|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Mô hình tăng trưởng kinh tế Harrod (Harrod economic growth model) là gì?

15:52 | 10/02/2020
Chia sẻ
Mô hình tăng trưởng kinh tế Harrod (tiếng Anh: Harrod economic growth model) quan tâm tới tỉ lệ tăng trưởng cần thiết của sản lượng để thỏa mãn điều kiện tiết kiệm bằng đầu tư.
Mô hình tăng trưởng kinh tế Harrod (Harrod economic growth model) là gì? - Ảnh 1.

Hình minh họa

Mô hình tăng trưởng kinh tế Harrod (Harrod economic growth model)

Định nghĩa

Mô hình tăng trưởng kinh tế Harrod trong tiếng Anh là Harrod economic growth model.

Mô hình tăng trưởng kinh tế Harrod là mô hình lí thuyết nghiên cứu đường lối tăng trưởng của nền kinh tế. Mô hình này quan tâm tới tỉ lệ tăng trưởng cần thiết của sản lượng (Y) để thỏa mãn điều kiện thu nhập quốc dân cân bằng (Y*) của Keynes là:

Tiết kiệm (St) = Đầu tư (It) (1)

Trong mô hình Harrod, S phụ thuộc vào thu nhập quốc dân:

St = s.Yt (2)

trong đó s biểu thị xu hướng tiết kiệm bình quân và xu hướng tiết kiệm cận biên (tức s = APS = MPS). Công thức này hàm ý tiết kiệm trong một thời kì phụ thuộc vào thu nhập của chính thời kì đó.

I phụ thuộc vào tỉ lệ thay đổi của thu nhập từ thời kì này sang thời kì sau. Nếu kí hiệu thu nhập của thời kì hiện tại là Yt, thu nhập của thời kì trước là Yt-1, chúng ta có thể viết:

It = ∝ (Yt - Yt-1) (3)

Phương trình 3 hàm ý đầu tư phái sinh và mức đầu tư phái sinh phụ thuộc vào hệ số tăng tốc ∝.

Thay tiết kiệm St = s.Yt và đầu tư I = ∝ (Yt - Yt-1), điều kiện cân bằng biểu thị trong phương trình (1) chuyển thành:

sY = ∝ (Yt - Yt-1) (4)

Chia cả hai vế của phương trình (4) cho ∝Y, chúng ta được

s/∝ = (Yt - Yt-1)/ Yt (5)

Nếu thay (Yt - Yt-1) = ΔYt, chúng ta được:

 ΔYt/Yt = s/∝ (6)

Biểu thức vế trái là tỉ lệ thay đổi của thu nhập. Vế phải là tỉ lệ giữa xu hướng tiết kiệm cận biên và hệ số tăng tốc. Vì điều này được rút ra từ điều kiện cho phép duy trì trạng thái cân bằng trong mọi thời kì, nên Harrod gọi tỉ lệ thay đổi của thu nhậptỉ lệ tăng trưởng bảo đảm.

Nếu tỉ lệ tăng trưởng thực tế cao hoặc thấp hơn tỉ lệ tăng trưởng bảo đảm, thu nhập sẽ tăng nhiều hơn hoặc giảm nhiều hơn mức cần thiết để duy trì trạng thái cân bằng và gây ra tình trạng di trệch ngày càng nhiều so với đường lối tăng trưởng cân bằng.

Phương trình (6) được dùng để xác định tỉ lệ tăng trưởng bảo đảm. Tỉ lệ tăng trưởng thực tế được xác định bởi tốc độ tăng của lực lượng lao động và năng suất lao động. Giả sử lực lượng lao động tăng với tốc độ 1%/năm và năng suất lao động tăng 2%/năm. Tỉ lệ tăng trưởng có thể đạt được (Harrod gọi là tỉ lệ tăng trưởng tự nhiên) của sản lượng và thu nhập là 3%/năm.

Nếu tỉ lệ tăng trưởng tự nhiên vượt quá tỉ lệ tăng trưởng bảo đảm, phương trình (5) cho thấy nền kinh tế ngày càng xa rời tỉ lệ bảo đảm, thu nhập tăng trưởng với tỉ lệ quá cao và gây ra tình trạng mở rộng quá mạnh. Ngược lại, nếu tỉ lệ tự nhiên thấp hơn tỉ lệ bảo đảm, nền kinh tế sẽ rơi vào tình trạng suy thoái.

(Tài liệu tham khảo: Từ điển Kinh tế học, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)

Thanh Tùng

Khối ngoại tiếp tục mua ròng gần 300 tỷ đồng phiên VN-Index tăng điểm diện rộng
NĐT nước ngoài có phiên mua ròng thứ hai liên tục với quy mô 294 tỷ đồng. Giao dịch giải ngân chủ yếu tập trung trên HOSE với hơn 243 tỷ đồng.