Tăng trưởng kinh tế (Economic Growth) là gì? Ý nghĩa của tăng trưởng kinh tế
Hình minh họa. Nguồn: tapchitaichinh
Tăng trưởng kinh tế (Economic Growth)
Định nghĩa
Tăng trưởng kinh tế trong tiếng Anh gọi là Economic Growth. Đó là sự gia tăng của tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hoặc tổng sản phẩm quốc dân (GNP) trong một thời gian nhất định.
Tăng trưởng kinh tế còn được định nghĩa là sự gia tăng về lượng kết quả đầu ra của nền kinh tế trong thời gian nhất định.
Các thuật ngữ liên quan
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là một chỉ tiêu đo lường tổng giá trị thị trường của tất cả các hàng hoá và dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra trong phạm vi lãnh thổ quốc gia trong một thời kì nhất định (thường là một năm).
Công thức xác định
- Qui mô tăng trưởng (mức tăng trưởng tuyệt đối)
ΔGDPn = GDPn – GDP0
- Tốc độ tăng trưởng (mức tăng trưởng tương đối)
g = (GDPn – GDP0 )/GDP0 x 100%
Trong đó
ΔGDPn : : qui mô tăng trưởng GDP năm nghiên cứu (năm n) so với năm gốc so sánh.
GDPn: Tổng sản phẩm quốc nội năm n.
GDP0: Tổng sản phẩm quốc nội năm gốc so sánh.
g: tốc độ tăng trưởng kinh tế
Lợi ích
- Tăng trưởng kinh tế là cơ sở để cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống con người.
Tăng trưởng kinh tế giúp sản lượng và thu nhập đều tăng, người dân sẽ chi tiêu thoải mái hơn, từ đó góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
- Tăng trưởng kinh tế là tiền đề để phát triển các mặt khác của xã hội.
Ví dụ: Tăng trưởng kinh tế làm cho thu nhập của người dân tăng lên dẫn đến ngân sách nhà nước thu được nhiều hơn, từ đó nhà nước có điều kiện để tăng đầu tư công, phát triển nhiều mặt trong đời sống xã hội.
Hạn chế
Bên cạnh những lợi ích mà tăng trưởng kinh tế mang lại thì còn có những mặt trái, được gọi là những chi phí mà xã hội phải gánh chịu do tăng trưởng quá cao, quá nóng.
Tăng trưởng kinh tế cao làm ô nhiễm môi trường, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên; nguy cơ làm nảy sinh các vấn đề xã hội: gia tăng tệ nạn xã hội, hay nghiêm trọng hơn là gia tăng bất bình đẳng xã hội.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Kinh tế vĩ mô, NXB Tài chính; Giáo trình kinh tế phát triển, NXB Tài chính)