Mô hình phục hồi hình chữ L (L-Shaped Recovery) là gì? Đặc điểm
Hình minh họa. Nguồn: Washington.com
Mô hình phục hồi hình chữ L
Khái niệm
Mô hình phục hồi hình chữ L trong tiếng Anh là L-Shaped Recovery.
Mô hình phục hồi hình chữ L là một dạng suy thoái và phục hồi kinh tế có sự suy giảm mạnh mẽ trong tăng trưởng kinh tế và theo sau đó là quá trình phục hồi chậm chạp và trì trệ.
Khi đề cập đến suy thoái và thời kì phục hồi tiếp theo, các nhà kinh tế thường sử dụng hình dạng xuất hiện khi lập biểu đồ các thông số thể hiện sức khỏe nền kinh tế ví dụ như tỉ lệ việc làm, tổng sản phẩm trong nước GDP và sản lượng công nghiệp.
Mô hình phục hồi hình chữ L có suy thoái mạnh do tăng trưởng kinh tế giảm mạnh, theo sau nó là một đường ngang cho thấy một thời gian dài tăng trưởng kinh tế trì trệ. Trong một cuộc suy thoái hình chữ L, quá trình phục hồi có thể mất một thập kỉ hoặc hơn.
Mô hình phục hồi cũng có thể là theo hình chữ V, hình chữ W và hình chữ U. Tương tự như mô hình phục hồi hình chữ L, những dạng này cũng dựa trên hình dạng quan sát được trên biểu đồ dữ liệu kinh tế có liên quan.
Đặc điểm mô hình phục hồi hình chữ L
Mô hình phục hồi hình chữ L là loại suy thoái và phục hồi khủng khiếp nhất do tăng trưởng kinh tế giảm mạnh và nền kinh tế không phục hồi trong một khoảng thời gian dài đáng kể. Suy thoái hình chữ L thường được gọi là khủng hoảng kinh tế do thời gian phục phồi sau suy thoái quá lâu.
Các nước thường sẽ phải trải qua sự suy giảm tăng trưởng kinh tế cứ sau vài năm. Khi tăng trưởng kinh tế giảm trong khoảng sáu tháng và sau đó phục hồi, thì được gọi là một cuộc suy thoái. Khi tăng trưởng kinh tế giảm mạnh hơn và kéo dài một năm hoặc hơn, nó được gọi là khủng hoảng kinh tế.
Ví dụ về mô hình phục hồi hình chữ L
Thập kỉ bị mất là một cái tên được người Nhật Bản đặt cho giai đoạn suy thoái và phục hồi trì trệ những năm 1990. Đây được coi là ví dụ nổi tiếng nhất về mô hình phục hồi hình chữ L trong thực tế. Nhật Bản đã có tốc độ tăng trưởng kinh tế thần kì từ trước cho đến những năm 1990.
Trong thời gian tăng trưởng này, giá trị bất động sản và giá thị trường chứng khoán đã nhanh chóng tăng lên. Lo ngại về việc định giá quá cao các tài sản trên hai thị trường này, Ngân hàng Nhật Bản đã tăng lãi suất vào năm 1989. Sau sự kiện trên, thị trường chứng khoán sụp đổ dẫn đến tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm giảm xuống từ 3.89% còn 1.14% trong khoảng thời gian từ năm 1991 đến 2003.
Nhật Bản đã không thể phục hồi nền kinh tế trong suốt 10 năm tiếp theo và phải chịu những hậu quả do sự phục hồi trì trệ trong một thập kỉ sau đó.
Một ví dụ khác là sự suy giảm kinh tế trầm trọng của Hy Lạp trong năm 2006 - 2007, tiếp sau đó là sự phục hổi chậm chạp những năm tiếp theo. Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hy Lạp có phục hồi nhẹ, năm 2017 ở mức 1.6%.
(Theo Investopedia)