|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Hệ thống giá cả (Price system) là gì? Nội dung về hệ thống giá cả

14:24 | 10/10/2019
Chia sẻ
Hệ thống giá cả (tiếng Anh: Price system) là đặc trưng của nền kinh tế mà các quyết định cơ bản về sản xuất cái gì, như thế nào và cho ai được xác định bởi sự tương tác giữa người mua và người bán trên thị trường nhân tố và sản phẩm.
Untitled

Hình minh họa

Hệ thống giá cả (Price system)

Khái niệm

Hệ thống giá cả trong tiếng Anh là Price system. Thuật ngữ này còn có cách gọi khác là cơ chế thị trường trong tiếng Anh là market mechanism.

Hệ thống giá cả là đặc trưng của nền kinh tế mà các quyết định cơ bản về sản xuất cái gì, như thế nào và cho ai được xác định bởi sự tương tác giữa người mua và người bán trên thị trường nhân tố và sản phẩm.

1

Hình a. Hệ thống giá cả

2

Hình b. Hệ thống giá cả. Các kí hiệu: D = nhu cầu về sản phẩm; S = cung về sản phẩm; P = giá của sản phẩm; Pr = lợi nhuận của nhà cung cấp; Pf = giá đầu vào nhân tố; SF = cung về nhân tố; DF = cầu về nhân tố.

Nội dung về hệ thống giá cả

Trong nền kinh tế doanh nghiệp tư nhân hay nền kinh tế hỗn hợp có khu vực tư nhân lớn, mức sản xuất và tiêu dùng sản phẩm là kết quả của các quyết định do khu vực hộ gia đình và doanh nghiệp đưa ra. Các quyết định này bị chi phối bởi hệ thống giá cả làm cơ sở cho các giao dịch của họ trên thị trường. 

Doanh nghiệp là một yếu tố then chốt trong hệ thống thị trường. Nó hoạt động trên thị trường sản phẩm để bán hàng hóa và dịch vụ, trên thị trường nhân tố để mua hoặc thuê các nhân tố sản xuất. Về cơ bản, hệ thống giá cả chi phối cả hai loại thị trường này và đảm bảo rằng các nguồn lực kinh tế được phân bổ phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng.

Hệ thống giá cả có thể tạo ra một cơ chế phức tạp để tự phân bổ nguồn lực. Tuy nhiên, không nhất thiết nó phải là cơ chế phân bổ nguồn lực hoàn hảo như người ta tưởng.

Một là, phản ứng của cung trong nội bộ hệ thống giá cả đối với những thay đổi trong nhu cầu của người tiêu dùng có thể thấp và đau đớn, vì những doanh nghiệp kém hiệu quả hơn không bị đào thải một cách nhanh chóng, mà họ có thể tiếp tục hoạt động một thời gian mặc dù bị thua lỗ.

Hai là, các nguồn lực không phải lúc nào cũng cơ động về mặt địa lí hoặc ngành nghề như mô hình giả định, đặc biệt, công nhân cần được đào taọ trong một thời gian dài để nắm vững chuyên môn mới.

Ba là, hệ thống giá cả không thể cung ứng một số sản phẩm tập thể, còn gọi là hàng hóa công cộng, như đường ô tô, do không có thị trường cho các sản phẩm loại này.

Cuối cùng, sự vận hành một cách có hiệu quả của hệ thống giá cả tùy thuộc rất nhiều vào đặc trưng về cấu trúc của thị trường sản phẩm và thị trường nhân tố. Khi thị trường có cấu trúc cạnh tranh hoàn hảo, hệ thống giá cả hoạt động tốt. Ngược lại, nếu có được đặc trưng bởi cấu trúc độc quyền hoặc thiểu quyền với hàng rào gia nhập cao, các doanh nghiệp không thể tự do gia nhập hay rời bỏ thị trường như họ muốn khi tận dụng cơ hội kiếm được lợi nhuận cao.

Trước đây do cơ chế kinh tế kế hoạch tập trung quan liêu nên tác động của qui luật giá trị cũng bị xem nhẹ. Giá cả không phản ánh được giá trị cũng không phản ánh được tình hình cung - cầu, tỉ giá giữa các hàng hoá khác nhau cũng như giữa các hàng hoá cùng loại cũng bất hợp lí. Bởi vậy, giá cả không phát huy được chức năng đòn bẩy kinh tế mạnh mẽ đối với sự phát triển của sản xuất và phát huy tính tích cực của người lao động.

Mặc dù cơ chế thị trường ở nước ta trong thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội là cơ chế có sự quản lí của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, song cơ chế hình thành giá cả phải bắt nguồn từ thị trường là chính, người sản xuất kinh doanh có quyền định giá. 

Cơ chế hình thành giá này đòi hỏi nhà nước trong khi chỉ đạo và quản lí giá cả phải làm cho tuyệt đại đa số hàng hoá phù hợp với giá thị truờng do các tổ chức kinh tế căn cứ vào quan hệ cung cầu của thị trường qui định, thông qua giá cả nhà nước điều tiết, hướng dẫn việc đầu tư một cách hợp lí.

(Tài liệu tham khảo: Nguyễn Văn Ngọc, Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân)

TH