|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Mô hình tăng trưởng kinh tế (Models of Economic Growth) là gì? Phân loại và các mô hình tăng trưởng

19:49 | 10/10/2019
Chia sẻ
Mô hình tăng trưởng kinh tế (tiếng Anh: Models of Economic Growth) là cách thức tổ chức huy động và sử dụng các nguồn lực để đảm bảo có sự tăng trưởng về kinh tế qua các năm, với một tốc độ hợp lí.
morgan-stanley-raises-indias-fy13-gdp-forecast-to-5-4-per-cent

Hình minh hoạ (Nguồn: economictimes)

Mô hình tăng trưởng kinh tế

Khái niệm

Mô hình tăng trưởng kinh tế trong tiếng Anh được gọi là Models of Economic Growth.

Mô hình tăng trưởng kinh tế là cách thức tổ chức huy động và sử dụng các nguồn lực để đảm bảo có sự tăng trưởng về kinh tế qua các năm, với một tốc độ hợp lí.

Phân loại

Mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng có đặc trưng cơ bản là tăng khối lượng sản xuất nhờ vào tăng trưởng vốn, lao động và tài nguyên thiên nhiên. 

Đồng thời, là con đường đơn giản nhất để mở rộng sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập,... nhưng cũng có nhiều hạn chế: nền kinh tế trì trệ, năng suất lao động thấp, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm...

Mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu có đặc trưng cơ bản là dựa vào khoa học và công nghệ hiện đại, nâng cao hiệu quả, chất lượng của tăng trưởng, như: 

- Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tăng năng suất lao động, nâng cao sự đóng góp của nhân tố năng suất tổng hợp (TFP - Total Factor Productivity).

- Hướng hoạt động của nền kinh tế vào các ngành, lĩnh vực có giá trị gia tăng, giảm chi phí sản xuất, chủ động sản xuất và xuất khẩu hàng hóa có dung lượng công nghệ cao, trên cơ sở khai thác triệt để các lợi thế của đất nước, thực hiện đồng bộ hóa quá trình khai thác và chế biến sản phẩm. 

Tăng trưởng theo chiều sâu không chỉ nâng cao chất lượng, hiệu quả nền kinh tế, mà còn gắn liền với bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện phúc lợi xã hội...

Ngày nay, tăng trưởng kinh tế được gắn với chất lượng tăng trưởng. Công cụ để xác lập các mối liên hệ và mô tả diễn biến của tăng trưởng kinh tế, các nhân tố chi phối quá trình tăng trưởng, các chỉ tiêu đo lường tăng trưởng cả về số lượng và chất lượng trong quá trình tăng trưởng là các mô hình tăng trưởng kinh tế.

Các mô hình

- Mô hình Harrod - Domar

Mô hình tăng trưởng kinh tế dạng đơn giản là mô hình Harrod - Domar

Dựa vào tư tưởng của Keynes, vào những năm 40 với sự nghiên cứu một cách độc lập, hai nhà kinh tế học là Roy Harrod ở Anh và Evsay Domar ở Mỹ đã cùng đưa ra mô hình giải thích mối quan hệ giữa sự tăng trưởng và thất nghiệp ở các nước phát triển. 

Mô hình này cũng được sử dụng rộng rãi ở các nước đang phát triển để xét mối quan hệ giữa tăng trưởng và các nhu cầu về vốn. 

Mô hình này coi đầu ra của bất kì đơn vị kinh tế nào, dù là một công ty, một ngành công nghiệp hay toàn bộ nền kinh tế phụ thuộc vào tổng số vốn đầu tư cho nó.

- Mô hình Solow - Swan

Mô hình Solow-Swan là mô hình tăng trưởng ngoại sinh, một mô hình kinh tế về tăng trưởng kinh tế dài hạn được thiết lập dựa trên nền tảng và khuôn khổ của kinh tế học tân cổ điển. 

Mô hình này được đưa ra để giải thích sự tăng trưởng kinh tế dài hạn bằng cách nghiên cứu quá trình tích lũy vốn, lao động hoặc tăng trưởng dân số, và sự gia tăng năng suất, thường được gọi là tiến bộ công nghệ. 

Bản chất của nó là hàm tổng sản xuất tân cổ điển, thường là dưới dạng hàm Cobb-Douglas, cho phép mô hình "liên kết được với kinh tế học vi mô". Mô hình đã được phát triển độc lập bởi Robert Solow và Trevor Swan năm 1956, thay thế mô hình hậu Keynesian Harrod-Domar.

- Mô hình tăng trưởng kinh tế với tiến bộ công nghệ

Tiến bộ công nghệ có ý nghĩa rất lớn trong lí thuyết tăng trưởng kinh tế. Nhờ tiến bộ công nghệ mà các nền kinh tế của nhiều quốc gia đã phát triển nhanh. 

Về mặt lí thuyết, nếu không có tiến bộ công nghệ, thì do năng suất cận biên giảm dần sẽ làm cho khó giữ được các chỉ tiêu theo đầu người không giảm chỉ nhờ tích luỹ.

- Các mô hình tăng trưởng nội sinh

Trong các mô hình tăng trưởng trình bày ở trên, yếu tố lao động hay rộng hơn là yếu tố con người và tiến bộ công nghệ được xem là ngoại sinh. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế lại cho rằng các yếu tố này trong thực tế có thể là nội sinh. 

Các mô hình tăng trưởng nội sinh có thể kể đến bao gồm:

+ Mô hình học hỏi (Learning-by-doing model) của Kenneth J.Arrow (1962) 

+ Mô hình R&D (Research and Development Model)

+ Mô hình Mankiw-Romer-Weil

+ Mô hình AK

+ Mô hình " Học hay làm" (Learning-or-doing model)

Mặc dù các mô hình tăng trưởng nội sinh vẫn đề cao vai trò của tiết kiệm đối với tăng trưởng của nền kinh tế, nhưng các kết luận của mô hình này có nhiều điểm trái ngược với mô hình của Solow. 

Đặc biệt là ở chỗ mô hình này cho thấy không có xu hướng các nước nghèo (ít vốn) có thể đuổi kịp các nước giàu về mức thu nhập bình quân, cho dù có cùng tỉ lệ tiết kiệm. Nguyên nhân bắt nguồn từ sự chênh lệch không chỉ là vốn vật chất, mà quan trọng hơn là vốn con người. 

Bởi vì tốc độ tăng trưởng là nội sinh, mô hình chỉ ra một con đường thoát khỏi nghèo đói: một nước đầu tư nhiều vào nguồn nhân lực hơn sẽ có tốc độ tăng trưởng cao hơn.

(Tài liệu tham khảo: Các lí thuyết về mô hình tăng trưởng kinh tế, ĐH Duy Tân)

Diệu Nhi