh giá không phải do cung - cầu mà chủ yếu do tác động từ xu hướng tăng của giá đường thế giới.

 

Theo VSSA nhận định, Việt Nam vẫn đang dư cung đường. Trong tháng 10 nhu cầu không cao, các loại đường có nguồn gốc nhập khẩu như đường Myanmar, Indonesia và đường nhập lậu vẫn tăng cường sự hiện diện trên thị trường. Đến tháng 10, giá đường kính trắng dao động trong khoảng 22.000 - 23.000 đồng/kg, tăng 15% so với đầu năm. 

 Số liệu: VSSA (H.Mĩ tổng hợp)

Doanh nghiệp buộc phải tăng giá thu mua mía

Ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch VSSA, cho biết các doanh nghiệp đang tăng giá thu mua mía nhằm khuyến khích người dân quay trở lại với loại cây này sau nhiều năm chuyển sang trồng các loại cây khác do giá thấp. 

Trong niên vụ 2022-2023 (1/7/2022 - 30/6/2023), các nhà máy đường đã tăng giá mua mía 6% so với niên vụ trước đó lên 1,1 – 1,3 triệu đồng/ tấn mía, là mức tương đương so với các nước sản xuất mía đường trong khu vực. Dự kiến giá mía niên vụ 2023 - 2024 tiếp tục được nâng thêm khoảng 5%. 

Giá thu mua tương đương nhưng giá bán đường bình quân của 10 tháng của Việt Nam vẫn thấp hơn so với các nước xung quanh như Trung Quốc, Indonesia, Philippines… Đến tháng 10, giá đã đuổi kịp với Trung Quốc và Indonesia, chỉ còn đứng sau Philippines.

“Trong niên vụ 2023-2024, hiệp hội đã khuyến cáo các nhà máy tiếp tục tăng giá mua mía bảo đảm người nông dân để có thu nhập tương đương hoặc cao hơn so với cây trồng cạnh tranh chính tại các vùng nguyên liệu”, ông Lộc nói.

Ông cho hay hiệp hội cũng đã khuyến cáo các hội viên giữ giá bán đường hiện nay vì đây là mức giá hợp lý đảm bảo được mục tiêu hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan. Với mức giá này biên lợi nhuận trung bình của ngành đường Việt Nam sẽ thấp hơn so với các quốc gia lân cận.

Ông Nông Văn Thuyết, Chủ tịch HĐQT CTCP Mía đường Cao Bằng, cho biết công ty đã mất khoảng 35% vùng nguyên liệu sau khinhiều hộ chuyển sang trồng loại cây khác khi giá mía thấp trong giai đoạn 2018 - 2020 và đối diện với nạn thương lái tranh mua mía từ nông dân. Việc giá thu mua cùng vớicác chi phí khác như xăng dầu, vật tư sản xuất khác tăng cao khiến biên lợi nhuận của công ty bị ăn mòn. 

Chủ tịch VSSA dự kiến niên vụ 2023 - 2024, diện tích vùng nguyên liệu trồng mía dự kiến tăng 12% so với niên vụ trước lên 160.000 ha. Sản lượng đường cũng tăng khoảng 9% lên hơn 1 triệu tấn. 

"Nếu các nguồn cung còn lại bao gồm đường nhập khẩu tương đương năm 2023 thì tổng nguồn cung đường 2024 sẽ cân bằng với sức cầu. Nếu tính thêm tác động của đường nhập lậu, thị trường sẽ tiếp tục ở  trạng thái thừa cung. Giá đường sẽ có diễn biến gắn với giá đường thế giới nhưng ở mức thấp hơn so với Philippines, Indonesia và Trung Quốc", ông Lộc nhận định.

H.Mĩ