Lí luận Đơn vị ở láng giềng (Neighbourhood Unit) là gì?
Hình minh họa (Nguồn: Pinterest)
Đơn vị ở láng giềng (Neighbourhood Unit)
Đơn vị ở láng giềng - danh từ, trong tiếng Anh được gọi là Neighbourhood Unit, hay Neighbourhood Unit Concept.
Lí luận Đơn vị ở láng giềng của Clarence Perry (1939) là lí luận phát triển thành phố theo đơn vị, dựa vào mối quan hệ cơ bản nhất của cộng đồng khu vực: chức năng phục vụ giáo dục.
Qui mô của đơn vị láng giềng được xác định vào lượng dân cư (6000 đến12000 người) tương đương với lượng học sinh để hình thành trường phổ thông cơ sở. (Theo Lí thuyết qui hoạch đô thị, Trường ĐH Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh)
Nội dung lí luận Đơn vị ở láng giềng
Thiết kế đô thị hiện đại thế giới ngày nay được đặc trưng bằng việc chia đô thị thành các vùng qui hoạch, các khu nhà ở và các tiểu khu nhà ở. Đó là một đóng góp quan trọng vào nền văn hóa xây dựng đô thị hiện đại, khai thông một hướng phát triển đô thị hợp lí mới. Luận điểm của Perry thực sự đã gây chấn động trong dư luận các giới chuyên môn và công chúng.
Trong cơ cấu của Đơn vị láng giềng, quan điềm của C.Perry về vùng phục vụ khu vực của các công trình trung tâm dịch vụ công cộng là không bền chặt. Vì vậy các công trình trung tâm dịch vụ công cộng được đẩy ra biên, giáp ranh với các trục giao thông bên ngoài đơn vị láng giềng.
Cũng từ đây, trong lí thuyết đô thị hình thành các khái niệm phục vụ tại chỗ và không chỉ phục vụ tại chỗ. Khái niệm phục vụ tại chỗ là chỉ mối quan hệ vùng phục vụ bền chặt, còn khái niệm không chỉ phục vụ tại chỗ để nói về sự không bền chặt của vùng phục vụ.
Những nguyên tắc cơ bản
Đơn vị ở láng giềng được bao quanh bởi những tuyến giao thông chính, bên trong Đơn vị láng giềng là đường nội bộ tạo thành mạng lưới kết nối từ các tuyến giao thông bên ngoài vào các khu nhà ở và các công trình phục vụ công cộng khu ở.
Việc bố trí và sử dụng hợp lí các công trình dịch vụ; trường học đặt gần với lõi không gian cây xanh, trường học và nhà trẻ nối liền với các đường đi bộ, cách li hoàn toàn với đường lớn... Các cửa hàng được đặt ở vành ngoài đơn vị láng giềng, gần các bến giao thông công cộng.
Thực tiễn mô hình đơn vị ở láng giềng
Tại Liễn Xô cũ và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sau chiến tranh thế giới thứ II đã phát triển các mô hình ở dạng tiểu khu nhà ở.
Tiểu khu nhà ở dựa vào nguyên tắc tổ chức của đơn vị ở láng giềng và phát triển thêm một số nguyên tắc, hướng đến sự phục vụ tối ưu nhất điều kiện ở như: giao thông khu vực được tổ chức là các đường cụt, không xuyên qua tiểu khu nhà ở; trong tiểu khu nhà ở chia thêm cấp phục vụ nhóm ở với trung tâm là công trình Mẫu giáo - Nhà trẻ; nhà ở trong tiểu khu nhà ở chủ yếu là nhà chung cư có khoảng không gian cây xanh và vườn trẻ... (Theo Lí thuyết qui hoạch đô thị, Trường ĐH Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh)