|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Nền kinh tế trao đổi hiện vật (Barter economy) là gì?

22:18 | 21/04/2020
Chia sẻ
Nền kinh tế trao đổi hiện vật (tiếng Anh: Barter economy) là nền kinh tế mà trong đó hàng hóa và dịch vụ được trao đổi trực tiếp để lấy hàng hóa và dịch vụ khác.
Nền kinh tế trao đổi hiện vật (Barter economy) là gì? - Ảnh 1.

Nền kinh tế trao đổi hiện vật (Barter economy)

Định nghĩa

Nền kinh tế trao đổi hiện vật trong tiếng Anh là Barter economy.

Trao đổi (Barter) là một hành vi giao dịch hàng hóa hoặc dịch vụ giữa hai hoặc nhiều bên mà không sử dụng tiền (hoặc phương tiện tiền tệ như thẻ tín dụng). Về bản chất, việc chuyển đổi hàng hóa là một giao dịch trong đó một bên cung cấp một hàng hóa hoặc dịch vụ để đổi lấy một hàng hóa hoặc dịch vụ khác từ một bên khác.

Một ví dụ đơn giản về sự chuyển đổi hàng hóa là một người thợ mộc xây hàng rào cho một người nông dân. Thay vì người nông dân dùng 1.000 đô la tiền mặt để trả tiền công lao động và tiền nguyên vật liệu cho người xây dựng, anh ta có thể trả lại cho người thợ mộc những cây trồng hoặc thực phẩm trị giá 1.000 đô la.

Theo đó, nền kinh tế trao đổi hiện vật có thể được định nghĩa như sau:

Nền kinh tế trao đổi hiện vật là nền kinh tế mà trong đó hàng hóa và dịch vụ được trao đổi trực tiếp để lấy hàng hóa và dịch vụ khác.

Những hạn chế của nền kinh tế trao đổi hiện vật

(1) Trong nền kinh tế trao đổi hiện vật, việc sản xuất hàng hóa chuyên dụng phục vụ nhu cầu cho một nhóm người trong xã hội sẽ trở nên khó khăn.

Hầu hết mọi người cần hàng hóa thiết yếu như thực phẩm và quần áo, nhưng chỉ một số ít người dân cần hàng hóa chuyên dụng.

(2) Trong nền kinh tế trao đổi hiện vật, cần phải có "trùng hợp về nhu cầu": Để trao đổi giữa hai bên, cả hai bên cần phải có những gì người khác muốn.

Nói cách khác, do phải có sự trùng khớp nhu cầu, nên hình thức trao đổi hiện vật (cả trực tiếp và gián tiếp ) chỉ thực hiện được khi nhu cầu trao đổi còn đơn giản. Vì vậy, nền kinh tế trao đổi hiện vật thường lạc hậu, chuyên môn hóa và phân công lao động ở trình độ thấp.

(3) Không thể phân chia được hàng hóa nhất định. Thật khó để trao đổi một con bò vì nó có thể đáng giá 10.000 quả trứng.

(4) Khó khăn trong việc lưu trữ giá trị: Nếu một xã hội phụ thuộc hoàn toàn vào hàng hóa dễ hư hỏng, việc lưu trữ tài sản cho tương lai có thể là không thực tế. Một số nền kinh tế trao đổi dựa vào hàng hóa lâu bền như lợn hoặc gia súc vì mục đích này.

(5) Khó khăn để định giá hàng hóa và dịch vụ: Trong nền kinh tế trao đổi hiện vật, rất khó để biết được giá trị hàng hóa, dịch vụ mà một người đang sở hữu là bao nhiêu.

(Tài liệu tham khảo: Investopedia; Từ điển Kinh tế học, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân; Economics.help)

Thanh Tùng