Mô hình giá gốc có phân bổ (Amortised cost model) là gì?
Mô hình giá gốc có phân bổ
Khái niệm
Mô hình giá gốc có phân bổ trong tiếng Anh là Amortised cost model.
Mô hình giá gốc có phân bổ là mô hình áp dụng phương pháp lãi suất thực tế để xác định giá trị hiện tại của dòng tiền liên quan đến tài sản và nợ phải trả theo một lãi suất chiết khấu nhất định.
Nội dung
Theo mô hình này, tài sản và nợ phải trả được ghi nhận ban đầu theo giá gốc. Sau ghi nhận ban đầu, các khoản tiền lãi liên quan được phân bổ theo phương pháp lãi suất thực tế. Khoản phân bổ tiền lãi được ghi nhận để điều chỉnh từ giá gốc thành giá gốc có phân bổ và được ghi nhận vào Báo cáo kết quả kinh doanh.
Mô hình giá gốc có phân bổ được áp dụng trong các chuẩn mực kế toán quốc tế và quốc gia hiện nay để đánh giá và ghi nhận các công cụ tài chính như: Các khoản cho vay và nợ phải thu, phải trả ...
Hạn chế của mô hình giá gốc có phân bổ là việc tính toán, phân bổ các khoản tiền lãi liên quan đến công cụ tài chính cho mỗi kì là khá phức tạp.
Tuy nhiên, việc áp dụng mô hình này cho phép kế toán phản ánh các tài sản và công nợ tài chính của doanh nghiệp đúng với lợi ích và nghĩa vụ của doanh nghiệp ở thời điểm lập báo cáo.
Ngoài ra, thông tin tài chính về giá gốc có phân bổ cũng đạt được mức độ tin cậy cao vì mô hình này sử dụng các dữ liệu về luồng tiền, tỉ lệ chiết khấu được qui định rõ trong các hợp đồng hoặc số liệu tham chiếu từ thị trường hoạt động.
Đối với các khoản cho vay hoặc nợ phải thu, phải trả có kèm theo lãi ngầm định thì chế độ kế toán Việt Nam vẫn qui định đánh giá sau ghi nhận ban đầu theo giá gốc mà chưa áp dụng giá gốc có phân bổ.
(Nguồn tham khảo: Tạp chí Nghiên cứu khoa học kiểm toán số 43/2011, TS. Mai Ngọc Anh - Khoa Kế Toán, Học viện Tài chính)